Vụ Tân Hiệp phát và con ruồi nửa tỷ: Luật sư nói chính THP dẫn dắt bị cáo phạm tội

'Tân Hiệp Phát có trình độ học vấn cao hơn bị cáo Minh, phải ra tay ngăn chặn, cương quyết không đưa tiền ngay từ đầu. Đằng này lại dẫn dắt, trao đổi tiền bạc với anh Minh, biến bị cáo Minh từ lời nói thành hành động'.

Sáng nay (8/9), TAND Cấp cao tại TP.HCM chính thức mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Võ Văn Minh (sinh năm 1980, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tham gia phiên tòa có đại diện đơn vị giám định là Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Võ Văn Minh có đến 6 luật sư. Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục có 2 luật sư bảo vệ cho bị cáo vắng mặt.

Luật sư Phạm Công Hùng cho rằng việc điều tra, xét xử không công bằng, không đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm điều tra truy tố bị cáo Minh là người bán, không điều tra truy tố xét xử người mua là Tân Hiệp Phát. Người bán sai ít, người mua sai nhiều, hành vi im lặng của người mua nguy hiểm hơn.

Theo luật sư Hùng, trong vụ án này có nhiều vi phạm tố tụng. Việc lưu giữ, bảo quản chai nước tang vật có nhiều uẩn khuất, chưa làm rõ chai nước đã bị mở từ trước hay là trong quá trình điều tra mới mở để giám định.

Các biên bản thu vật chứng ban đầu đều thể hiện chai nước còn nguyên vẹn, chưa bị mở. Trong giấy nhập kho thì không nhập kho chai nước ngọt tang vật, vậy vật chứng này để ở đâu, niêm phong ra sao, lưu giữ thế nào.

Sau đó mấy ngày, điều tra viên lại đưa ra một chai nước ngọt, niêm phong trong bì thư và có chữ ký của bị cáo Minh, chai nước này là chai nào, có phải là chai nước lúc bắt quả tang bị cáo hay không?

Có dấu hiệu cất giữ vật chứng, vi phạm tố tụng, luật sư Hùng cho biết.

Vi phạm tố tụng thứ 2 là cơ quan điều tra cho nguyên đơn dân sự làm đơn tố cáo dự cung. Theo đó luật sư của THP đã một vài lần tham gia xét hỏi cùng công an trong quá trình điều tra. Không có luật nào quy định luật sư của bên nguyên được dự cung nhưng cơ quan điều tra vẫn thực hiện là trái pháp luật.

Luật sư của bên bị tố cáo ngồi hỏi cung một người bị tố cáo?

Cũng theo luật sư Hùng, Tân Hiệp Phát đã gửi đơn tố cáo đến công an, đó là biện pháp ngăn chặn hành vi đe dọa của Minh, vậy sao còn phải sợ hãi? Khi gặp Minh tại quán cà phê, mặc dù có công an mật phục, đó đã là ngăn chặn rồi, tại sao còn đưa tiền cho công an bắt bị cáo, có chăng là sự gài bẫy, sắp đặt.

Luật sư Phạm Công Hùng tranh luận với VKS: Đầu tiên tôi không đồng ý với quan điểm của VKS. VKS nói rằng nếu bị cáo kháng cáo xin giảm án thì sẽ đề nghị giảm cho 2 - 3 năm tù. Nhưng bị cáo kêu oan thì giữ nguyên mức án.

Vậy trong trường hợp bị cáo oan thật và kêu oan, không giảm án cho họ sao? Rất nhiều trường hợp bị cơ quan điều tra ép cung, mớm cung nhưng khi ra tòa kêu oan đều bị yêu cầu cung cấp chứng cứ, họ lấy chứng cứ đâu ra để thể hiện mình bị oan sai trong quá trình điều tra đây?

Luật sư Hùng cho rằng, trong vụ án này, chính bị cáo Minh là người đã bị Tân Hiệp Phát dẫn dắt vào con đường phạm tội.

Cái lo sợ của Tân Hiệp Phát trong vụ này không phải sợ anh Minh đe dọa để chiếm đoạt tài sản mà sợ bị mất uy tín kinh doanh. Từ đó đã thỏa thuận bỏ 500 triệu để mua sự im lặng của anh Minh.

Tân Hiệp Phát có trình độ học vấn cao hơn anh Minh, phải ra tay ngăn chặn, cương quyết không đưa tiền ngay từ đầu. Đằng này Tân Hiệp Phát dẫn dắt, trao đổi tiền bạc với anh Minh, biến bị cáo Minh từ lời nói thành hành động. Chính Tân Hiệp Phát dẫn dắt bị cáo Minh vào vòng lao lý, báo cho công an bắt anh Minh khi vừa nhận tiền.

Sự thỏa thuận mua sự im lặng của bị cáo Minh là trái pháp luật. Tân Hiệp Phát đã mua sự im lặng về sự khiếm khuyết để tiếp tục cho ra những sản phẩm không chuẩn mực, đặc biệt là nước giải khát, ảnh hưởng tới tính mạng tài sản, sức khỏe của người tiêu dùng.

Luật sư Hùng cho rằng, ông chia sẻ với việc sẽ có những trục trặc trong quy trình sản xuất. Tuy nhiên, khi có sự cố, không phải bỏ tiền ra mua sự im lặng mà mình phải công khai, cảnh báo người tiêu dùng và thu hồi sản phẩm lỗi. Tiếc là họ không làm thế mà là đổi lấy sự im lặng. Qua vụ án này đủ cơ sở kết luận, mua sự im lặng vi phạm khoản 2 điều 30 Luật bảo vệ người tiêu dùng. Che dấu sản phẩm lỗi là một việc làm nguy hiểm, triệt hại người tiêu dùng.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng hỏi bị cáo Minh: Bị cáo là người kinh doanh, nếu là người tốt thì phải đứng về phía người tiêu dùng, nếu bị cáo cho rằng chai nước có ruồi là lỗi của Tân Hiệp Phát, thì bị cáo phải báo cơ quan chức năng việc công ty sản xuất không đảm bảo.

Tại sao chai nước có 10.000 đồng mà bị cáo lấy 500 triệu, ở khía cạnh đạo đức xã hội có đúng không?

Bị cáo Minh không trả lời câu hỏi này.

“Còn bị cáo có tội hay không HĐXX sẽ xem xét”, HĐXX chất vấn.

Kết thúc phần xét hỏi, Kiểm sát viên cao cấp Võ Chí Thiện - đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã phát biểu quan điểm về vụ án: Bản án sơ thẩm tuyên Võ Văn Minh 7 năm tù là có căn cứ và đã rất chiếu cố.

Với các bằng chứng cứ đã nêu, VKS đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Minh, giữ nguyên bản án sơ thẩm./.

Hà Giang (T/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/vu-tan-hiep-phat-va-con-ruoi-nua-ty-luat-su-noi-chinh-thp-dan-dat-bi-cao-pham-toi-209499.html