Vụ Uber sáp nhập Grab sau ngày 8/4, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Uber chính thức hòa nhập với nền tảng ứng dụng của Grab từ ngày 8/4. Thế nhưng, vẫn có nhiều câu trả lời còn bỏ ngỏ. Và trong tương lai, Grab không chỉ cạnh tranh với các ứng dụng gọi xe trong nước mà còn ở mảng giao nhận thức ăn, đồ uống…

Tài xế Grab và Uber tại TP.HCM chụp hình kỷ niệm trước ngày "về một nhà" - Ảnh: Grab Vietnam

Các văn phòng của Grab đông nghịt khi tài xế Uber đổ về làm thủ tục. - Ảnh: Grab Vietnam

Bao giờ Uber được sáp nhập vào Grab: 8/4 hay 15/4 hay tương lai bất định?

Từ 0h ngày 9/4, mọi hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam chính thức chấm dứt. Tuy vậy, Uber nói rằng các hoạt động văn phòng của họ sẽ tiếp tục đến hết ngày 15/4 để hoàn tất việc chi trả cho tài xế và các đối tác khác.

Trong khi đó, thương vụ mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á đang được các cơ quan giám sát cạnh tranh và độc quyền thương mại tại Việt Nam, Singapore, Malaysia và Philippines theo dõi và kiểm soát chặt.

Luật Cạnh tranh hạn chế những trường hợp mua bán và sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến sự cạnh tranh trên thị trường. Trong trường hợp Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á, cả hai ứng dụng phải gửi thông báo đến cơ quản quản lý cạnh tranh của Việt Nam về tình trạng cạnh tranh trước và sau khi mua bán.

Điều 22 của Luật Cạnh tranh quy định trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp là thương vụ có thuộc trường hợp cấm hay không và nêu rõ lý do bị cấm.

Ủy ban Cạnh tranh Singapore (SCC) yêu cầu Grab kéo dài hoạt động của Uber tại Singapore thêm một tuần so với thời điểm công bố trước đó, tức đến ngày 15/4/2018.

Ủy ban Cạnh tranh Phillipines (PCC) cũng chỉ thị Uber cần tiếp tục duy trì hoạt động của mình, đón nhận khách bình thường trong thời gian cơ quan này lượng giá tính chất độc quyền của thương vụ. Khoảng thời gian này có thể kéo dài đến 195 ngày, tùy thuộc vào kết quả làm việc của PCC và cơ quan này cũng không đề cập thời hạn cuối. PCC ước tính 80% thị phần dịch vụ gọi xe trực tuyến sẽ được Grab kiểm soát sau khi thương vụ hoàn tất.

Như vậy, hợp đồng về một nhà của Grab và Uber có khả năng bị các cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam, Singapore, Malaysia và Phillipines đảo ngược hoàn toàn vào bất cứ thời điểm nào trong tương lai.

Đó là chưa kể sự nhập cuộc của các cơ quan tương tự ở Campuchia, Indonesia, Myanmar và Thái Lan trong tương lai.

Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son (giữa) được xem là người "khoái khẩu" với các startup công nghệ. Tập đoàn Softbank của tỷ phú này đầu tư vào các ứng dụng gọi xe Uber (Hoa Kỳ), Grab (Đông Nam Á), Didi Chixing (Trung Quốc), Ola (Ấn Độ) và 99 (Brazil) - Ảnh: Global Business

Bàn tay của tỷ phú Masayoshi Son sau các vụ thâu tóm

Với người ngoài, thương vụ này chỉ là mua lại, thâu tóm hay sáp nhập. Tuy vậy, với người am hiểu hơn, đó chính là chủ trương điều chỉnh danh mục đầu tư hay tối đa hóa lợi nhuận hạng mục đầu tư của ông chủ lớn – tỷ phú người Nhật Masayoshi Son có vốn đầu tư ở cả Uber và Grab.

Nhờ vốn đầu tư từ tập đoàn Softbank của tỷ phú Nhật Bản, Grab vươn lên mạnh mẽ tại thị trường Đông Nam Á. Nhờ vốn bơm của tỷ phú Son, Uber thắng thế và qua mặt đối thủ Lyft trên thị trường Hoa Kỳ.

Nhưng vị tỷ phú người Nhật cũng là người khiến Uber rút khỏi Trung Quốc, nhường sân cho Didi Chuxing – ứng dụng gọi xe lớn nhất tại nước này. Uber rút khỏi Đông Nam Á cũng là nước cờ của ông Son. CEO của Uber - Dara Khosrowshahi – sẽ tham gia vào ban quản trị của Grab cũng là sắp xếp của ông Son.

Đi ngược dòng thời gian, cuối tháng 2/2018, CEO Uber đã từng mỉa mai nói rằng “Uber bị mua lại mảng kinh doanh Đông Nam Á là hài hước”. Nhưng xem lại lịch sử “đe dọa” của chủ đầu tư Masayoshi Son khi tiến hành thương lượng với các nhà sáng lập các ứng dụng gọi xe thì “anh không nhận tiền đầu tư của tôi hay nghe lời tôi, tôi sẽ đầu tư cho đối thủ của anh”. Trước nguồn vốn khổng lồ của Masayoshi Son, bị đè bẹp, thoi thóp rồi phá sản không là viễn cảnh mà là… tương lai gần, rất gần!

Sân chơi Việt Nam còn mấy người?

Uber rút lui, chắc chắn Grab sẽ kiểm soát sân chơi Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, bên cạnh Grab, còn có các ứng dụng của Vinasun, Mai Linh và VATO. Một ứng dụng gọi xe khác mang tên Go Jek từ Indonesia cũng chuẩn bị xâm nhập thị trường Việt Nam.

Giao diện thân thiện, dễ sử dụng của ứng dụng và vấn đề trường vốn, kế đến là dịch vụ khách hàng là các vấn đề hóc búa mà các nhà đầu tư Việt Nam phải nghĩ đến.

Và không chỉ là dịch vụ gọi xe phải lo lắng…

Ngoài GrabCar và GrabBike, Grab còn có dịch vụ xe đưa đón phi trường GrabShuttle và dịch vụ xe đạp GrabCycle.

Grab sẽ tiếp nhận mảng kinh doanh và giao nhận thức ăn Uber Eats từ cuối tháng 5/2018 và họ hy vọng sẽ đứng đầu với mảng kinh doanh mới triển khai tại các nước Đông Nam Á.

Như vậy, trong tương lai, các dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh mạnh. Cụ thể như thế nào, chưa có nhà kinh tế học hay chuyên gia thị trường Việt Nam đánh giá được bởi các hoạt động này chưa triển khai.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vu-uber-sap-nhap-grab-sau-ngay-84-nhieu-cau-hoi-con-bo-ngo-d66581.html