Vụ trẻ ăn bánh mì chà bông bị ngộ độc: Cơ sở sản xuất không an toàn thực phẩm

Liên quan đến vụ hơn 50 trẻ phải nhập viện cấp cứu, nhiều trẻ bị nguy kịch sau khi ăn bánh mì chà bông, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở cung cấp món bánh mì này không đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ sở sản xuất bánh mì Công ty TNHH Đồng Tiến - Ảnh: P.V

Cơ sở sản xuất bánh mì Công ty TNHH Đồng Tiến - Ảnh: P.V

Ngoài ra, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của công ty này cũng đã hết hạn...

Nhiều trường hợp bị nguy kịch

Ngày 29.10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho hay đang điều trị 11 trường hợp bệnh nhi bị nôn ói, tiêu chảy, có trường hợp bị trụy mạch và sốc sau khi ăn bánh mì chà bông. Trong đó, có 6 trường hợp rất nặng và nguy kịch.

Theo PGS.TS BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện thì từ chiều tối 28.10, khoa cấp cứu tiếp nhận từ bệnh viện quận Tân Phú tổng cộng 11 bệnh nhi nghi bị ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì chà bông. Trong đó, có 6 trường hợp rất nặng.

Các bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng ói nhiều, tiêu chảy nhiều, một số trường hợp trụy mạch và sốc. Sau khi tiến hành cấp cứu, chống sốc và khám sàng lọc, có 5 bệnh nhi nhẹ hơn được chuyển sang khoa tiêu hóa để tiếp tục điều trị. Còn lại, 6 bệnh nhi nặng tiếp tục điều trị tại khoa cấp cứu.

“Trong 6 trường hợp bị nặng có 4 trường hợp nguy kịch được các bác sĩ tiến hành truyền dịch liên tục đến sáng nay (29.10). Các trường hợp bị sốc nặng đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn ói và tiêu chảy, được chuyển vào phòng hồi sức, tiếp tục truyền dịch để ổn định sức khỏe. Các bé bị nặng được xác định từ 5 đến 9 tuổi” - bác sĩ Quang chia sẻ.

Ông cũng cho biết đây là trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc hàng loạt, hiện chưa biết nguyên nhân chính xác, cần phải chờ các cơ quan về an toàn thực phẩm xét nghiệm và cho kết quả.

Theo bác sĩ Quang thì trong những ngày qua thời tiết ở TP.HCM khá nắng nóng, do đó người sản xuất, chế biến thực phẩm phải bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ dưới 24 độ C. Nếu không, thực phẩm sẽ dễ bị hư hỏng, phát sinh vi khuẩn gây nhiễm độc cho người ăn.

“Phụ huynh khi phát hiện con bị nhiễm trùng đường tiêu hóa phải sớm đưa đến cơ sở y tế. Các biểu hiện triệu chứng như ói mửa, đau bụng, tiêu chảy. Qua khám sàng lọc thì chúng ta sẽ phân loại được nhóm nào có nguy cơ nặng, nhóm nào mức độ nhẹ thôi”, bác sĩ Quang khuyến cáo.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra Công Công ty TNHH Đồng Tiến - Ảnh: P.V

Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 28.10, Công ty TNHH Đồng Tiến (số 248 đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM ) đã cung cấp khoảng 300 phần bánh mì cho Nhà thờ giáo xứ Tân Thái Sơn (số 1 đường Hoàng Văn Hòe, phường Tân Quý, quận Tân Phú). Sau đó, nhà thờ này đã phát cho các cháu tham gia chương trình Hội thánh. Sau khi ăn xong, đến 11 giờ cùng ngày, một số em có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và được chuyển đến Bệnh viện quận Tân Phú cấp cứu. Tổng số trường hợp được chuyển đến bệnh viện này cấp cứu lên đến 55 người, trong đó có 11 trường hợp nặng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Hiện một số ca ổn định đã được Bệnh viện quận Tân Phú cho xuất viện.

Cơ sở cung cấp không đảm bảo ATTP

Ngay trong sáng nay (29.10), các đội liên quận - huyện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Đồng Tiến (quận Tân Phú).

Theo lời của đại diện Công ty TNHH Đồng Tiến thì cơ sở này tự sản xuất bánh mì, còn trứng mua tại Công ty cổ phần chăn nuôi CP, chà bông mua ở Cơ sở sản xuất khô gà Hà Trang (huyện Củ Chi) về chế biến thành sản phẩm bánh mì chà bông.

Kết quả kiểm tra cho thấy Công ty TNHH Đồng Tiến vừa hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Công ty đã làm thủ tục gia hạn nhưng được thẩm định chưa đạt, vì bị đánh giá không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.

Tại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty TNHH Đồng Tiến vi phạm về điều kiện vệ sinh, mặt bằng nhà xưởng, bố trí... vẫn chưa khắc phục theo thẩm định mà vẫn tiếp tục hoạt động.

Riêng tại Cơ sở sản xuất khô gà Hà Trang (số 4, đường 14, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM), lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc thịt gà nguyên liệu và gửi mẫu kiểm nghiệm. Lấy danh sách các nơi tiêu thụ sản phẩm để kịp thời xử lý.

“Chúng tôi phải xem xét tất cả các khâu, từ thịt gà nguyên liệu, điều kiện sản xuất chà bông ở Hà Trang, điều kiện chế biến bánh mì chà bông ở Đồng tiến. Có xác định nguyên nhân mới kịp thời cảnh báo, chặn hết các sản phẩm này. Vì chà bông thường để lâu và bán cho nhiều người”, đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết.

Theo nhận định ban đầu, nhiều khả năng những bệnh nhi này bị nhiễm tụ cầu (Staphylococcus) với các biểu hiện cấp tính nhanh và mạnh như vậy. Có thể nhiễm khuẩn do chất lượng nguyên liệu, quy trình làm chà bông và điều kiện, thời gian bảo quản.

Hiện các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành gửi mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân và tiến hành điều tra dịch tễ.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/vu-tre-an-banh-mi-cha-bong-bi-ngo-doc-co-so-san-xuat-khong-an-toan-thuc-pham-99799.html