Vụ Thuduc House: 3 cựu cán bộ thuế nhận hối lộ để tiếp tay buôn lậu như thế nào?

Các cựu cán bộ thuế ở TP HCM đã nhận tiền từ Lưu Thị Ngát để các công ty 'ma' hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) Nguyễn Vũ Bảo Hoàng và 33 bị can trong vụ án: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; buôn lậu và Nhận hối lộ.

Trong đó, các bị can chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT; vận chuyển trái phép hơn 51 triệu USD ra nước ngoài, hơn 22 triệu USD từ nước ngoài về Việt Nam; buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỷ đồng; nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỷ đồng...

Liên quan đến vụ án, Trịnh Tiến Dũng (49 tuổi) được xác định vai trò cầm đầu, song đã bỏ trốn và đang bị truy nã quốc tế. Cơ quan điều tra đã tách hành vi của Dũng thành vụ án khác, khi nào bắt được sẽ xử lý.

Đáng chú ý, trong vụ án này, có 3 bị can nguyên là cựu cán bộ thuế tại TP HCM bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ gồm: Đào Thị Nga (47 tuổi, cựu cán bộ Chi cục thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (42 tuổi, cựu cán bộ Chi cục thuế quận 3) và Ngô Huỳnh Lũy (55 tuổi, cựu cán bộ Chi cục thuế quận 5).

Theo kết luận, từ năm 2016 - 2020, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo Trần Hoàn Tiên (32 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mega E&T Việt Nam) cùng đồng phạm thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để thực hiện một loạt hành vi phạm tội.

Lưu Thị Ngát (39 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Khánh Hưng) trao đổi và thống nhất với Trịnh Tiến Dũng, Trần Hoàn Tiên về việc lập, sử dụng 17 công ty "ma" để xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống cho 6 công ty trung gian của Dũng.

Theo đó, các công ty trung gian này lập hồ sơ trực tiếp hoặc gián tiếp xuất hóa đơn giá trị gia tăng, hợp thức hóa đầu vào cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Phí bán hóa đơn là 0,8%/tổng doanh số của 17 công ty "ma".

Sau khi xuất hóa đơn khống, Ngát lập hồ sơ kê khai khống hàng hóa đầu vào để 17 công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế giá trị gia tăng.

Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 4/2020, nhóm Trịnh Tiến Dũng, Trần Hoàn Tiên và Trần Nhất Thanh đã thanh toán cho Ngát 0,8% tổng doanh số của 17 công ty "ma", tương ứng số tiền 28 tỷ đồng.

Khi đó, Ngát chi tiền cho cán bộ quản lý thuế thuộc các chi cục thuế quận 1, quận 3, quận 5 khoảng 11 tỷ đồng để các công ty "ma" được hoạt động bình thường.

Các bị can từ trái sang phải: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng; Nguyễn Ngọc Trường Chinh; Nguyễn Thị Bích Ngọc; Quan Minh Tuấn; Nguyễn Văn Lành. Ảnh CA.

Các bị can từ trái sang phải: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng; Nguyễn Ngọc Trường Chinh; Nguyễn Thị Bích Ngọc; Quan Minh Tuấn; Nguyễn Văn Lành. Ảnh CA.

Tại cơ quan điều tra, Đào Thị Nga khai khoảng đầu năm 2018, Ngát tìm gặp Nga, giới thiệu là kế toán dịch vụ, đặt vấn đề xin chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Thái Sơn Nguyễn và Công ty Hiếu Bảo về phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM.

Mục đích nhờ Nga giúp đỡ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty. Cán bộ thuế này không tự kiểm tra, không đề xuất cấp trên kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh của 2 công ty này.

Khi phát hiện việc kê khai thuế của các công ty này có dấu hiệu gian lận thuế, có nguy cơ bị đưa vào diện thanh tra, kiểm tra hoặc trong trường hợp chuẩn bị thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo kế hoạch cấp trên, Nga thông báo cho Ngát biết để bị can này làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty đi nơi khác. Ngát thỏa thuận chi cho Nga số tiền 2,5 tỷ đồng (tương ứng với 0,1% tổng doanh số bán ra của 2 công ty). Thực tế, Nga đã nhận từ Ngát tổng số 776 triệu đồng.

Trong khi đó, Nguyễn Phương Nam khai quen biết Ngát từ năm 2018, khi Ngát đăng ký thành lập công ty tại quận 3. Ngát đề nghị Nam giúp đỡ cho 6 công ty khác của Ngát gồm: Công ty Thanh Hương, Công ty Redsun, Công ty Quốc Trung, Công ty Thái Sơn Nguyễn, Công ty Nguyên Minh Sài Gòn và Công ty Vạn Tùng Nguyên được hoạt động bình thường trên địa bàn Nam quản lý thuế.

Ngát chi cho Nam 6,1 tỷ đồng (khoảng 0,3% tổng doanh số xuất hóa đơn giá trị gia tăng). Nam khai đã nhận từ Ngát số tiền khoảng 6 tỷ đồng.

Ngoài bị can Nga và Nam, Ngát còn hứa chi 0,2% tổng doanh số xuất hóa đơn giá trị gia tăng của 7 công ty khác (khoảng 2 tỷ đồng) cho bị can Ngô Huỳnh Lũy. Đến nay, Lũy đã nhận được 497 triệu đồng.

Phương Uyên

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/vu-thuduc-house-3-cuu-can-bo-thue-nhan-hoi-lo-de-tiep-tay-buon-lau-nhu-the-nao-147596.html