Vụ tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất ở Cầu Giấy, Hà Nội: Vì sao nguyên đơn kháng cáo?

Ông Nguyễn Phó Thiêm, nguyên đơn trong vụ án Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất đã có đơn kháng cáo vì cho rằng Tòa án không triệu tập chủ đất cũ đến phiên xét xử với vai trò là nhân chứng.

Nảy sinh tranh chấp từ việc phát hiện móng cổ

Nguyên đơn trong vụ án Tranh chấp ranh giới quyền sử dụng đất là ông Nguyễn Phó Thiêm (SN 1953), bị đơn là bà Đỗ Thị Tám (SN 1951) cùng trú tại tổ 4, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo đó, ông Thiêm khởi kiện bà Tám ra Tòa án yêu cầu xác định lại ranh giới giữa nhà ông và nhà bà Tám, yêu cầu nhà bà Tám phải trả lại gia đình ông 14m2 đất mà bà Tám đang sử dụng. Đồng thời yêu cầu bà Tám phải giải quyết bỏ đống đất đá và cây xanh trồng sát nhà ông.

Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp, ông Thiêm cho biết, cụ Đội Lai là chú ruột của bố ông là ông Nguyễn Trọng Hồng có cho ông Hồng mảnh đất khoảng 334m2, theo số đo năm 1994 là 312m2.

Đến năm 1986, ông Thiêm kết hôn với bà Nguyễn Thị Bích Hà, (con gái ông Nguyễn Trọng Hồng và vợ là Nguyễn Thị Tính) được bố mẹ vợ cho một mảnh đất liền kề của ngôi nhà đang ở (xây thời kỳ 1960).

Khi đào móng để xây nhà vào tháng 4/1987, ông Thiêm phát hiện thấy móng cổ chạy theo phần ranh giới, cụ thể: Một cạnh chạy song song với lối ngõ hiện nay của xóm có chiều dài khoảng 3-4m, móng xây kiên cố rất vững chắc, rộng 20-25cm, sâu khoảng 1m; Cạnh thứ hai vuông góc với cạnh ngoài ngõ tại mốc cột điện.

Lúc này ông Thiêm mới biết gia đình bà Đỗ Thị Tám (hàng xóm) xây lấn trên đất nhà ông một chiều là 0,4x0,62m dọc theo chiều dài của ngôi nhà. Ngoài ra, nhà bếp, bể nước nhà bà Tám đã lấn chồng lên một phần chạy dài phần giáp ranh với nhà ông nên xảy ra tranh chấp.

Sau đó, gia đình bà Tám đã gọi ông Nguyễn Tiến Vượng là người chủ đã bán mảnh đất có diện tích 240m2 cho vợ chồng bà Tám để giải quyết. Qua xem xét, ông Vượng đã thừa nhận móng cổ ấy đang bao quanh 2 cạnh thửa đất của ông Hồng, nên móng cổ đó là móng của ngôi nhà 5 gian mà cụ Đội Lai xây trước những năm 1930 và bị giặc Pháp đốt nhà vào khoảng 1949.

Theo ông Thiêm, thời điểm năm 1987 do còn đang ở quân đội, xa nhà nên không có thời gian để giải quyết vụ việc lấn chiếm này nên đã xây tạm 20m2 có 2 cạnh chồng 2 cạnh giáp gianh với ngõ và bà Tám. Ngoài ra còn đổ một chiếc dầm bê tông có kích thước 25x25 dài 3,5m chìa ra sang hướng đất bà Tám khoảng 80-90cm làm chiếu nghỉ cầu thang.

Bản án của TAND quận Cầu Giấy

Tới tháng 6/2001, ông Thiêm xây chồng lên tầng 2, phần nhà đất tiếp giáp với bà Tám. Sau đó, vợ chồng bà Tám kiện ông về hành vi lấn chiếm đất nhưng không có cơ sở.

Đến tháng 7/2017, theo yêu cầu của con bà Tám xin ký vào xác nhận của hộ liền kề đã kê khai làm sổ đỏ. Ông Thiêm đã viết đơn lên các cấp yêu cầu giải quyết tranh chấp để hai bên gia đình ổn định cuộc sống và khởi kiện vụ việc ra TAND quận Cầu Giấy.

Còn bà Đỗ Thị Tám cho rằng diện tích đất gia đình bà hiện đang quản lý sử dụng tại do mua lại của ông Nguyễn Tiến Vượng (SN 1973). Giấy tờ mua bán ghi 240m2, thuộc thửa đất số 255, tờ bản đồ số 2. Bà Tám và gia đình sử dụng và quản lý diện tích này từ khi chuyển nhượng cho đến nay.

Khi mua bán, giữa diện tích đất nhà bà Tám và ông Hồng (sau này là nhà ông Thiêm và bà Hà) đã có tường ranh giới giữa hai nhà do ông Hồng xây trước đó. Đến năm 1987, bà Tám có xây bếp cách 10cm so với bức tượng ranh giới với nhà ông Hồng. Đến năm 1987, ông Thiêm phá bức tường ranh rới giữa hai nhà rồi xây nhà và tường nhà ông Thiêm đè lên móng tường nhà ông Hồng cũ. Do đó, bà Tám không chấp nhận việc ông Thiêm.

Nguyên đơn kháng cáo

Quá trình giải quyết vụ việc, TAND quận Cầu Giấy xác định, theo các GCN QSDĐ đã được cấp năm 2015 thì diện tích đất nhà ông Thiêm được cấp GCN QSDĐ là 85m2; Diện tích nhà ông Hồng, bà Tĩnh là 227m2. Cộng hai diện tích này đúng bằng 312m2 khớp với số diện tích tại tờ bản đồ năm 1994.

Quá trình sử dụng sau này, ông Hồng và bà Tính đã cho con trai là Nguyễn Quyết Chiến, diện tích 150,6m2 và cho con gái là Nguyễn Thị Kim Lương diện tích 76,4m2. Anh Chiến và chị Lương đều đã được cấp GCN QSDĐ vào năm 2009.

TAND quận Cầu Giấy đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, đồng thời Công ty TNHH Đo đạc Địa chính số 1 Hà Nội tiến hành đo đạc thực tế xác định, diện tích đất nhà ông Nguyễn Phó Thiêm hiện đang sử dụng là 88,3m2; Diện tích đất nhà ông Nguyễn Quyết Chiến là 157,7m2; Diện tích đất nhà bà Nguyễn Thị Kim Lương là 71,1m2; Diện tích đất nhà bà Đỗ Thị Tám đang sử dụng là 293,1m2. Xét thấy, diện tích đất thực tế sử dụng của nhà ông Thiêm, ông Chiến và bà Lương là khác so với diện tích theo các GCN QSDĐ đã được cấp.

Mặt khác, theo bản vẽ thực trạng sử dụng đất do Công ty TNHH Đo đạc Địa chính số 1 Hà Nội thì ranh giới sử dụng đất giữa nhà ông Nguyễn Phó Thiêm và bà Đỗ Thị Tám không phải là một đường thẳng mà là đường gấp khúc. Từ đó, HĐXX nhận thấy không có cơ sở pháp lý để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thiêm xác định lại ranh giới quyền sử dụng đất giữa nhà ông và nhà bà Tám.

Sau khi xem xét toàn bộ các tài liệu liên quan, HĐXX quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thiêm, giữ nguyên ranh giới sử dụng đất theo hiện trạng giữa nhà ông Thiêm và bà Tám.

Ngay sau khi TAND quận Cầu Giấy công bố bản án, ông Nguyễn Phó Thiêm đã có đơn kháng cáo vì cho rằng HĐXX đánh giá tài liệu, chứng cứ chưa khách quan, chưa công tâm.

Ông Thiêm cho rằng, HĐXX đã không áp dụng Luật Đất đai 2013 để giải quyết vụ việc gây thiệt hại tới quyền lợi ích hợp pháp của người dân và vụ việc tranh chấp này có nhân chứng là ông Nguyễn Tiến Vượng chủ đất cũ đã xác nhận tại hiện trường năm 1987 mà trong hồ sơ vụ án ông đã nộp đơn cho Tòa án nhưng tại phiên xét xử Tòa không triệu tập nhân chứng này là không khách quan.

Theo dự kiến, ngày 9/6, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm.

Đỗ Việt

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/congly-24h/vu-tranh-chap-ranh-gioi-quyen-su-dung-dat-o-cau-giay-ha-noi-vi-sao-nguyen-don-khang-cao-46621.html