Vụ việc đền bù kinh tế tại 33 - 35 Hàng Bè: Cần sự thiện chí từ tất cả các bên

Việc xảy ra khiếu kiện giữa 2 nhà số 33 và 35 Hàng Bè (Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) diễn ra đã lâu. Tuy nhiên đến nay chưa được giải quyết.

Nhiều năm trở lại đây, vấn đề bồi thường trong quá trình xây dựng công trình nhà ở dân sinh diễn ra khá phổ biến. Khi chủ hộ A xây dựng làm căn hộ nhà ông B lún, nứt..., và đương nhiên pháp luật cũng quy định rất rõ về vấn đề giải quyết những mâu thuẫn này.

Đình chỉ thi công

Liên quan đến việc giải quyết đơn thư xảy ra tại số 33 và 35 Hàng Bè, phường Hàng Bạc, (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc xây dựng công trình tại số 35 làm lún nứt nhà số 33. Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi việc với UBND phường Hàng Bạc, theo đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bạc cho hay, việc công trình nhà số 35 thi công xây dựng gây lún - nứt nhà bên cạnh là số nhà 33 thì phường cũng đã đình chỉ thi công đối với công trình nhà số 35.

Được biết, quan điểm của UBND phường Hàng Bạc đó là để hai gia đình chủ động thỏa thuận bồi thường về giá trị thiệt hại, trên tinh thần hòa giải, tự nguyện.

"Phía phường hiện cũng đang tiến hành hòa giải giữa 2 bên. Do 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung nên việc giải quyết đơn thư kéo dài. Hiện nay 2 bên đang tiếp tục ngồi lại với nhau để giải quyết, khi nào có thông tin cụ thể phường sẽ thông tin lại với báo chí", vị lãnh đạo UBND phường Hàng Bạc cho biết

Do chưa tìm được tiếng nói chung về giải quyết bồi thường hỗ trợ, khiến việc thi công bị đình trệ, hiện công trình 35 Hàng Bạc đang nghiêm túc đình chỉ thi công.

Theo thông tin được biết, vào đầu năm 2019, đại diện chủ đầu tư là ông Đào Duy Hoàn thực hiện xây dựng công trình tại số 35 Hàng Bè, tuy nhiên trong quá trình xây dựng đến tháng 7/2019 thì công trình bên cạnh là số 33 của ông Nguyễn Xuân Tấn và bà Nguyễn Thị Kim Thúy xuất hiện tình trạng bị lún - nứt.

Sự việc ngày sau đó được ông Nguyễn Hồng Vân, (người thuê căn nhà 33 Hàng Bè để kinh doanh theo hợp đồng thuê nhà với ông Nguyễn Xuân Tấn và bà Nguyễn Thị Kim Thúy - chủ nhà) có Đơn trình báo lên UBND phường Hàng Bạc.

Nhận được đơn thư phản ánh, ngày 25/02/2020 UBND phường Hàng Bạc đã lập Tổ công tác kiểm tra hiện trạng công trình số nhà 33 Hàng Bè. Tại buổi kiểm tra hiện trạng, Tổ công tác xác định nhiều vết nứt tại khu vực cầu thang; tầng 1; gầm cầu thang...

Dựa trên báo cáo của UBND phường Hàng Bạc về sự việc, ngày 02/03/2020 UBND quận Hoàn Kiếm có Quyết Định 385/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đào Duy Hoàn, do đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, buộc ông Đào Duy Hoàn bồi thường thiệt hại, khôi phục tình trạng ban đầu đối với căn nhà 33 Hàng Bè.

Tuy nhiên, việc giải quyết đền bù thiệt hại giữa chủ đầu tư công trình số 35 Hàng Bè và ông Nguyễn Hồng Vân (người thuê nhà số 33 để kinh doanh) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và ông Nguyễn Hồng Vân tiếp tục đơn thư.

Tiếp nhận đơn khiếu kiện, ngày 26/03/2020 phó Chủ tịch UBND phường là ông Chu Công Tân đã mời 2 đại diện số nhà 33 và 35 đến UBND phường làm việc để giải quyết quyền lợi giữa 2 bên. Tại buổi làm việc, ông Chu Công Tân yêu cầu ông Đào Duy Hoàn đình chỉ thi công toàn bộ công trình 35 Hàng Bè để giải quyết quyền lợi giữa 2 bên.

"Trên tinh thần hỗ trợ, đền bù kinh tế cho hộ kinh doanh ông Nguyễn Hồng Vân (người thuê nhà số 33 Hàng Bè), bản thân tôi đã nhiều lần thương thảo với ông Vân từ mức hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền thiệt hại kinh tế là 400 triệu đồng. Ban đầu ông Vân có đồng ý, sau đó ông Vân lại không đồng ý và đề xuất mức hỗ trợ cao hơn (lần 2), và cao hơn nữa (lần 3). Bản thân tôi cho rằng, với mức hỗ trợ 400 triệu đồng là hợp lý, tuy nhiên trên tinh thần thiện chí, tôi vẫn muốn chốt với ông Vân mức hỗ trợ sao cho thỏa đáng chứ không quá đáng", ông Đào Huy Hoàn cho biết.

Chủ nhà 33 Hàng Bè nói gì?

Tại các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng... quá trình đô thị hóa đang phát triển mạnh, đặc biệt tại các đô thị lõi (phố cổ, phố cũ). Việc người dân chủ động xây dựng nhà ở để thay đổi cuộc sống, khiến bộ mặt đô thị phát triển, khang trang hơn, đồng bộ hơn đó là việc làm cần ủng hộ. Như đã nói ở trên, việc xây dựng nhà ở dân sinh không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến hộ liền kề, từ tiếng ồn đến gây lún - nứt, pháp luật cũng quy định rõ về việc xử lý các tình huống này. Tuy nhiên, pháp luật đều dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết bắt đầu từ sự hòa giải các bên.

Ở góc độ chủ nhà 33 Hàng Bè, Pháp luật Plus đã tìm gặp ông Nguyễn Xuân Tấn và bà Nguyễn Thị Kim Thúy để lắng nghe quan điểm rõ ràng về việc bồi thường, sửa chữa nhà 33 Hàng Bè.

"Quan điểm của chúng tôi là đồng ý, hỗ trợ hết mức để ông Đào Duy Hoàn (đại diện chủ đầu tư nhà 35 Hàng Bè) xây dựng sửa chữa những nơi nào hỏng ở nhà 33 Hàng Bè. Hỏng chỗ nào, sửa trả lại tôi nguyên trạng chỗ đó. Ban đầu, hai bên chưa hiểu nhau, tuy nhiên qua nhiều lần trao đổi giữa các bên gia đình tôi ủng hộ cách làm thiện chí của nhà 35 Hàng Bè. Nhưng, tôi vẫn lưu ý ông Đào Duy Hoàn phải thương thảo với ông Nguyễn Hồng Vân người đang thuê nhà tôi theo hợp đồng, để có sự đồng thuận giữa các bên. Trên tinh thần thiện chí, các bên hỗ trợ nhau để đi đến cái chung nhất, hài hòa nhất", ông Nguyễn Xuân Tấn cho hay.

Bàn luận về nội dung này, ông Đào Duy Hoàn nhất trí và đồng thuận với quan điểm của chủ nhà 33 Hàng Bè. "Quan điểm của tôi là đồng thuận, bởi chủ nhà là có quyền quyết định cao nhất. Về phía anh Nguyễn Hồng Vân là người đang thuê nhà 33 Hàng Bè tôi vẫn tiếp tục thương thảo, sao cho thỏa đáng chứ đừng quá đáng".

Ngày 1/6/2020, Phóng viên Pháp luật Plus đã chủ động điện thoại liên hệ với ông Nguyễn Hồng Vân để có cuộc gặp, lắng nghe quan điểm từ phía ông Nguyễn Hồng Vân. Ông Nguyễn Hồng Vân có trao đổi là hẹn vào ngày 2/6 để có cuộc gặp, tuy nhiên ngày 2/6 sau nhiều lần chủ động điện thoại qua số điện thoại cá nhân nhưng ông Nguyễn Hồng Vân không nhấc máy.

Như vậy, qua ý kiến các bên từ UBND phường, chủ nhà số 33 Hàng Bè, đại diện chủ đầu tư 35 Hàng Bè có thể thấy mấu chốt vẫn là các bên cần sự thiện chí trên tinh thần thỏa đáng, tự nguyện để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn.

Các chuyên gia pháp lý nói gì về tình huống này

Bàn luận về nội dung này, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh cho hay: Về nguyên tắc, bên bị hại có quyền mời đơn vị thứ 3 vào thẩm định. Sau khi thẩm định, hai bên ngồi lại với nhau tính mức trung bình về thiệt hại và phương thức để bồi thường.

Việc xử lý công trình gây sụt lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận Điều 3 - Thông tư số 02/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng, cụ thể:

Sau khi biên bản vi phạm hành chính được ủy ban nhân dân cấp xã lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì việc thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại giữa hai bên.

Trường hợp thỏa thuận (lần 1 và 2) không thành, hai bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Trong thời hạn 7 ngày mà hai bên không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả.

Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh.

Trong thời hạn 7 ngày mà một trong các bên không thống nhất với kết quả do tổ chức giám định đưa ra, bên đó có quyền mời một tổ chức khác và tự chi trả chi phí. Kết quả giám định này là căn cứ để xác định mức bồi thường. Trường hợp bên còn lại không thống nhất với kết quả lần 2, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã quyết định mức bồi thường theo mức trung bình của kết quả giám định lần 1 và kết quả giám định lần 2. Trường hợp bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án.

Trong thời gian giải quyết việc bồi thường, nếu công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ, hoặc gây sụp đổ công trình lân cận, thì chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại".

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX.

PV: Theo quy định, căn hộ lún nứt liền kề ở mức độ nào thì được đền bù?

Đưa ra quan điểm về nội dung này, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: "Về mức độ bồi thường thiệt hại, mức độ bồi thường thiệt hại do hai bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra, gồm mức thiệt hại thực tế đối với công trình lân cận bị hư hỏng và các chi phí khác có liên quan. Hai bên có thể tự xác định mức thiệt hại của công trình liền kề.

Cụ thể, mức bồi thường được xác định theo Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./

N. Trường

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-viec-den-bu-kinh-te-tai-33--35-hang-be-can-su-thien-chi-tu-tat-ca-cac-ben-d125695.html