Vụ vỡ đập thủy điện Setien Senamnoi: Lào vào cuộc điều tra

Chính phủ Lào ngày 26-7 tuyên bố sẽ sớm mở cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ vỡ đập thủy điện Setien Senamnoi, trong đó tập trung khả năng xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng đập.

Các chuyến phà tạm thời đã được sử dụng để giúp người dân đi lại trong vùng lũ quét ở Lào. Ảnh: CNN

Sự cố vỡ đập thủy điện Setien Senamnoi, vốn khiến ít nhất 26 người chết, hàng trăm người mất tích và hơn 6.000 người mất nhà cửa ở tỉnh Attapeu thuộc miền nam Lào là thảm họa tồi tệ nhất mà đất nước phải đối mặt trong nhiều thập kỷ, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulit đã nói như vậy tại một cuộc họp báo trên truyền hình.

“Dòng nước chảy xiết từ con đập bị vỡ ngay lập tức tràn qua các ngôi làng, cuốn trôi nhà cửa khiến nhiều người không thể di chuyển đến vùng cao”, ông Sisoulit nói sau khi đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng. Điều lo ngại là dòng nước kinh hoàng từ vụ vỡ đập ở Lào đã đổ vào Campuchia, buộc hàng ngàn người ở quốc gia láng giềng phải sơ tán.

Thảm họa lớn nhất trong nhiều thập kỷ

Đập Setien Senamnoi, dự án thủy điện trị giá hàng tỷ USD vẫn đang được xây dựng khi xảy ra sự cố vào khoảng 20 giờ ngày 23-7 tại tỉnh Attapeu ít dân cư.

Thảm họa xảy ra mà không có bất kỳ cảnh báo nào. Lũ lụt đã nhấn chìm 6 ngôi làng trong đêm 23-7. Vụ vỡ đập gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay. Chính quyền cho đến nay đã giải cứu 2.851 người dân nhưng hơn 3.000 người vẫn đang chờ trên những nóc nhà ngập nước. Cho đến nay, ít nhất 26 người đã thiệt mạng, hàng trăm người vẫn mất tích. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 131 người mất tích. Có tới 11.777 người bị ảnh hưởng trong khi hơn 6.000 người phải di tản, theo số liệu của LHQ.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, các thị trấn bị “nuốt chửng” trong nước, và người dân đang chờ được giải cứu trên nóc nhà, chỉ với một vài tài sản trong tay. Thủ tướng Sisoulit cho biết, một chiến dịch cứu hộ quốc tế đang diễn ra và chính quyền đang nỗ lực di dời những người sống ở hạ lưu các khu vực đã bị ngập lụt, vì đó là những nơi có thể bị ngập trong những ngày tới.

Ông Daovong Phonkeo, Cục trưởng Cục chính sách và kế hoạch năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, nói với CNN rằng, nỗ lực cứu hộ đang được tổ chức tốt. Trong khi đó, Sebastien Perret, một thành viên của Đội Cứu hộ Vientiane 1623, một nhóm cứu hộ độc lập giúp ứng phó thảm họa trên khắp Đông Nam Á, cho biết, trời mưa và điều kiện thời tiết đang xấu đi khiến việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Mưa lớn không phải là nguyên nhân?

Đập bị vỡ là đập phụ được xây dựng để dẫn nước xung quanh đập chính của dự án thủy điện Setien Senamnoi. Một trong các nhà đầu tư dự án – Cty Ratchaburi của Thái Lan – nói rằng nguyên nhân gây ra vỡ đập là do mưa lớn khiến mực nước dâng cao. Đối tác liên doanh khác bao gồm Cty SK E&C của Hàn Quốc cũng cho biết sẽ điều tra nguyên nhân vỡ đập là do bị sập hoặc tràn bởi mưa lớn.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin dẫn thông tin từ Bộ Năng lượng và Khai thác mỏ Lào cho biết, mực nước dâng cao do mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến vụ vỡ đập vốn đã được hoàn thành 90%. Lào ngày 26-7 tuyên bố sẽ sớm mở cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ vỡ đập này, trong đó tập trung khả năng xảy ra sai sót trong quá trình xây dựng đập. Theo bộ trên, họ sẽ bắt đầu một cuộc điều tra để xem liệu các Cty tư nhân xây dựng đập có tuân thủ các quy định an toàn trong suốt quá trình xây dựng hay không.

Một số người đã bắt đầu chỉ trích các nhà chức trách giám sát không kỹ lưỡng và thiếu thông tin liên lạc sau khi thảm họa xảy ra. Nhiều tổ chức, vốn phản đối vụ xây đập này, cho rằng, vụ việc đã phơi bày nhiều lỗ hổng trong việc xây dựng các con đập như thế này. Thảm họa lần này thật sự đặt ra những câu hỏi chính về tiêu chuẩn xây dựng và an toàn trong việc xây đập thủy điện tại Lào, bao gồm cả chiến lược đối phó với điều kiện thời tiết và rủi ro.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_192895_vu-vo-dap-thuy-dien-setien-senamnoi-lao-vao-cuoc-.aspx