Vụ tranh chấp hợp đồng thuê tòa nhà Master Building: Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo làm rõ

*Văn phòng Trung ương Đảng đề nghị Chánh án TAND TPHCM xử lý

Sau khi Báo CATP đăng bài Bản án giám đốc thẩm “siêu tốc” trên số ra ngày 12-10-2013, Viện KSND tối cao yêu cầu Vụ 5 kiểm tra sự việc, báo cáo lãnh đạo viện. Về phía Công ty Kim Long không chỉ khiếu nại quyết liệt mà còn có đơn tố cáo Phó chánh án TAND TPHCM Trần Văn Sự ký kháng nghị và ra bản án giám đốc thẩm trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho bị đơn là Công ty UNILAND sử dụng “miễn phí” tòa nhà 14 tầng suốt bốn năm, thu lợi hàng trăm tỷ đồng và chưa biết kéo dài đến bao giờ.

SỬ DỤNG HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU LÀM CĂN CỨ HỦY ÁN?

Một trong những điểm mấu chốt mà Phó chánh án Sự lấy làm căn cứ để ký kháng nghị và bản án giám đốc thẩm là tòa án cấp sơ thẩm không đưa ba doanh nghiệp (DN) vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Phó chánh án dựa vào ba hợp đồng (HĐ) thuê văn phòng tại tòa nhà Master Building, gồm HĐ 01A-2010/HĐ-MHH ngày 10-9-2010 giữa Công ty TNHH dịch vụ thương mại Mai Hương Hương với Công ty CP đầu tư tư vấn thương mại Tiến Thắng; HĐ 06-2011/HĐ-MHH ngày 15-7-2011 giữa Công ty Mai Hương Hương với Công ty TNHH Tìm kiếm tài năng Việt và HĐ 010811/PSO-VPT ngày 1-8-2011 giữa Công ty CP tư vấn dịch vụ văn phòng chuyên nghiệp (PSO) với Công ty Việt Phát Tiến.

Đại diện nguyên đơn, ông Vũ Trung Hiếu phản bác: Thứ nhất, UNILAND ký HĐ cho hai công ty Mai Hương Hương và PSO thuê tòa nhà làm văn phòng là đúng theo HĐ số 05/HĐ đã ký với Công ty Kim Long ngày 5-12-2007. Việc UNILAND thỏa thuận để Mai Hương Hương và PSO được cho thuê lại là trái với HĐ này. Do đó, các HĐ mà hai công ty ký cho thuê lại vô hiệu. Thứ hai, ngày 23-6-2011 Tòa án nhân dân (TAND) Q3 lập biên bản thẩm định tại chỗ xác định cả ba công ty Tiến Thắng, Tìm kiếm tài năng Việt và Việt Phát Tiến không có văn phòng tại tòa nhà. Cả ba công ty trên đều không có ý kiến hay khiếu nại ở cấp sơ thẩm.

Ông Hiếu phản ứng gay gắt: “Rõ ràng chính bị đơn UNILAND cùng hai công ty Mai Hương Hương và PSO đã vi phạm trong việc cho thuê tòa nhà nhưng Phó chánh án Sự lại lấy cái sai này làm căn cứ hủy án để Kim Long gánh chịu tất cả”.

KHÔNG KHÁNG CÁO VÀ KHIẾU NẠI CŨNG BỊ “VẠ LÂY”

Phó chánh án Sự cho rằng tòa án cấp sơ thẩm buộc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trả lại mặt bằng nhưng không quyết định chấm dứt trước thời hạn và không xem xét giải quyết hậu quả nên hủy án.
Đại diện nguyên đơn trình bày: tại tòa sơ thẩm, Kim Long đã tự nguyện cho các DN đang thuê tòa nhà được tiếp tục thuê sau khi UNILAND trả lại mặt bằng với điều kiện rất thoáng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, không kháng cáo hay khiếu nại đối với án sơ thẩm. Liên quan đến HĐ ký với bị đơn UNILAND, họ chấp nhận theo hướng của án sơ thẩm đã giải quyết. Quan hệ HĐ của các DN thuê mặt bằng với UNILAND đều có tình tiết riêng biệt nên không thể gộp chung thành một vụ kiện. Phó chánh án Sự đưa ra lý do chỉ để bảo vệ cho bị đơn, còn nguyên đơn thì “sống chết mặc bay”! Một lý do nữa mà Phó chánh án Sự lấy làm căn cứ hủy án là “thời hạn niêm yết giấy triệu tập bị đơn thiếu 1 ngày” (!).

Ông Hiếu lắc đầu, Kim Long ký HĐ cho UNILAND thuê tòa nhà sau đó phát sinh tranh chấp. TAND Q3 thụ lý ngày 8-12-2009, sau 13 lần hoãn đến phiên thứ 14 ngày 17-1-2012 mới xử được. Nguyên nhân kéo dài là do một số DN có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ủy quyền cho nhân viên của UNILAND tham gia tố tụng và những người này luân phiên xin hoãn phiên tòa nhằm mục đích kéo dài vụ kiện. Đến phiên thứ 13, Tổng giám đốc UNILAND Huỳnh Hữu Thanh Phương không ký nhận giấy triệu tập với lý do đã ủy quyền cho 5 người đại diện ở năm tỉnh thành khác nhau(!). Tòa sơ thẩm tiến hành thủ tục tống đạt, niêm yết đúng quy định pháp luật. Chính bị đơn đã gây trở ngại, cố tình kéo dài vụ án thêm hàng trăm ngày để hưởng lợi. Trong khi đó, Phó chánh án Sự lại bắt bẻ tòa sơ thẩm “thiếu một ngày” để hủy án theo yêu cầu của bị đơn(!).

Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được cho thấy khiếu nại, tố cáo của Công ty Kim Long có căn cứ. Ngày 19-3-2013, Văn phòng Trung ương Đảng đã chuyển đơn của Giám đốc Công ty Kim Long đến Chánh án TAND TPHCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Ông Hiếu khẳng định: “Đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, Kim Long chưa được mời giải quyết cũng như không nhận được văn bản trả lời nào từ TAND TPHCM. Sự “im lặng” này càng cho thấy kháng nghị và bản án giám đốc thẩm có vấn đề”.

Để tránh cho Kim Long khỏi bị thiệt hại hơn do vụ án kéo dài, ngày 30-9-2013 TAND Q3 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 14/QĐ-BPKCTT, buộc UNILAND nộp tiền thuê tòa nhà Master Building mỗi quý 421.852 USD, quy ra VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán vào ngày 10-15 trong tháng đầu của mỗi quý. Chi cục Thi hành án (THA) Q3 có trách nhiệm thu và tạm giữ số tiền trên. Bị đơn khiếu nại, ngày 7-10-2013 Chánh án TAND Q3 ký quyết định bác đơn.

Ngày 18-10-2013, Chi cục trưởng Chi cục THA Q3 ký quyết định “THA chủ động”, buộc UNILAND có nghĩa vụ nộp tiền thuê nhà mỗi quý 421.852 USD (quy ra VNĐ), bắt đầu nộp từ ngày 10 đến 15-10-2013. Cùng ngày, Chi cục THA Q3 ra quyết định “cưỡng chế THA” đối với UNILAND.

Theo dõi vụ án, hai luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM và Trần Hải Đức - Đoàn Luật sư TPHCM - cùng chung quan điểm: có dấu hiệu ra bản án trái pháp luật; phía bị đơn có dấu hiệu của hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản. Báo CATP sẽ chuyển đơn tố cáo của Công ty Kim Long kèm các tài liệu chứng cứ liên quan đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao và Cơ quan CSĐT Công an TPHCM để làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=506048&mod=detnews&p=