Vụ tham ô tại Phòng Công thương Tam Bình, Vĩnh Long: Nhiều uẩn khúc cần làm rõ

Ngày 23.10 tới, TAND cấp cao tại TPHCM sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án 'tham ô tài sản' xảy ra tại phòng Công thương huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Thời điểm này, nhiều bị cáo vẫn một mực kêu oan và xuất hiện thêm nhiều uẩn khúc cần được làm rõ…

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 6.2017.

6 bị cáo bị buộc tội “tham ô tài sản”

Theo cáo trạng tại phiên sơ thẩm, có 6 bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản”, gồm: Nguyễn Giao Chi (SN 1959, nguyên Trưởng phòng Công thương huyện Tam Bình), Nguyễn Khắc Lâm Sơn (SN 1981, nguyên kế toán xây dựng cơ bản huyện Tam Bình), Nguyễn Thành Nhân (SN 1954, nguyên Giám đốc Cty CP Xây dựng Tam Bình), Nguyễn Thanh Tâm (SN 1977, nguyên nhân viên Cty Tam Bình), Huỳnh Quốc Trung (SN 1985, Giám đốc Cty TNHH Tư vấn và Xây dựng Tân Bình) và Phạm Thanh Sang (SN 1986, Giám đốc Cty TNHH Tư vấn xây dựng kiến trúc Phố Trẻ).

Trước đó, Phòng Công thương huyện Tam Bình được UBND huyện giao làm chủ đầu tư các dự án xây dựng giao thông nông thôn và trụ sở làm việc các xã trong huyện. Theo đó, chủ đầu tư thực hiện dự án chỉ định gói thầu và khởi công xây dựng trước khi ngân sách phân bổ nguồn vốn nhằm phục vụ yêu cầu phát triển địa phương.

Cáo trạng của VKS tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ năm 2009- 6.2014, bị cáo Nguyễn Giao Chi và Nguyễn Khắc Lâm Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cấu kết với các doanh nghiệp lập 138 “hợp đồng khống”. Trong đó, 85 hợp đồng với Công ty Cty Tam Bình, 36 hợp đồng Công ty TNHH Tân Bình và 17 hợp đồng Công ty Phố Trẻ, để chiếm đoạt tiền các gói thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và phân tích đánh giá hồ sơ. Tổng số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra trên 3,8 tỷ đồng. Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt 6 bị cáo trên tổng mức hình phạt là 42 năm tù.

Có hay không tội tham ô?

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, các nhân chứng là các chủ thầu công trình cho biết, trên thực tế Cty Tam Bình có trực tiếp quản lý và giám sát các công trình xây dựng nói trên. Nhiều nhà thầu còn có văn bản xác nhận nội dung này. Các cán bộ, công nhân viên phòng Công thương đã nhận tiền từ bị cáo Chi cũng đã đề nghị HĐXX xem xét trả lại số tiền họ đã nộp lại trong quá trình điều tra. Theo họ, đó là phần tiền họ xứng đáng được nhận theo Thông tư số 10 năm 2011 của Bộ tài chính. Vì thực tế họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp kiêm nhiệm thực hiện một phần nội dung của các gói thầu.

Riêng số tiền mà Cty Tam Bình nhận hơn 940 triệu đồng đã nộp ngân sách hơn 624 triệu đồng bao gồm tiền thuế và cổ tức (vì đây là công ty có cổ phần có 51% vốn nhà nước). Số tiền còn lại được chi vào các khoản lương, văn phòng phẩm, tiếp khách,... cá nhân bị cáo Nhân chỉ nhận trên 24 triệu đồng.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Nhân cho biết: Quá trình điều tra và truy tố đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đặc biệt là không cho tiến hành đối chất với các chủ thầu xây dựng, giữa bị cáo Nhân với các nhà thầu xây dựng (về 42 hợp đồng quy buộc là khống), trong khi lời khai các chủ thầu đã xác nhận và khai tại tòa là Cty bị cáo có trực tiếp quản lý và giám sát công trình xây dựng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng không đưa kho bạc nhà nước huyện vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong khi các nguồn tiền chi trả đều do kho bạc nhà nước quản lý. Hơn nữa, nguyên đơn dân sự là UBND huyện đại diện theo ủy quyền thì không biết gì về vụ việc theo xác nhận tại phiên tòa sơ thẩm, hồ sơ vụ án không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc truy tố bị cáo Nhân về tội “tham ô tài sản” là không có căn cứ, bởi Nhân không phải là người có chức vụ quyền hạn tại Phòng công thương, không trực tiếp quản lý tài sản bị coi là chiếm đoạt. VKS cho rằng bị cáo đồng phạm giúp sức cho bị cáo Chi và Sơn chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm là không chính xác. Cụ thể, kết quả điều tra xác định, bị cáo Nhân có hợp đồng với Phòng công thương trong việc phân chia tiền quản lý công trình theo quy định tại Thông tư số 10 Bộ tài chính phần tiền quản lý công trình này được pháp luật quy định cho phép được hưởng, việc ký phụ lục hợp đồng là đại diện pháp nhân với chủ đầu tư không phải giữa cá nhân với cá nhân.

Ngoài ra, bị cáo Nhân chuyển tiền là chuyển cho tập thể Phòng công thương, cơ quan Phòng công thương theo hợp đồng và giấy giới thiệu của Phòng công thương không phải chuyển tiền cho cá nhân bị cáo Chi và bị cáo Sơn nên không thể coi là đồng phạm giúp sức.

Bị cáo Nhân không có chiếm đoạt tài sản của nhà nước với bằng chứng là kết luận điều tra và cáo trạng VKS ghi nhận toàn bộ số tiền thu được từ 85 hợp đồng dịch vụ với Phòng công thương đều nộp về tài khoản Cty, và đã sử dụng đóng thuế GTGT, TNDN chia cổ tức cho các cổ đông trong đó có cả UBND huyện. Việc thu chi nêu trên đã đươc cơ quan thuế xác định là đúng pháp luật, có khấu trừ thuế, được cơ quan kiểm toán độc lập xác định là hợp pháp.

Riêng bị cáo Trung đã một mực kêu oan và khẳng định: “Quá trình điều tra, bị bắt tạm giam, tinh thần tôi bị khủng hoảng trầm trọng. Các điều tra viên cho rằng, việc lập hồ sơ sau khi thi công công trình là khống, họ đưa ra 8 hồ sơ thiếu con dấu và chữ ký của tôi, rồi nói rằng như vậy là không có cơ sở, buộc lòng tôi phải ký vào bản khai như vậy. Trên thực tế, tôi có thực hiện các phần việc theo 36 hợp đồng đã được ký kết giữa Phòng công thương và Cty Tân Bình do tôi làm Giám đốc, chứ tôi không hề ký các hợp đồng khống. Điều này được chứng minh qua việc tôi đã xác lập hồ sơ đầy đủ và báo cáo cho chủ đầu tư gửi các đơn vị thi công, trong đó có sự thừa nhận của ông Nguyễn Khắc Lâm Sơn cùng một số nhân chứng (là đại diện các đơn vị thi công) tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo các luật sư, chứng cứ để VKS buộc tội Trung là lời khai của bị cáo Sơn cho rằng hợp đồng ký với Phòng công thương là khống và Trung có ăn chia tiền với Sơn. Tuy nhiên, điều này là không có căn cứ, bởi Sơn chỉ là cán bộ kế toán ở Phòng công thương, không có thẩm quyền để đề nghị giải ngân tại kho bạc nhà nước. Do vậy, bị cáo Sơn nếu có chiếm đoạt 200 triệu đồng nhận từ Cty Tân Bình thì đó là hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đặc biệt, bị cáo Trung không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản, bởi vì không có chức vụ quyền hạn liên quan đến việc quản lý tài sản nhà nước. Lời khai của Sơn còn trước sau mâu thuẫn, lúc thì nói ăn chia tiền có biên nhận, lúc nói không, không biết số tiền nhận là bao nhiêu, thời gian nhận tiền cũng không xác định được… Mặt khác, lời khai của Sơn, Chi, Trung, các nhà thầu đều xác nhận; và hồ sơ vụ việc cũng cho thấy 30 hợp đồng ký giữa Cty Tân Bình với Phòng công thương đều có các hồ sơ kèm theo, không phải là hồ sơ khống như kết luận của VKS. Điều này thể hiện qua việc nếu các bên có liên quan không thành lập hồ sơ đánh giá và hồ sơ yêu cầu thì không thể có các hồ sơ để cơ quan điều tra thu hồi khi điều tra vụ án…

Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 23 đến 25.10.2017).

Trần Lưu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/vu-tham-o-tai-phong-cong-thuong-tam-binh-vinh-long-nhieu-uan-khuc-can-lam-ro-570896.ldo