Vũ trụ điện ảnh: Chiêu bài liệu có còn hiệu quả?

Marvel Cinematic Universe (MCU) vẫn đang thu bộn. Nhưng hầu hết vũ trụ điện ảnh khác lại đều gặp khó khăn trong việc lôi kéo khán giả.

Câu chuyện điện ảnh gây xôn xao dư luận trong khoảng một tháng qua là Solo: A Star Wars Story. Sau ba phim liên tiếp cán mốc doanh thu 1 tỷ USD toàn cầu, Chiến tranh giữa các vì sao đã vấp ngã một cú đau điếng.

Quá trình thực hiện trắc trở khiến nhiều cảnh phim phải quay lại và vị trí đạo diễn bị thay đổi khi dự án còn chưa ghi hình xong. Hậu quả là kinh phí sản xuất của Solo lên tới 275 triệu USD.

Nhưng sau khoảng ba tuần trình chiếu, phim mới thu chưa đầy 340 triệu USD toàn cầu, trở thành tác phẩm Chiến tranh giữa các vì sao có thành tích thấp nhất và chắc chắn gây lỗ.

Để so sánh, doanh thu lúc này của Solo: A Star Wars Story chỉ giống như một số tác phẩm bậc trung như Independence Day: Resurgence (2016) hay Fifty Shades Freed (2018). Có thể thấy ngay cả Chiến tranh giữa các vì sao - một thương hiệu được gần như cả thế giới ưa chuộng - cũng gặp khó khăn khi mở rộng thành vũ trụ điện ảnh.

Thành công khó lặp lại của MCU

Khái niệm vũ trụ điện ảnh trở nên phổ biến nhờ Marvel Studios và The Avengers (2012). Trước bom tấn mà nhóm siêu anh hùng đình đám cùng nhau sát cánh, từng nhân vật như Iron Man (Robert Downey Jr.), Hulk (Edward Norton - Mark Rufallo), Captain America (Chris Evans) hay Thor (Chris Hemsworth) đều có phim riêng.

Thành công của Vũ trụ điện ảnh Marvel khiến cả Hollywood phải ghen tị và muốn học hỏi. Ảnh: Disney.

Trong 6 năm qua, Vũ trụ Điện ảnh Marvel không ngừng tiếp tục phát triển với các nhân vật siêu anh hùng bị xếp vào dạng “hạng B” trên các trang truyện như nhóm Vệ binh dải ngân hà, Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) hay Ant-Man (Paul Rudd). Tất cả mới cùng nhau tập hợp ở Avengers: Infinity War (2018) - bom tấn đã thu hơn 2 tỷ USD toàn cầu.

Trước thành công của đối thủ, DC và Warner Bros. vội vã xây dựng DCEU trong sự hào hứng của người hâm mộ bắt đầu từ Man of Steel (2013). Nhưng cho tới Justice League (2017) - bộ phim quy tụ nhóm Liên minh Công lý - khán giả gần như đã quay lưng với thương hiệu.

657 triệu USD là thành tích quá thất vọng dành cho một bộ phim có Batman (Ben Affleck), Superman (Henry Cavill), Wonder Woman (Gal Gadot)…

Quan trọng hơn, phim bị đánh giá không khác nào “nồi lẩu thập cẩm” kém vị và đầy chắp vá. Mọi chuyện tệ đến nỗi có fan kêu gọi Warner Bros. hãy mạnh dạn tái khởi động vũ trụ bằng nhân vật The Flash (Ezra Miller) sở hữu khả năng đi ngược thời gian.

Thua kém bởi DCEU, nhưng Warner Bros. vẫn có vũ trụ kinh dị The Conjuring khá hút khách. Ảnh: Warner Bros.

Tuy nhiên, Warner Bros. lại gặt hái thành công nhất định trong lĩnh vực kinh dị. Vũ trụ The Conjuring chuẩn bị tiếp tục được mở rộng bằng The Nun về ác ma Valak. Dĩ nhiên, đây là các dự án có kinh phí sản xuất khiêm tốn, với mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với DCEU.

GodzillaKong: Skull Island của MonsterVerse cũng thuộc Warner Bros. Chúng không gây lỗ, nhưng dấu ấn tại phòng vé cũng không phải là quá nổi bật. Sức hút của vũ trụ phim quái vật chắc chắn sẽ bị thử thách với Godzilla: King of Monsters (2019) và Godzilla vs. Kong (2020).

Sony từng ấp ủ một vũ trụ điện ảnh với Spider-Man. Nhưng hai năm sau The Avengers, The Amazing Spider-Man 2 (2014) gây tranh cãi lớn, và khiến kế hoạch làm phim về nhóm ác nhân Sinister Six bị hủy bỏ. Họ rốt cuộc phải chia sẻ bản quyền Người Nhện với Marvel Studios cùng Disney kể từ Captain America: Civil War (2016).

Bên ngoài dòng phim siêu anh hùng, kế hoạch biến The Dark Tower (2017)thành vũ trụ điện ảnh của Sony coi như đã tan thành mây khói. Dự án có sự góp mặt của Idris Elba và Matthew McConaughey chỉ thu vỏn vẹn… 113 triệu USD toàn cầu.

May cho Sony là cuối năm họ lại Jumanji: Welcome to the Jungle (2017) - phần tiếp theo của bộ phim giả tưởng năm 1995.

Tương lai của Transformers hiện là dấu hỏi lớn. Ảnh: Paramount.

Paramount khá liều lĩnh khi tuyên bố biến Transformers thành vũ trụ điện ảnh từ trước khi phần năm ra mắt. Nhưng việc Transformers: The Last Knight (2016) chỉ thu 605 triệu USD, tức kém tới 500 triệu USD so với Age of Extinction (2015), khiến hãng phim như “há miệng mắc quai”.

Cho tới giờ, Paramount đã thực hiện xong Bumblebee - phần ngoại truyện về chú robot màu vàng đáng yêu. Nhưng tương lai của Transformers hiện là dấu hỏi lớn khi đạo diễn Michael Bay chắc chắn chia tay thương hiệu.

Universal cũng có một thất bại là Dark Universe khi The Mummy (2017) của Tom Cruise trở thành tác phẩm đáng quên nhất mùa hè 2017. Nhưng họ chuẩn bị mở rộng thương hiệu Fast & Furious với Hobbs and Shaw.

Tuy nhiên, đây có thể coi là trường hợp phim ngoại truyện khá đặc biệt. Bởi hai nhân vật chính trong phim lần lượt do Dwayne “The Rock” Johnson và Jason Statham - những ngôi sao hành động rất được yêu mến - đảm nhận.

Đừng vội vã và hấp tấp

Sau trường hợp của Solo với Star Wars, có thể thấy rằng ngay cả “ông lớn” Disney cũng chưa chắc đã “mát tay” với chiến lược vũ trụ điện ảnh. Rogue One (2016) gây tò mò bởi câu chuyện xảy ra ngay trước Star Wars: Episode IV - A New Hope (1977).

Nhưng đến Solo, bối cảnh phim lại quá mơ hồ. Chưa kể, họ chiêu mộ Alden Ehrenreich - một cái tên còn quá ít kinh nghiệm cho vai chính Han Solo.

Khi gương mặt quen thuộc Harrison Ford không còn nữa, sự hào hứng của khán giả càng giảm mạnh. Rốt cuộc, Solo chỉ là một tác phẩm giải trí rất thường, gần như không mang chút “màu sắc” Star Wars nào.

Liệu việc Star Wars hàng năm đều có phim mới có khiến khán giả cảm thấy "bội thực"?

Marvel Studios đã mất nhiều năm lên kế hoạch cho vũ trụ điện ảnh của họ, tính toán chi li từng đường đi nước bước. Những nước cờ vội vã kiểu Dark Universe hay Solo sẽ chỉ chuốc lấy thất bại. Các tác phẩm ấy hứa hẹn mở ra những câu chuyện mới, nhưng bản thân bước mở đầu lại quá mờ nhạt và thiếu tính độc lập.

Chưa kể, mở rộng thương hiệu thành vũ trụ điện ảnh sẽ làm mất đi tính đặc biệt của thương hiệu. Nếu Transfomers hoặc Star Wars cứ khoảng 2-3 năm mới có một tập phim, công chúng còn háo hức. Nhưng nếu nó trở thành chu kỳ hàng năm, người ta sẽ cảm thấy bỏ lỡ 1-2 phim rồi xem lại sau trên truyền hình cũng không phải là vấn đề gì to tát.

DCEU nghĩ rằng chỉ cần cho các siêu anh hùng đứng chung trong một khung hình là thành công, Dark Universe thì đúng kiểu “cầm đèn chạy trước ôtô”, Lucasfilm thì đang chơi trò “vắt sữa” lộ liễu với Star Wars... Có đủ kiểu thất bại dành cho các vũ trụ điện ảnh, còn thành công thì ngày một trở nên hiếm hoi hơn.

Tuấn Lương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-tru-dien-anh-chieu-bai-lieu-co-con-hieu-qua-post852582.html