Vụ tranh chấp đất đai ở Hoài Đức (Hà Nội): Có căn cứ đình chỉ vụ án?

'Thửa đất nguyên là đất ao được cha mẹ cho gia đình tôi từ những năm 1980, cả gia đình tôi đã đổ mồ hôi sôi nước mắt mới tôn tạo, xây dựng được cơ ngơi khang trang như hiện nay. Sau gần 35 năm quản lý, sử dụng ổn định, không ai tranh chấp, bất ngờ gia đình tôi bị người em trai út khởi kiện đòi đất vì cho rằng đây là đất phần trăm cấp cho gia đình cha tôi, có phần của ông ấy'- ông Nguyễn Như Học (SN 1944, ngụ xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) bức xúc trình bày.

Nhà anh Thủy

Nhà anh Thủy

Đất ở ổn định 35 năm, bị kiện đòi

Nguyên đơn vụ án - ông Nguyễn Như Giai (SN 1970, trú tại Đội 1, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) trình bày: Nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp được giao cho hộ gia đình bố mẹ ông là cụ Nguyễn Như Dũng và cụ Nguyễn Thị Túc làm kinh tế phụ gia đình. Các thành viên được giao đất gồm: cụ Dũng và cụ Túc, ông Giai, ông Rơi, bà Xuân và ông Bái (ông Bái là liệt sĩ, hiện ông Giai đang thờ cúng). Sinh thời cụ Dũng và cụ Túc có 8 người con gồm: ông Học, ông Lễ, ông Bái (là liệt sĩ), bà Hường, bà Hồng, bà Hà, ông Rơi, ông Giai. Năm 2000 cụ Túc mất, năm 2003 cụ Dũng mất, không để lại di chúc bằng văn bản nhưng các cụ có di chúc miệng để lại thừa đất ao (đang tranh chấp) cho 3 người con gái.

Theo ông Giai trình bày, thửa đất tranh chấp trước kia do cha mẹ ông quản lý. Vào năm 1987, ông Rơi ra ở trên phần thửa đất đang tranh chấp. Đến năm 1990 ông Rơi chuyển về phần diện tích đang ở hiện nay. Sau khi các cụ mất thì đất này do ông Học quản lý. Năm 2005 gia đình anh Nguyễn Như Thủy (SN 1968, con trai ông Học) xây dựng nhà, lấy ao như hiện nay. Khi gia đình anh Thủy xây dựng thì ông Giai không có ý kiến gì vì thời điểm đó ông chưa tìm được giấy tờ để đòi đất. Đến năm 2014 ông Giai mới khởi kiện đòi đất đối với ông Học, anh Thủy vì cho rằng đó là đất gia đình ông được cấp theo tiêu chuẩn làm kinh tế phụ gia đình (đất 10%) vào năm 1987.

Bị đơn ông Nguyễn Như Học (SN 1944, trú tại Đội 1, xã Cát Quế) trình bày: Thửa đất đang tranh chấp số 240 và một phần số 243 thuộc tờ bản đồ số 321 A-IV tại khu vực 1 xã Cát Quế hiện được gia đình ông quản lý, sử dụng ổn định và không có tranh chấp từ những năm 1980. Trước kia đây là thửa đất ao của bố mẹ ông là cụ Dũng và cụ Túc để lại. Năm 1980, cụ Dũng và cụ Túc cho vợ chồng ông ra ở riêng trên diện tích thửa 240 và một nửa thửa đất 243; diện tích nửa ao 243 do ông Nguyễn Như Lễ sử dụng. Khi các cụ cho không có văn bản giấy tờ gì nhưng tất cả các anh em đều biết và không ai có ý kiến gì. Năm 1990, ông Học cho vợ chồng anh Thủy ra ở riêng từ đó cho đến nay. Gia đình anh Thủy đã xây nhà và phát triển các công trình trên đất, các em ông đều biết nhưng không ai có ý kiến gì.

Trước yêu cầu kiện đòi đất của ông Giai, ông Học và anh Thủy không đồng ý. Theo ông Học, vào năm 1987, gia đình ông, gia đình cụ Dũng và gia đình ông Lễ cùng được giao đất phần trăm với 3 thửa riêng biệt nhau theo Sổ mục kê của xã Cát Quế lập ngày 18/7/1986; theo đó thửa đất phần trăm của gia đình cụ Dũng (trong đó có phần của ông Giai) ở một vị trí khác, không phải thửa đất gia đình ông Học đang quản lý. Cụ thể: hộ cụ Dũng khi đó có 7 nhân khẩu được giao 618m2; hộ ông Lễ có 7 nhân khẩu được giao 457m2; hộ ông Học với 10 nhân khẩu được giao 487m2; ngoài số đất trên mỗi hộ còn được giao 197m2 đất ao. Theo ông Học, đất phần trăm kể trên mà hộ cụ Dũng được giao đã được cấp sổ đỏ cho cụ với diện tích 606m2, hiện ông Giai và ông Rơi đang quản lý đất này. Theo ông Học, việc ông Giai kiện đòi đất với gia đình ông là không có căn cứ.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là các con của cụ Dũng và cụ Túc gồm: ông Rơi, bà Hà, bà Hường, bà Hồng đều khai nguồn gốc thửa đất 240 và 243 đang tranh chấp là của hai cụ, sau đó được xã cấp đất phần trăm vào cho các thành viên: cụ Dũng, cụ Túc, ông Rơi, bà Xuân (vợ ông Rơi), ông Bái (liệt sĩ) và ông Giai. Những người liên quan đề nghị giải quyết vụ án theo pháp luật. Riêng vợ chồng ông Rơi nêu quan điểm là phần đất % của vợ chồng ông, của cha mẹ ông, của ông Bái tạm thời để ông Giai là người chịu trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ Bái quản lý chung.

Đề nghị đình chỉ vụ án

Tại bản án sơ thẩm ngày 30/9/2015, TAND huyện Hoài Đức chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Như Giai, tuyên buộc ông Nguyễn Như Học và anh Nguyễn Như Thủy phải trả cho ông Giai thửa đất 240 và một phần thửa đất 243, tạm giao ông Giai quản lý thửa đất cùng toàn bộ tài sản trên đất; buộc ông Giai phải có trách nhiệm thanh toán cho bị đơn giá trị tài sản trên đất. Sau đó, ông Học và anh Thủy kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án, đình chỉ xét xử.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/7/2017, người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Như Học là ông Nguyễn Phan Hào (VP Công chứng Tây Đô, Hà Nội) thì cho biết: Ông Giai là nguyên đơn khởi kiện nhưng lại không có bất cứ chứng cứ, tài liệu nào chứng minh có quyền đối với thửa đất mà gia đình ông Học đang quản lý sử dụng; không biết đất ông kiện đòi ở chỗ nào và bao nhiêu mét vuông? Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tòa án ra quyết định không thụ lý giải quyết vụ án, hoặc xét thấy không đủ căn cứ pháp lý thì trả đơn khởi kiện, đình chỉ xét xử vụ án. Điều kỳ lạ là TAND huyện Hoài Đức đã làm thay nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự của nguyên đơn, và dù chứng cứ chứng minh rất yếu nhưng bản án sơ thẩm ngày 30/9/2015, TAND huyện Hoài Đức vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Hào đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm, đình chỉ xét xử vụ án. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm nhận định rằng bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng không thể khắc phục nên tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại.

Hiện các bị đơn đã khiếu nại bản án phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm. Trong đơn khiếu nại giám đốc thẩm đề ngày 10/8/2017, bị đơn Nguyễn Như Học khẳng định, các tài liệu hồ sơ chứng minh thửa đất 240 và thửa 243 không liên quan đến quyền lợi của cụ Dũng, cụ Túc nên việc ông Giai kiện đòi là không có căn cứ. Vì căn cứ theo Sổ mục kê của xã Cát Quế lập ngày 18/7/1986, hộ gia đình cụ Dũng (trong đó có ông Giai) được giao đất phần trăm ở vị trí khác. Theo ông Học, đất phần trăm kể trên mà hộ cụ Dũng được giao đã được cấp sổ đỏ cho cụ với diện tích 606m2, hiện ông Giai và ông Rơi đang quản lý đất này. Các bị đơn cho rằng bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên hủy án, trả hồ sơ về giải quyết lại theo thủ tục chung là không đúng, lẽ ra phải tuyên đình chỉ xét xử vụ án lại.

Các bị đơn cũng cho rằng theo quy định Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, gia đình các bị đơn đã ăn ở, sinh sống ổn định trước ngày 15/10/1993 và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước, không có tranh chấp, việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch thì gia đình các bị đơn phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ những phân tích trên, các bị đơn khẳng định việc Tòa phúc thẩm xử hủy án là chưa đủ cơ sở, không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ vụ án, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của họ. Các bị đơn đề nghị VKSND Cấp cao tại Hà Nội sẽ có kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Tòa án Cấp cao sẽ xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, xử hủy Bản án dân sự số 121/2017/DSPT ngày 31/7/2017 của TAND TP Hà Nội để xử phúc thẩm lại theo hướng tuyên đình chỉ xét xử vụ án vì việc thụ lý, giải quyết yêu cầu đòi đất của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật.

Trần Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//nhip-cau/vu-tranh-chap-dat-dai-o-hoai-duc-ha-noi-co-can-cu-dinh-chi-vu-an-354732.html