Vụ việc cấm 02 ô tô lưu thông trên đường cao tốc: Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản

Việc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) tuyên bố từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC khai thác và quản lý đang là câu chuyện khiến dư luận 'dậy sóng'.

Một số ý kiến ủng hộ quan điểm của VEC E trong khi Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) – ông Nguyễn Văn Huyện cũng như đông đảo dư luận khẳng định rằng VEC E không có thẩm quyền cấm xe lưu thông trên đường cao tốc mà chỉ có thẩm quyền từ chối xe quá tải...

Mấy ngày qua, đã xảy ra cuộc “tranh luận” khá gay gắt giữa 2 luồng quan điểm quanh nội dung thông báo của VEC E.

Sáng 13-2, một cư dân mạng trên tài khoản Facebook của mình tán đồng với VEC E, tranh luận cho rằng, việc từ chối phục vụ 2 phương tiện vi phạm 51A-55850 và 51G-77256 lưu thông trên đường cao tốc do VEC quản lý là đúng vì tài xế của 2 phương tiện vừa kể không chấp hành pháp luật, gây cản trở, thậm chí gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân khác. Cho rằng trường hợp cụ thể này “có thể áp dụng quy tắc ứng xử xã hội”, chủ tài khoản này còn đưa ra tình huống giả định: Một ông chủ nhà hàng, khi thấy vị khách từng “quậy” nhà hàng ghé lại, ông ta có quyền kêu bảo vệ “mời” người này ra, từ chối phục vụ. “Đường cao tốc do nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư hay đấu thầu quyền thu phí. Như vậy, trong thời gian thu phí thì họ có quyền phục vụ hay không phục vụ”, chủ tài khoản này lập luận.

Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước chứ không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào.

Đường cao tốc là tài sản của Nhà nước chứ không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào.

Lập luận vừa kể ngay lập tức bị nhiều chủ tài khoản khác “phản pháo”. Một chủ tài khoản khẳng định: “Đầu tư” và “sở hữu” là hai khái niệm rất khác nhau. Do đó không thể so sánh, đánh đồng doanh nghiệp sở hữu đường cao tốc với ông chủ nhà hàng sở hữu cái nhà hàng.

Những người theo quan điểm không tán thành cách làm của VEC E còn nêu rõ quan điểm rằng, Hiến pháp, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân. Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện có vi phạm thì xử lý người điều khiển đó chứ không thể cấm chủ sở hữu xe sử dụng tài sản của mình...

Liên quan đến “tranh cãi” này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Quản lý - Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), bày tỏ quan điểm rằng, người ta có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện chứ không có luật nào xử lý phương tiện cả. Bởi tài sản nó được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thông thường các xe đã vượt qua đăng kiểm thì được lưu hành, còn nếu có vi phạm thì xử lý lái xe.

Dù lãnh đạo Tổng cục đường bộ đã có ý kiến, cùng với nhiều phân tích rất rõ từ các chuyên gia và luật sư nhưng trả lời trước báo chí, lãnh đạo VEC cho rằng, đường cao tốc không phải đường độc đạo, nên không đi vào cao tốc các phương tiện vẫn có thể đi các tuyến đường khách song song, nên không hạn chế sự đi lại của người dân. “Thực tế, nhiều năm qua VEC đã từ chối phục vụ với không ít phương tiện, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 xe ôtô vi phạm”, lãnh đạo VEC lý giải, và khẳng định việc từ chối phục vụ không trái quy định. Lãnh đạo VEC còn cho biết trong nửa năm 2018, VEC từ chối phục vụ 72 phương tiện do vi phạm quy định dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, 17 trường hợp quá tải vượt trạm, chống đối nhân viên và 9 phương tiện đi ngược chiều.

THÁI BÌNH – NGUYỆT HỮU

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/du-luan-tiep-tuc-day-song-truoc-viec-vec-e-doi-cam-2-phuong-tien-luu-thong-tren-duong-cao-toc-532738/