Vụ 'vỡ' đường dây đầu tư đa cấp tiền ảo hàng nghỉn tỉ đồng: Đừng để chết vì lòng tham

Sự việc hàng chục người mang băngrôn đến trụ sở của Cty Modern Tech tại quận 1, TPHCM (ngày 8.4), với nội dung tố cáo các thành viên lãnh đạo Cty này có dấu hiệu lừa gạt nhiều người tham gia đầu tư tiền ảo theo mô hình đa cấp do Cty này kêu gọi lên đến hàng nghìn tỉ đồng đang khiến dư luận quan tâm.

Các chuyên viên tư vấn của dự án iFan về tận các vùng quê nghèo để “giăng bẫy”. Ảnh: P.V

Và vụ việc này cũng đặt ra các câu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường này trong việc mua bán, huy động vốn tiền ảo, đồng thời cũng là cảnh báo cho những ai hám lãi suất cao coi chừng tán gia bại sản.

Bỏ bạc tỉ ngắm những con số ảo

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty Modern Tech có địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM, đại diện pháp luật là giám đốc Hồ Xuân Văn. Cty này đăng ký mã số thuế ngày 5.10.2017, cùng thời điểm đó, dự án iFan cũng bắt đầu triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên. Trong các tháng tiếp sau đó, Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện chào mời đầu tư tại Hà Nội và TPHCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu lôi kéo thêm nhà đầu tư mới sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.

Theo đơn phản ánh của các nhà đầu tư, người đứng ra chỉ đạo kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, người đồng sáng lập kiêm giám đốc đào tạo và phát triển marketing quốc tế của iFan. Đây có thể xem như “thế hệ F1” của hệ thống đa cấp iFan.

Dự án iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000USD. Sau đó, người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất “khủng” lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian “sống” cho dự án vì duy trì được lượng tiền lớn trong dự án. Mặc dù hứa hẹn chi trả phần trăm lãi rất cao nhưng sau khi thu được số tiền lớn, chủ dự án lấy lý do chuyển hướng hoạt động do vấn đề luật pháp. Và rồi lợi dụng thời điểm lao dốc của đồng bitcoin, phía Cty tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Cụ thể quy định giá công bố 5USD trên một đồng tiền số iFan. Tuy nhiên, giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng.

“Tôi bỏ vào đầu tư 100 triệu và giờ thu về là một đống coin rác hiển thị trên màn hình với giá chưa đến 2 triệu” - anh Tân - một nhà đầu tư - cho biết. Theo anh Tân, số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (bitcoin) và thậm chí có lúc tăng đến 0.8 BTC (theo trị giá là gần 200 triệu đồng). Việc nâng giới hạn là chiêu trò để không cho người đầu tư rút. Bây giờ anh Tân cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình còn tiền mặt thì không biết sao để thu hồi.

Ngậm đắng vì hám lãi suất cao

“Chiếc bánh mật mà các nhà đầu tư cấp trên đưa ra tại các buổi giới thiệu dự án tiền ảo iFan luôn có sự tham gia của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Bởi vì theo quảng cáo với trường hợp iFan, dự án này hứa hẹn người đầu tư sẽ thu về trên 48% mỗi tháng bằng một ứng dụng di động tự xưng “ứng dụng công nghệ blockchain 4.0”, giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam. Sự kiện lại được tổ chức ở những trung tâm hoành tráng với hàng nghìn người tham gia nên chúng tôi tin tưởng đây là một dự án tốt để đầu tư” - chị Hoàng - một người tham gia đầu tư - cho biết.

Có thể nói, các mô hình đa cấp và huy động vốn như Modern Tech với các đồng tiền ảo iFan và Pincoin không xa lạ gì với các nhà đầu tư.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS HCM, câu chuyện hàng nghìn người bị mắc bẫy tiền ảo đa cấp vừa qua đang đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường này trong việc mua bán, huy động vốn tiền ảo, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính người tham gia. Cái chính ở đây là cơ chế quản lý chưa rõ ràng của chính các cơ quan nhà nước đã tạo ra khe hở để các đối tượng lợi dụng đúng chỗ “tranh tối tranh sáng” đó để lừa đảo. Cụ thể là hàng loạt hội thảo, sự kiện huy động vốn công khai với sự tham dự của hàng nghìn con người nhưng dường như phía cơ quan quản lý lại “mù” thông tin một cách khó hiểu.

Hiện Cty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc “lừa đảo 15.000 tỉ” tại Việt Nam. Phía các cơ quan chức năng cũng chưa có câu trả lời về sự việc này.

BẢO CHƯƠNG - THANH VY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/vu-vo-duong-day-dau-tu-da-cap-tien-ao-hang-nghin-ti-dong-dung-de-chet-vi-long-tham-600460.ldo