Vụ Út 'trọc': QLTT Bình Dương trực tiếp hướng dẫn làm giả hồ sơ xăng dầu?

Một trong những sai phạm của bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') là lập hồ sơ khống để hợp thức hóa 20.000 lít xăng kém chất lượng. Đây là nội dung được các luật sư tập trung xét hỏi các bị cáo và nhân chứng tại phiên phúc thẩm ngày 30/10/2018.

Cáo trạng xác định, ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn và phát hiện sai phạm nên lập biên bản. Theo đó, cửa hàng xăng dầu này hoạt động khi còn thiếu giấy chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu chất lượng. Cửa hàng này thuộc Chi nhánh Bình Dương, CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P do Đinh Ngọc Hệ, tức Út trọc, làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ và người đại diện theo pháp luật.

Sau khi lấy mẫu đi kiểm định, ngày 2/7/2014, Đội kiểm tra liên ngành thông báo số xăng tồn kho hơn 20.000 lít không đạt chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu giải trình.

Trước động thái này, Trần Xuân Sơn (Giám đốc Chi nhánh Bình Dương của CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) thông báo cho Trần Văn Lâm (Tổng Giám đốc).

Tiếp đó, khi được Lâm báo cáo vụ việc, Đinh Ngọc Hệ đã liên lạc với ông Lê Thanh Cung (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương), đồng thời chỉ đạo Lâm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh của cửa hàng chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng gửi cho ông Cung để xin không xử phạt.

Hệ cũng đặt vấn đề với Đại tá Bùi Văn Tiệp (khi đó đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không Không quân) nhờ giúp đỡ, bằng cách làm hợp đồng nhận số xăng kém chất lượng nói trên là của Sư đoàn "gửi" để tránh việc xử phạt.

Dựa trên tài liệu có trong hồ sơ, cơ quan điều tra xác định, mức phải xử phạt đối với sai phạm của Chi nhánh Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P tại Bình Dương là 1,4 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Văn Lâm (áo khoác sáng màu) và bị cáo Đinh Ngọc Hệ (áo khoác tối màu) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/10.

Bị cáo Trần Văn Lâm (áo khoác sáng màu) và bị cáo Đinh Ngọc Hệ (áo khoác tối màu) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/10.

Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Văn Học (bào chữa cho Đinh Ngọc Hệ) tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hệ khẳng định mình chỉ được biết khi sự việc xảy ra.

“Khi đó, Trần Văn Lâm nói rằng xảy ra sự việc và em đã xử lý xong rồi”, Đinh Ngọc Hệ chối bỏ trách nhiệm.

Tuy nhiên, màn đối đáp này cũng cho thấy phần nào việc đổ lỗi trách nhiệm cho nhau giữa Út “trọc” và thuộc cấp của mình là Trần Văn Lâm.

Trả lời luật sư, bị cáo Lâm nói: “Sự việc xảy ra buổi sáng (23/6/2014) thì buổi trưa anh Hệ biết. Bị cáo chưa kịp báo cho anh Sơn (bị án Trần Xuân Sơn, nguyên Giám đốc Chi nhánh Bình Dương - CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) xử lý thì anh Hệ đã liên hệ với ông Lê Thanh Cung (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)”.

Bất ngờ hơn, Trần Văn Lâm hé lộ ý tưởng làm hợp đồng giả để hợp thức hóa 20.000 lít xăng kém chất lượng, bản thân bị cáo Lâm “được các anh QLTT tỉnh Bình Dương trực tiếp hướng dẫn”.

Đáp lại cáo buộc của Trần Văn Lâm, nhân chứng Tuấn (cán bộ quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Dương) nói: “Tôi là thành viên đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu của công ty, nhưng tôi không có thẩm quyền xử phạt. Tôi khẳng định không có hướng dẫn để Trần Văn Lâm làm giả hợp đồng gửi xăng”.

Lúc này, luật sư công bố lời khai của ông Tuấn tại cơ quan điều tra: “Ông Lâm nói đại ý xăng có nguồn gốc rõ ràng nên không thể có chất lượng kém. Cửa hàng thuộc Công ty của Bộ Quốc phòng kinh doanh để cải thiện chất lượng đời sống cho bộ đội, nếu nói là xăng quân đội để ở đó thì sao?”. Tuy nhiên, bị cáo Lâm khẳng định “bị cáo không nói như thế” và cũng không đưa ra “gợi ý” nào đối với đoàn kiểm tra liên ngành.

Bị cáo Trần Văn Lâm khai khi đi gặp Bùi Văn Tiệpđể nhờSư đoàn 367 đứng ra nhận số xăng dầu kém chất lượng đó là của Sư đoàn “gửi” tại cửa hàng bằng cách ký hợp đồng khống, Đinh Ngọc Hệ không đi cùng bị cáo. “Sau khi được Quản lý thị trường hướng dẫn cụ thể, bị cáo về báo cáo anh Hệ sự việc và được hướng dẫn làm Hợp đồng” - bị cáo Lâm khẳng định.

Bị án Bùi Văn Tiệp với tư cách là người làm chứng khẳng định Đinh Ngọc Hệ không trực tiếp đến gặp nhưng có gọi điện nhờ giúp đỡ. Trước đó, tại cơ quan điều tra, Bùi Văn Tiệp khai “không nhớ” việc Hệ có gọi điện thoại để nhờ vả hay không.

“Sự việc diễn ra rất nhanh và ngắn, đàm thoại cũng rất ngắn nên tại buổi làm việc với cơ quan điều tra tôi chưa nhớ rõ diễn biến này, nhưng việc ông Lâm lên trực tiếp là có. Sau đó khoảng 1 tuần gì đó tôi được cơ quan điều tra triệu tập và đấy là lời khai đầy đủ nhất cho đến bây giờ. Có lẽ trong lời khai của bị cáo Hệ nói tôi với ông Lâm là đồng phạm vào hùa với nhau để đổ tội, nhưng chúng tôi đã đối chất có sự chứng kiến của các luật sư và không thể đổ tội cho tôi vào hùa với ông Lâm được. Từ đầu đến giờ tôi không thay đổi lời khai, chỉ có khác là lần đầu tôi chưa nhớ nội dung, lần thứ hai thì tôi đã nhớ ra, có khác chăng một vài ngôn từ còn "cốt truyện" vẫn giữ nguyên và tôi không thay đổi lời khai”, Bùi Văn Tiệp khai tại phiên tòa sơ thẩm chiều 30/10.

Khi được hỏi có quen biết ông Tiệp từ trước hay không, bị cáo Lâm cho biết: “Trước khi mang hợp đồng gửi xăng dầu nhờ anh Tiệp ký (làm giả Hợp đồng gửi giữ xăng dầu) thì tôi không nhớ có quen biết ông Tiệp trước hay không. Tôi có nhớ là 1 lần được anh Hệ dẫn đến gặp ông Tiệp nhưng không nhớ là trước hay sau khi sự việc xảy ra”.

Trong khi đó, Bùi Văn Tiệp khẳng định: “Chúng tôi có biết nhau từ trước, đầu năm 2009 tôi được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng, từ đó có nhiều lần tiếp xúc với Lâm”.

Đến lúc này, Trần Văn Lâm chống chế: “Việc luật sư hỏi bị cáo không được rõ biết ở mức độ nào. Ví dụ gặp nhau ở một buổi tiệc, bị cáo đến và nhìn thấy anh Tiệp ở đó thì cũng có thể gọi là biết”.

“Anh Hệ chỉ đạo bị cáo phối hợp với anh Sơn nắm bắt tình hình, anh Hệ chỉ đạo làm hợp đồng khống và bị cáo có đưa cho anh Hệ xem dự thảo hợp đồng tại Công ty. Anh Hệ xem xong không nói gì, sau đó không lâu anh Hệ nói “tao đã nhờ anh Tiệp rồi” - Trần Văn Lâm nói về việc làm khống hợp đồng xác nhận số xăng dầu bị phát hiện là của lực lượng quân đội.

Ngoài ra, bị cáo Lâm khẳng định có cùng Hệ đến gặp ông Lê Thanh Cung tại nhà khách T78 (TP.HCM) vào tháng 7/2014 khi ông Cung đang tham dự một cuộc họp tại đây. Để tăng tính xác thực cho lời khai của mình, Lâm mô tả nhà khách T78 mặt trước là đường Lý Chính Thắng quận 3, mặt sau là đường Trần Quốc Toản.

Tuy nhiên, do ông Cung vắng mặt tại phiên tòa nên luật sư công bố lời khai của ông Cung có trong bút lục của hồ sơ vụ án: “Tháng 7/2014 tôi không có dự cuộc họp nào tại T78 TP.HCM”.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị án Trần Xuân Sơn cho rằng nguyên nhân xăng dầu kém chất lượng có thể là do mưa lớn, cửa hàng bị lụt nên có thể nước mưa tràn vào bồn chứa xăng dầu. Trang thiết bị là bồn cũ, lâu ngày không được xúc rửa. Đối với số lượng xăng A92 còn lại bị QLTT niêm phong, cửa hàng đã pha thêm xăng 95 để tăng độ RON trước khi bán ra thị trường.

Tại phiên tòa, nhân chứng Tuấn (cán bộ QLTT tỉnh Bình Dương) xác nhận: Ngày 23/6/2014 đoàn kiểm tra đã lấy 2 mẫu, một được lưu giữ, một mẫu gửi đến cơ quan kiểm định chất lượng. 10 ngày sau (ngày 2/7/2014), đoàn kiểm tra đến cửa hàng xăng dầu Thái Sơn để thông báo kết quả kiểm định với nội dung số xăng được kiểm tra không đảm bảo chất lượng để có thể bán ra thị trường.

Giải thích cho việc phải mất tới 10 ngày mới có kết quả giám định, ông Tuấn cho hay: “Khi nào có kết quả kiểm định tại Trung tâm 3 thì chúng tôi mới có cơ sở để công bố. Chúng tôi là đoàn kiểm tra liên ngành nên muốn công bố phải đợi đủ thành phần”.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-ut-troc-qltt-binh-duong-truc-tiep-huong-dan-lam-gia-ho-so-xang-dau-post280343.info