Vụ thêm một di tích lịch sử ở Thanh Hóa bị xâm hại: Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu dừng ngay việc xâm hại di tích lịch sử nhà thờ họ Nguyễn Phủ, đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm

Ngày 20-4, tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa cho biết giám đốc sở này đã ký văn bản gửi Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc đề nghị khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND xã Minh Tân và đại diện dòng họ Nguyễn Phủ dừng ngay các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử dòng họ Nguyễn Phủ (thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân) mà Báo Người Lao Động đã phản ánh.

Di tích lịch sử dòng họ Nguyễn Phủ (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được trùng tu, tôn tạo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép

Di tích lịch sử dòng họ Nguyễn Phủ (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được trùng tu, tôn tạo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép

Văn bản đề nghị huyện Vĩnh Lộc có phương án bảo vệ, bảo quản các cấu kiện của di tích đã bị tháo dỡ; đảm bảo an toàn cho người và đồ thờ, hiện vật tại di tích.

Kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tự ý xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả xử lý và đề xuất, kiến nghị đối với những nội dung vượt thẩm quyền trước ngày 21-4.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến việc bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích theo quy định; có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh, nhà thờ họ Nguyễn Phủ (thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc), là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2016 đã được dòng họ này tự ý tháo dỡ để tu bổ, tôn tạo lại công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép.

Nhiều hạng mục bên trong di tích đã được thay thế, làm mới

UBND xã Minh Tân đã vào cuộc kiểm tra, xác định công trình đã hạ giải toàn bộ mái ngói nhà tiền đường, cho thay thế một số hạng mục mới bên trong công trình, đang tiến hành lợp ngói… UBND xã này đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng, buộc trả lại nguyên trạng cho di tích.

Đáng nói, đây là di tích thứ 2 tại huyện Vĩnh Lộc bị xâm hại chỉ trong vòng 1 tháng. Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, tại di tích, danh thắng quốc gia động Hồ Công diễn ra tình trạng nhiều người tự ý đưa vật liệu vào động xây dựng, tu sửa và đưa nhiều bức tượng không rõ từ đâu vào trong động thờ cúng trái phép.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngày 30-3, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Thế nhưng, khi việc xâm hại di tích danh thắng quốc gia động Hồ Công chưa lắng xuống, văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chưa "ráo mực", lại thêm một di tích lịch sử có tuổi đời khoảng 500 năm tiếp tục bị xâm hại.

Động Hồ Công, danh thắng quốc gia tại xã Ninh Khang (huyện Vĩnh Lộc) bị xâm hại trước đó đang được cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ các hạng mục xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng

Có một thực tế là, trong 2 năm qua rất nhiều di tích tại tỉnh Thanh Hóa bị xâm hại, từ di tích lịch sử tới danh lam thắng cảnh, di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia đều có cả. Việc phân cấp quản lý, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quy định rất rõ tại Quyết định số 4730 ngày 8-4-2022.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm của những người "gác gôn" cho tỉnh về lĩnh vực này chưa được nghiêm minh, nhiều nơi có xử lý nhưng chỉ mang tính chất "đối phó" và đa phần chỉ dừng lại ở mức rút kinh nghiệm, phạt tiền. Trong khi, di tích, danh lam thắng cảnh tại Thanh Hóa rất nhiều, nếu không thực sự quyết liệt, nghiêm minh thì việc xâm hại di tích tương tự như tại động Hồ Công, nhà thờ họ Nguyễn Phủ hay tại chùa Quan Thánh có lẽ chưa có hồi kết.

Tin-ảnh: Tuấn Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/vu-them-mot-di-tich-lich-su-o-thanh-hoa-bi-xam-hai-lam-ro-trach-nhiem-xu-ly-nghiem-20230419214640055.htm