Vụ thuốc giả ở VN Pharma: Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang có vai trò gì?

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang có vai trò gì trong vụ thuốc giả ở VN Pharma?

Sáng 14.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)”.

Theo đó, HĐXX dành phần lớn thời gian cho các luật sư tham gia xét hỏi, làm rõ vị trí, vai trò của từng bị cáo trong vụ án.

Theo luật sư, quy định về quy trình thẩm định đến xét duyệt hồ sơ đăng ký thuốc được chia làm 4 giai đoạn, gồm tiếp nhận và tổng hợp, thẩm định hồ sơ, xét duyệt hồ sơ trình Bộ trưởng, thực hiện quyết định của lãnh đạo Bộ để ban hành. Ở giai đoạn 1, bộ phận văn phòng và đăng ký thuốc là đơn vị tiếp nhận. Giai đoạn 2, Hội đồng thẩm định bao gồm 5 nhóm. Bị cáo Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) đồng ý với nội dung này.

Trả lời câu hỏi của luật sư, cựu Thứ trưởng nói rõ ở giai đoạn này, bản thân ông không phải là thành viên của Hội đồng thẩm định đăng ký thuốc, không tham gia và cũng không quản lý hoạt động thẩm định đăng ký thuốc.

Giai đoạn 3, cựu Thứ trưởng khai nhận: "Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc là người xét duyệt, trách nhiệm quyết định cuối cùng không phải của tôi”.

Giai đoạn 4, trước khi thực hiện kết luận thì phải rà soát. Theo Quy chế 1753, Cục phó Cục Quản lý Dược kiểm tra, rà soát và trình Cục trưởng ký ban hành; lúc đó chỉ có danh mục, không còn hồ sơ nữa.

Bị cáo Trương Quốc Cường tại tòa - Ảnh: N.A

Trước cáo buộc của VKS về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Trương Quốc Cường một lần nữa nhận trách nhiệm là người đứng đầu Cục Quản lý Dược thời điểm đó. Tuy nhiên, bị cáo Cường cũng cho rằng những sai sót trong thực tiễn là có nhưng chưa có điều kiện phát hiện ra, bởi lúc đó không có hồ sơ. “Tôi thấy mọi việc xảy ra đều có trách nhiệm từ tôi nhưng là do tôi không được báo cáo”, bị cáo Cường nói.

Trả lời câu hỏi cuối cùng của luật sư, theo cựu Thứ trưởng, đối với Hội đồng xét duyệt thuốc, Thứ trưởng - Chủ tịch Hội đồng là người quyết định cuối cùng. “Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng không đồng ý, tôi không được phép ban hành các loại thuốc này”, bị cáo Cường nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế thời điểm đó là ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo cáo trạng, ngày 25.6.2009, thừa ủy quyền của ông Cao Minh Quang - Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc Bộ Y tế, Trương Quốc Cường đã điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt thuốc nước ngoài đợt 65 (bổ sung).

Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế được thành lập gồm 13/14 thành viên, trong đó có Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng); Nguyễn Việt Hùng (Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó chủ tịch Hội đồng); Phạm Hồng Châu (Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Thư ký Hội đồng) đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho 656 thuốc, trong đó có 5 thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử - Ảnh: N.A

Sau khi báo cáo kết quả phiên họp và được sự đồng ý của Thứ trưởng Cao Minh Quang, Cục trưởng Trương Quốc Cường ký Quyết định công bố Danh mục cấp số đăng ký có hiệu lực 5 năm cho 572 thuốc. Trong đó có 5 thuốc: Extrafovir (số VN-8494-09); Kaderox-250 (số VN-8495-09); Kafotax-1000 (số VN-8496-09); MGP Axinex-1000 (số VN-8497-09) và MGP Moxinase-625 (số VN-8498-09).

Ngày 25.11.2010, ông Cao Minh Quang đã chủ trì, điều hành phiên họp Hội đồng xét duyệt đợt 70 bổ sung, các thành viên Hội đồng đã đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký cho 228 thuốc; trong đó có 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.

Cục Quản lý Dược có Phiếu trình, báo cáo Thứ trưởng Cao Minh Quang xin ý kiến về việc cấp số đăng ký cho 1.007 loại thuốc (đợt 70 có 779 thuốc; đợt 70 bổ sung có 228 thuốc), cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang phê duyệt đồng ý.

Ngày 23.12.2010, Cục Quản lý Dược ban hành Quyết định do Cục trưởng Trương Quốc Cường ký công bố 214 thuốc nước ngoài được phép lưu hành tại Việt Nam đợt 70 bổ sung (có giá trị 5 năm kể từ ngày ký), trong đó thuốc H2K Ciprofloxacin được cấp số đăng ký VN-11531-10; thuốc H2K Levofloxacin được cấp số đăng ký VN-11532-10 (Cục Quản lý Dược rà soát, đề nghị không cấp số đăng ký cho 14 thuốc).

Trong vụ án này, Cơ quan công tố nhận định ông Cao Minh Quang (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc) đã có có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Do thời hạn điều tra đã hết nên theo VKS, trách nhiệm của ông Cao Minh Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vu-thuoc-gia-o-vn-pharma-cuu-thu-truong-cao-minh-quang-co-vai-tro-gi-181756.html