Vụ vỡ đập ở Brazil: Cần học từ quá khứ

Vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao, Brazil, hôm 25.1 không phải trường hợp đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, dường như những bài học thương tâm từ quá khứ đã không thực sự được giới chức lưu tâm.

Chạy đua với thời gian

Theo số liệu cập nhật tính đến ngày 28/1 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao thuộc sở hữu của tập đoàn khai thác khoáng sản Vale SA ở bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil, đã lên đến 58 người, 192 người đã được cứu sống, trong đó 23 người bị thương đã được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, còn khoảng 305 người vẫn mất tích.

Phát biểu trước báo giới, Trung tá Flavio Godinho cho biết, nhân viên cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích. Mọi phương tiện đã được huy động tối đa, cả đường bộ, đường không và chó nghiệp vụ, để có thể cứu những người sống sót. Hiện hàng chục máy bay trực thăng cùng khoảng trên 1.000 binh lính đã được huy động tới hiện trường, song lượng bùn quá dày và nguy hiểm, cản trở việc tiếp cận trên mặt đất.

Trong khi đó, cảnh báo về nguy cơ vỡ đập lần thứ hai tại mỏ quặng cũng được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hơn cho việc nối lại hoạt động tìm kiếm người bị nạn. Mặc dù vậy, loa phóng thanh trong khu vực vẫn liên tục cảnh báo nguy cơ mực nước dâng cao có thể gây nguy hiểm cho các hộ gia đình sống quanh mỏ quặng Corrego do Feijao. Trước đó, lực lượng cứu hộ đã buộc phải dừng nỗ lực tìm kiếm, để sơ tán khẩn cấp dân cư sống gần con đập, đang chứa ít nhất 3 triệu mét khối nước.

Tổng thống Bolsonaro cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đề nghị trợ giúp Brazil về công nghệ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, và bắt đầu từ 28/1, họ sử dụng thiết bị công nghệ của Israel với bộ định vị bằng sóng âm có khả năng phát hiện các thi thể bị vùi sâu dưới bùn đất. Tuy nhiên, hy vọng tìm thấy người sống sót trong số những người mất tích là rất mong manh.

Ngày 25/1, đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao bị vỡ, khiến hàng nghìn mét khối chất thải trong khai thác quặng sắt và bùn đất tràn xuống khu vực dân cư xung quanh. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, hồ chứa có khoảng 1 triệu mét khối chất thải khoáng sản. Bùn và nước từ hồ chứa đã tràn qua khu vực nhà làm việc của công ty quản lý mỏ, nơi các nhân viên và công nhân đang nghỉ trưa, sau đó tiếp tục đổ xuống khu vực dân cư ở thị trấn Vila Ferteco. Một phần thành phố Brumadinho gần khu mỏ đã bị dòng nước thải nhấn chìm.

“Tôi cầu xin sự tha thứ từ tất cả nạn nhân bị ảnh hưởng và toàn bộ nhân dân Brazil”, ông Fabio Schvartsman, CEO của Vale SA, lên tiếng sau khi vụ việc xảy ra. Lãnh đạo công ty Vale SA cho biết vụ vỡ đập là “một thảm họa to lớn” đối với công ty, do hầu hết nạn nhân đều là người của công ty này.

Đây được xem là thảm họa tồi tệ nhất Brazil kể từ khi Tổng thống Bolsonaro nhậm chức hồi đầu tháng Giêng này. Thậm chí theo các cơ quan chức năng, thảm họa này có thể là một trong những sự cố gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử Brazil.

Thảm họa môi trường

Trong khi đó, Bộ Tư Pháp Brazil đã ra lệnh phong tỏa tài sản trị giá 3 tỷ USD trong các tài khoản ngân hàng của tập đoàn Vale để chuẩn bị công tác bồi thường cho các nạn nhân. Còn cơ quan bảo vệ môi trường Ibama của Brazil đã phạt tập đoàn Vale 66 triệu USD sau thảm họa trên.

Chính phủ Brazil đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra toàn diện vụ vỡ đập. Tổng thống Jair Bolsonaro và Thống đốc bang Minas Gerais, Romeu Zema đã tới nơi xảy ra thảm họa để giám sát tình hình, đồng thời cam kết cung cấp mọi nguồn lực hỗ trợ công tác cứu hộ cũng như khắc phục hậu quả.

Vale SA hiện chưa xác định được nguyên nhân vụ vỡ đập. Ông Schvartsman cho biết công trình đập bị vỡ đã không được sử dụng gần ba năm qua. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cáo buộc những vụ vỡ đập xảy ra liên tiếp là hệ quả của những quy định lỏng lẻo trong ngành khai mỏ. Cách đây 4 năm, cũng tại bang Minas Gerais đã xảy ra vụ vỡ đập thuộc sở hữu của Vale và tập đoàn khai thác khoáng sản BHP Billiton của Australia, khiến 19 người thiệt mạng và hàng trăm người phải sơ tán. “Lịch sử đang lặp lại. Thật không thể chấp nhận được khi chính phủ và các công ty không học được bài học nào”, cựu Bộ trưởng Môi trường Marina Silva phê phán.

Khi đó trên website của Vale SA, tập đoàn này tuyên bố chất thải trào ra từ vụ vỡ đập chủ yếu là đất, cát và không độc hại. Tuy nhiên, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết chất thải trào ra sau vụ vỡ đập năm 2015 “chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng độc hại”. Vụ việc sau đó đã trở thành thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, gây ra một cuộc khủng hoảng nước sạch ảnh hưởng tới 250.000 người và môi trường sống của các loài thủy sinh. Ước tính 60 triệu mét khối chất thải đã đổ ra các con sông và cuối cùng là Đại Tây Dương.

Theo Quốc Đạt/Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/vu-vo-dap-o-brazil-can-hoc-tu-qua-khu-19934.html