Vụ tàu Trung Quốc gần bãi Tư Chính: Cẩn trọng tin giả

Rất nhiều thông tin liên quan vụ bãi Tư Chính là thông tin giả mạo.

Những ngày qua vụ tàu Địa chất Hải dương 8 do Trung Quốc cử đi khảo sát tại vùng biển gần bãi Tư Chính-Vũng Mây, vốn nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, đang khiến dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “bãi Tư Chính-Vũng Mây” trên trang tìm kiếm Google, chưa đến 1 giây đã có hơn 600.000 kết quả. Trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Youtube, thông tin về vụ bãi Tư Chính-Vũng Mây cũng tràn ngập.

Tuy nhiên, không nhiều người để ý về “tin giả” (fake news), vốn đang tràn lan và có thể khiến độc giả hiểu lầm, hiểu sai, thậm chí là bị kích động về vụ việc.

Không tìm thấy tin ông Trump lên tiếng vụ bãi Tư Chính

Từ ngày 24-7, có thông tin “Tổng thống Trump thách Trung Quốc dám động vào Bãi Tư Chính” đăng trên Ngọn Cờ (ngonco.net) có ghi dẫn nguồn từ Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc.

Qua tìm hiểu, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc có địa chỉ website là vnctq.com (Tổng Biên tập: PGS.TS. Phạm Hồng Thái; Trụ sở: No. 128 Academia Road, Section 2, Nankang, Taipei 11529, Đài Loan). Trong đó, trang thông tin này có đăng bài: “Trump tuyên bố hỗ trợ Việt Nam, thách Trung Quốc dám động vào Bãi Tư Chính”.

Hai bản tin đều ghi “… trong cuộc họp giữa tổng thống Donald Trump và Bộ Ngoại giao Mỹ, Trump đã tuyên bố kêu gọi các nhà sản xuất dầu khí đứng đầu tại Mỹ hỗ trợ Việt Nam, tiến hành khai thác dầu khí tại khu vực Bãi Tư Chính…”.

Đồng thời, cả hai bản tin còn dẫn trực tiếp phát biểu được cho là của ông Trump “…Trung Quốc đang muốn bành trướng thế lực ở Biển Đông bằng vô số hành động khiêu khích. Nếu chúng ta khoanh tay đứng nhìn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều quốc gia khác bị đe dọa. Tôi kêu gọi các tập đoàn dầu khí nước ta nhanh chóng xúc tiến hợp tác cùng khai thác dầu khí tại Việt Nam, bất chấp những hành động của Trung Quốc…”.

Qua kiểm chứng thông tin từ các hãng tin phổ biến như Reuters, AP, AFP, Washington Post, New York Times, The Guardian, Bloomberg, VOX, v.v. thì không hề có thông tin này.

Ngoài ra, kiểm tra website của Nhà Trắng (https://www.whitehouse.gov/) và Bộ Ngoại giao Mỹ (https://www.state.gov/) cũng không thấy thông tin này. Ngay cả trang thông tin cá nhân Twitter – nơi ông Trump dường như đăng tất cả các phát ngôn của mình về các vấn đề thời sự, thì cũng không có thông tin như hai bản tin trên.

Thông tin ông Trump lên tiếng vụ bãi Tư Chính là tin giả.

Thông tin ông Trump lên tiếng vụ bãi Tư Chính là tin giả.

Thông tin Nga triệu tập Đại sứ Trung Quốc chưa được xác thực

Kênh Youtube mang tên KTV1 có bản tin: “Bãi Tư Chính mới nhất: Nga triệu tập đại sứ TQ phản đối, việc trở lại Cam Ranh còn để ngỏ” thu hút 799.103 lượt xem và hơn 600 bình luận. Thông tin này cũng được đăng tải trên 1 số trang tin điện tử như http://baoqpvn.net, và được chia sẻ trên một số tài khoản Facebook.

Theo đó, xuất hiện thông tin “Ngày 22-7, Ngoại trưởng Nga, ông Sergey Viktorovich Lavrov triệu tập đại sứ Trung Quốc, ông Lý Huy tới để cáo buộc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển tại khu vực phía Nam Biển Đông…” các bản tin này không dẫn nguồn thông tin nào để độc giả, thính giả có thể kiểm chứng.

PLO tiếp tục dùng cách kiểm chứng thông tin: Kiểm tra thông tin trên các hãng thông tấn và hãng tin lớn của Nga như TASS, RT, v.v. cũng như các hãng tin quốc tế. Kết quả, không có thông tin nào về việc Nga triệu tập đại sứ Trung Quốc như trên.

Qua kiểm chứng, không có sự kiện Nga triệu tập đại sứ Trung Quốc phản đối vụ bãi Tư Chính.

Không có chuyện Phó đô đốc Phillip Sawyer lên tiếng vụ bãi Tư Chính

Kênh youtube KTV1 cũng đưa thông tin “Bãi Tư Chính tối 21/7: Tư lệnh G. Sawyer tuyên bố Hạm đội 7 sẽ buộc TQ phải rút lui nhục nhã?”. Theo đó, bản tin này khẳng định Phó đô đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, nói rằng “Trung Quốc sẽ phải thất bại nhục nhã tại bãi Tư Chính và phải chịu lui binh về nước. Đồng thời ông cũng mong rằng sẽ cùng hạm đội 7 sẽ thăm Việt Nam vào một ngày tới đây…

Bản tin còn dùng các từ ngữ, giọng điệu nặng nề, kích động để mô tả thực địa mà không đưa ra bất kỳ hình ảnh, chứng cứ xác thực nào. Thậm chí, không có một nguồn tin nào được đề cập để xác tín thông tin. Tuy nhiên, bản tin thu hút hơn 186.000 lượt xem và hơn 200 bình luận.

Trong khi đó, qua kiểm tra cho thấy không có thông tin chính thức nào từ phía ông Phillip Sawyer hay Hạm đội 7 về vụ bãi Tư Chính. Truyền thông quốc tế cũng không đề cập bất kỳ thông tin nào như bản tin nêu.

Và cũng không có chuyện Phó đô đốc Phillip G. Sawyer lên tiếng vụ bãi Tư Chính như nhiều trang thông tin và mạng xã hội đã đưa.

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/vu-tau-trung-quoc-gan-bai-tu-chinh-can-trong-tin-gia-848289.html