Vụ võ sư bạo hành vợ: 'Những người như thế không xứng xếp cùng hàng với chúng ta'

Thời gian gần đây, dư luận phẫn nộ vì liên tiếp các vụ bạo lực gia đình được phát tán trên mạng, đặc biệt nạn bạo lực xảy ra ngay cả ở những gia đình là người có kiến thức, có trình độ nhận biết.

Chỉ trong 1 tuần, trên mạng "rúng động" hai vụ việc chồng đánh vợ "không tiếc tay" khiến dư luận phẫn nộ. Sự việc xảy ra được phát tán trên mạng vào ngày 20/8, người chồng là nhân viên kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn, đánh vợ tới tấp trước mặt con nhỏ. Và sự việc mới đây nhất ngày 28/8, võ sư Nguyễn Xuân Vinh (Hà Nội) đánh vợ đang bế con nhỏ mới 2 tháng tuổi dẫn đến nhập viện.

Dư luận hết sức phẫn nộ về việc bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra ở xã hội văn minh, đặc biệt người chồng là những người có học vấn, có kiến thức, nhưng lại cư xử không như vậy.

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lí đánh giá, phân tích về những tệ nạn này.

"Những người như thế không xứng xếp cùng hàng với chúng ta được"

Chuyên gia tâm lí Lê Thị Túy đánh giá, những người chồng có xu hướng bạo lực gia đình là những người không có văn hóa, mà chỉ có trình độ, kiến thức, có chức vụ.

Chuyên gia phân tích, cốt lõi của sống có văn hóa phải có trách nhiệm, tôn trọng người khác đặc biệt là trẻ em, phụ nữ. Sống chuẩn đạo đức là nền của văn hóa.

Chuyên gia tâm lí Lê Thị Túy khá bức xúc vì nạn bạo lực gia đình.

Chuyên gia tâm lí Lê Thị Túy khá bức xúc vì nạn bạo lực gia đình.

"Hành động của những người này đáng phải lên án, phê phán. Họ đã vi phạm vào luật dân sự, luật bình đẳng giới và họ đáng phải bị trừng trị bằng pháp luật, không thể xếp ngang hàng với chúng ta được", bà Túy lên án.

Bà Túy phân tích thêm, một hành động đáng khinh bỉ, đánh vợ trước mặt con, hơn nữa lại là đánh vợ khi mới sinh được 2 tháng, trên tay bế em bé, cơ thể rất non nớt. Nhiều người phụ nữ sau sinh sẽ bị trầm cảm, thậm chí sẽ nghĩ đến tự tử. Đây là người không đáng tôn trọng trong xã hội.

"Ngoài ra, nặng nhất sẽ vi phạm pháp luật, nếu thương tích của chị vợ trên 11%, người chồng rất có thể bị truy cứu về trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, người chồng võ sư còn lên tiếng phủ nhận với quan niệm "Bạo lực gia đình không ai được can thiệp", như vậy lại càng sai. Trách nhiệm xã hội của người chồng này rất kém", chuyên gia tâm lí cho biết.

"Hơn nữa, người chồng này lại là võ sư, theo nguyên tắc của những người học võ là chỉ rèn luyện sức khỏe và chỉ dùng khi phòng ngự chứ không phải học võ về để đánh vợ, đánh con mình", vị chuyên gia này cho hay.

Đồng quan điểm trên, bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục cấp cao của Tập đoàn Microsoft, Giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Bạo lực gia đình ngày càng leo thang, người vợ đa phần vì sĩ diện, xấu hổ, bao biện do chồng mình nóng tính. Trong một số trường hợp, chỉ cần một câu nịnh bợ của người chồng, một lời xin lỗi nhẹ nhàng người vợ lại chấp nhận và tha thứ. Như vậy thì lần sau người chồng lại càng đánh mạnh hơn".

Vị cố vấn phân tích, khi một người nóng giận, não sẽ tiết ra hoạt chất, vì não người có 3 phần, trong đó có phần ứng xử, nhận thức của con người. Khi bộ phận này bị tê liệt do tức giận thì người ta sẽ trở nên bạo lực, mất lí trí.

"Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến đứa trẻ trong gia đình khi chứng kiến vụ việc. Sinh ra trong gia đình mà phải tiếp nhận những điều bạo lực, đứa trẻ sẽ trở thành con người bạo lực như những gì chúng chứng kiến. Đặc biệt, con gái sẽ chịu một tổn thương tinh thần sâu sắc, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu. Cũng có thể sau, con bị dị dạng trong quan điểm hôn nhân, dễ dàng chấp nhận bị bạo hành như người mẹ trước đó", bà Quyên nói.

Cơ quan chức năng cần tăng nặng hình phạt

Chuyên gia tâm lí Lê Thị Túy nêu tiếp quan điểm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cơ quan chức năng không nắm bắt nhanh vụ việc, vì bạo lực gia đình đều ở trong mỗi gia đình, khép cửa bảo nhau. Và cũng có thể họ thờ ơ thật, sợ liên lụy đến mình. Đồng thời, nhiều người còn có quan niệm cổ hủ rằng phụ nữ phải làm gì thì đàn ông mới đánh như thế.

"Ở nước ngoài, có đường dây nóng, chỉ cần người chồng đánh vợ, thì có thể bị bắt và truy cứu trách nhiệm hình sự mà không cần biết lí do", bà Túy cho hay.

Cố vấn giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên.

Cố vấn giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cũng bày tỏ chung suy nghĩ, bà cho rằng, những người phụ nữ nên ngăn chặn từ lúc mới bắt đầu yêu bằng cách phát tín hiệu rằng chúng ta không chấp nhận bạo lực, từ cử chỉ nhỏ nhất. Nên giải thích cho người yêu hiểu bạo lực là hèn nhát, là vô đạo đức, là điều không thể chấp nhận được. Như vậy thì sẽ không gặp trở ngại nếu dẫn đến hôn nhân.

"Chính quyền cần tăng nặng hình phạt bạo lực gia đình. Phải giáo dục xã hội rằng: "Đàn ông đánh phụ nữ là nhục nhã không xứng đáng là đàn ông"", vị cố vấn cho hay.

Ngoài ra, bà Quyên cũng bày tỏ: "Quan niệm của xã hội Việt Nam hoàn toàn sai, nhiều người vẫn thường so sánh cách giáo dục của ngày xưa và ngày nay. Môi trường giáo dục duy nhất thời xưa là trường học, tuy nhiên bây giờ giáo dục tự thân quan trọng hơn giáo dục trường học. Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm. Phụ nữ nên đi học phòng thân, giúp đàn ông không phạm tội. Khuyến khích những bé gái đi học võ để đối phó với kẻ xấu, học võ là kĩ năng sống".

Lê Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-vo-su-bao-hanh-vo-nhung-nguoi-nhu-the-khong-xung-xep-cung-hang-voi-chung-ta-a447149.html