Vụ trao nhầm trẻ sơ sinh ở Ba Vì: Sẽ là một hồi kết có hậu!

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước thông tin hai gia đình ở huyện Ba Vì (Hà Nội) phát hiện đã bị trao nhầm con trước đó 6 năm, khi những đứa trẻ mới được vài ngày tuổi. Bản thân hai gia đình và những ai quan tâm đến vụ việc hy hữu này đều mong một kết cục có hậu sẽ đến, đó là các bé sẽ được trả về đúng với bố mẹ. Song, theo các chuyên gia tâm lý, việc này cần có thời gian và phải làm thật tế nhị để không làm tổn thương cho bất kỳ ai...

1. Sự việc bắt đầu bằng việc một ngày tháng 2-2018, ông Phùng Văn Phượng (58 tuổi, trú tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) bất ngờ thấy bức ảnh một cháu bé trên mạng xã hội Facebook có nhiều nét giống với gia đình ông. Khi nhìn bức ảnh, con trai và con dâu của ông là anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền cũng có suy nghĩ như bố. Thêm vào đó, chị Hiền nhớ lại thời điểm cách đây 6 năm, khi chị sinh cháu Phùng Thanh H. chị đã cảm thấy có gì gờn gợn khi nhận lại con trai từ tay hộ lý thì phát hiện tã lót của cháu không phải là đồ của gia đình chị.

Anh Sơn đã quyết định đi kiểm tra ADN. Kết quả khiến cả nhà bất ngờ, cháu H. không phải là con của anh Sơn, chị Hiền. Hai vợ chồng rất hoang mang, dằn vặt. Dù vẫn yêu thương cháu H., song lúc này anh chị nảy sinh nỗi lo lắng: “Hiện con đẻ của mình đang ở đâu, có được đối xử tốt hay không? Liệu cháu bé trong bức ảnh kia có phải là con của mình?”.

Do sự tắc trách của Bệnh viện, chị Vũ Thị Hương đã phải trải qua những bi kịch.

Rồi chị Hiền nhớ lại cùng thời điểm chị sinh con, có một sản phụ là chị Vũ Thị Hương (SN 1983, trú tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) cũng sinh một bé trai, cách nhau chỉ vài chục phút. Cháu tên là Đoàn Nhật M. Hai vợ chồng bắt đầu hành trình tìm lại con đẻ của mình từ đầu mối này.

Ban đầu vợ chồng chị Hiền đã làm đơn kiến nghị với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì để mong làm sáng tỏ sự thật về đứa con của mình. Phía Bệnh viện đã kiểm tra hồ sơ bệnh án, sổ ghi chép thông tin của kíp trực và phát hiện, cùng ngày và cùng giờ đó, hai người phụ nữ cùng sinh con trai và nhầm lẫn là rất có thể.

Niềm tin của gia đình được củng cố khi anh Sơn, chị Hiền đem chuyện giãi bày và thuyết phục được chị Hương đưa cháu M. đi giám định ADN. Và đúng như họ đoán, cháu M. là con đẻ của vợ chồng anh Sơn còn cháu H. là con đẻ của chị Vũ Thị Hương.

Mừng vì đã tìm lại được con đẻ nhưng trong một thời gian dài, cả hai gia đình đều rất khổ sở, mệt mỏi vì chưa biết giải quyết thế nào cho ổn thỏa. Phía gia đình anh Sơn rất muốn đón cháu M. về nuôi, nhưng cũng không muốn xa đứa con đã gắn bó với gia đình suốt 6 năm qua. Bản thân bé H. cũng không muốn rời xa bố mẹ, ông nội.

“Nuôi nấng, chăm bẵm từ khi con còn đỏ hỏn, đón nhận niềm vui khi con biết lẫy, biết bò, rồi biết đi, biết nói... chúng tôi dành cho con biết bao tình cảm. Đi đâu xa nhà nửa ngày tôi đã nhớ thằng bé lắm. Rồi mỗi khi bé cười thì tôi vui cả ngày, bao mệt nhọc bay biến hết. Khi cháu ho, sốt thì cả nhà đều cuống lên... chúng tôi không bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó sẽ phải xa cháu” - chị Hiền tâm sự.

Về phía chị Hương, chị cũng chưa sẵn sàng cho việc nhận lại con đẻ của mình. Đặc biệt, do việc làm tắc trách từ đội ngũ cán bộ nhân viên Khoa sản Bệnh viện Ba Vì đã gây ra bi kịch cho chị Vũ Thị Hương và gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi, người thân của chị Hương kể lại: Cháu Đoàn Nhật M. là con đầu lòng của vợ chồng chị Hương, sinh ngày 1-11-2012. Từ khi cháu M. chào đời, vợ chồng chị sống hòa thuận, hạnh phúc. Năm 2014, sóng gió bất ngờ ập đến sau khi chị Hương sinh người con thứ hai. Bé trai này càng lớn càng giống bố mẹ trong khi đó, cháu M. lại khác hẳn. Từ đó, anh Đoàn Trung D. (chồng chị Hương) bắt đầu nghi ngờ về sự đoan chính của vợ.

Tiếp đó là những cuộc cãi vã, mâu thuẫn gia đình cứ liên tiếp xảy ra. Không ít lần, anh D. đến tận trường mầm non nơi chị Hương dạy học đập phá đồ đạc và có lời lẽ khó nghe. Sau những mâu thuẫn không giải quyết được, năm 2015 hai vợ chồng Hương đã ly hôn. Hai con của vợ chồng Hương được tòa chấp thuận cho sống với mẹ. Tuy nhiên, anh D. không hề chu cấp tiền để chị nuôi con. Một nách hai con, chị Hương vô cùng vất vả để nuôi nấng, chăm sóc các cháu.

Theo chị Hương, cháu M. sau khi sinh ra sức khỏe không được tốt. Cháu thường xuyên bị ốm, nhiều lần chị phải ôm con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị hàng tháng trời. Cho đến nay, cháu nặng 30kg, trí nhớ tốt, rất thông minh. Và cháu cũng rất quấn mẹ. Có lẽ do trải qua nhiều sóng gió, gắn bó với cháu bé từ thuở lọt lòng nên dù biết sự thật rành rành bé M. không phải là con đẻ thì chị Hương vẫn chưa muốn xúc tiến việc trao, nhận lại con. Bên cạnh đó, chị Hương cũng muốn phía Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì phải có trách nhiệm trong chuyện này.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã xác nhận kíp trực ngày 1-12-2012 có sơ suất trong quá trình trao trẻ, dẫn đến việc nhầm lẫn. Bệnh viện đang cùng hai gia đình tìm phương án giải quyết, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý cán bộ mắc khuyết điểm và bồi thường tổn thất cho các bên theo quy định. Hiện phương án đền bù thiệt hại cho hai gia đình cũng đã có. “Sau khi thỏa thuận đền bù cho hai gia đình xong xuôi thì sẽ xử lý 2 nữ hộ sinh đã mắc lỗi trong quá trình trao trả con” - một lãnh đạo Bệnh viện cho hay.

Các cơ quan hữu quan của huyện Ba Vì cũng đã vào cuộc. Theo chị Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Tây Đằng, Hội đã tới gia đình anh Phùng Giang Sơn để thăm hỏi, động viên, cùng bàn phương hướng giải quyết. Theo chị Liên, hiện cả hai gia đình vẫn chưa trao trả các cháu về đúng gia đình, tuy nhiên giữa hai gia đình đã thông tư tưởng là cùng nhau chia sẻ để đi đến thống nhất.

“Tâm tư, nguyện vọng của cả hai gia đình đều mong muốn làm nhanh thủ tục để các cháu nhận bố mẹ ruột của mình, trước mắt là làm thủ tục để các cháu nhập học vì năm nay các cháu đã bước vào lớp 1 để không bị lỡ việc học” - chị Liên cho biết.

Còn theo anh Phùng Giang Sơn, ngày 15-7-2018 vừa qua, chị Vũ Thị Hương đã đưa cháu Đoàn Nhật M. về quê. Nhân dịp này, gia đình anh đã mời gia đình chị Hương cùng cháu M. ăn bữa cơm trưa, sau đó cùng về nhà chị Hương ở quê chơi. Dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa, thì gia đình hai bên vẫn coi cháu H., M. là cháu trong nhà.

Anh Phùng Giang Sơn và cháu Phùng Thanh H.

Như vậy, có thể nói cho tới thời điểm này, câu chuyện trao nhầm trẻ sơ sinh đã có những tín hiệu vui.

2. Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, từ khi báo chí đề cập đến câu chuyện trao nhầm trẻ sơ sinh, ông theo dõi khá sát và rất mong vụ việc này sẽ kết thúc có hậu. Tuy nhiên, ông Hòa khuyến cáo hai gia đình phải hết sức bình tĩnh, không nên nóng vội trong việc trao - nhận con.

Theo ông Hòa, những nghiên cứu của Việt Nam và thế giới cho thấy môi trường, hoàn cảnh sống những năm đầu đời của đứa trẻ có ảnh hưởng vô cùng quan trọng trong việc hình thành thói quen, nhân cách, tình cảm... của trẻ trong suốt cuộc đời sau này. Các cụ ta vẫn thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”, hay “bé không vin, cả gãy cành” là để nhắc nhở chúng ta về điều này.

Chính vì thế mà trong vụ việc này, không thể trong một lúc can thiệp một cách thô bạo bằng cách: “con ai về nhà nấy” được. Phải hết sức tinh tế, nhạy cảm bằng cách gia đình hai bên phải năng thăm nom, gần gũi, tạo điều kiện khiến cháu bé cảm nhận được những tình cảm với bố mẹ “thật” của chúng. Sau một thời gian, khi cảm thấy những đứa trẻ đã thực sự quyến luyến bố mẹ thật và sẵn sàng để về ở cùng thì khi đó mới tiến hành việc trao - nhận con.

Hai đứa trẻ bị trao nhầm gặp nhau vào ngày 15-7, trong cuộc gặp gỡ của hai gia đình.

Ông Hòa dẫn chứng việc cho nhận con nuôi ở các nước tiên tiến. Khi tiến hành việc này phải qua nhiều bước. Ban đầu họ cho gia đình hiếm muộn làm quen, hằng tuần đến chơi, mua quà, bánh... Tiếp đến là đưa các con đi chơi, về thăm nhà... cho đến khi nếu bố mẹ nuôi không đến, các con cảm thấy nhớ mong, muốn gặp, muốn gần gũi, thấy hợp nhau mới được đón về. Thời gian ít nhất để nhận con phải 3 tháng. Con nuôi còn như vậy, huống chi đây là con đẻ.

“Không chỉ là con người, đến vật nuôi trong nhà cũng luôn có mối dây tình cảm với chủ. Ta nuôi con chó, con mèo 6 tháng, 1 năm, khi phải chia xa đều cảm thấy nhớ nhung, tiếc nuối” - ông Hòa chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng cần phải có thời gian để cho bản thân các ông bố, bà mẹ làm quen với việc “tiếp nhận” đứa bé. “Vấn đề ở đây là chuyện tình cảm, không phải cứ dùng lý trí mà phán xét rằng đó là con mình, mình phải yêu nó. Phải có một quá trình gần gũi tiếp xúc... sau đó mới nảy sinh tình cảm được. Như vậy thì việc trao nhận con mới bền, không gây ra những cú sốc tâm lý cho đứa trẻ và các bậc phụ huynh”.

Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự việc trao nhầm con cách đây 6 năm.

Ngoài ra, việc tiến hành trao nhận con nhanh hay phải có thời gian còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình của hai bên. “Nếu như hoàn cảnh gia đình, kinh tế của hai gia đình tương tự nhau thì việc này có thể sẽ dễ dàng hơn. Còn nếu như chênh lệch nhau thì việc này sẽ cần thêm thời gian. Thậm chí, nếu một trong hai cháu (hoặc cả hai) kiên quyết không muốn về ở với bố mẹ đẻ thì có thể sẽ phải đợi khi các cháu đến tuổi trưởng thành, có đầy đủ nhận thức thì mới xúc tiến việc trao nhận” - chuyên gia tâm lý này phân tích.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trịnh Hòa Bình khẳng định, việc trao nhận con cần phải được xử lý một cách bình tĩnh, thận trọng. Bởi hiện tại cháu H. và cháu M. đang sống cuộc sống bình thường, vui vẻ bên người thân bỗng dưng phải hoán đổi cuộc sống cho nhau. Chắc chắn đó sẽ là một cú “sốc” với các cháu. Để cuộc trao nhận diễn ra một cách tốt đẹp, theo TS Bình, trước mắt hai gia đình phải gặp gỡ nhau để trao đổi bàn bạc kỹ hơn, để hai cháu dần tiếp xúc với môi trường hai gia đình, tạo mối giao lưu tình cảm mật thiết.

Về khía cạnh trách nhiệm của bệnh viện, của những hộ lý trong việc này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng cần phải có những biện pháp, quy định chặt chẽ của Bộ Y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. “Bởi tuy việc trao nhầm con không gây “cháy nhà, chết người”, song lại tiềm ẩn gây ra những bi kịch cho các bậc làm cha làm mẹ và gây những tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho các bên. Cần phải có một chế tài mạnh để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi trao nhầm con” - ông Hòa khẳng định.

Yên Chi

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/vu-trao-nham-tre-so-sinh-o-ba-vi-se-la-mot-hoi-ket-co-hau-502081/