Vụ xả súng kinh hoàng ở Đắk Nông: Cần làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương

Lãnh đạo Tỉnh ủy Đắk Nông khẳng định sẽ làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của các sở ngành, chính quyền cấp huyện liên quan đến vụ xả súng làm 3 người chết và 13 người bị thương ở huyện Tuy Đức

Vụ án "Cố ý hủy hoại tài sản", "Che giấu tội phạm" xảy ra tại Tiểu khu 1535 (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vào tháng 10-2016 vừa được TAND tỉnh Đắk Nông xét xử và tuyên phạt 6 bị cáo, trong đó tuyên tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến. Tuy nhiên, giới luật sư nhận định bản án chưa thể hiện được bản chất vụ án, chưa xem xét trách nhiệm của chính quyền, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Hậu quả của "luật rừng"

Tối 3-1, sau khi tòa tuyên án, hàng chục người dân đã vây cửa tòa để phản đối bản án. Trước cảnh hỗn loạn, lực lượng cảnh sát cơ động phải chốt chặn cửa chính vào tòa, các bị cáo được đưa ra ngoài bằng cửa sau.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Bà Mai Thị Khuyên, vợ bị cáo Đặng Văn Hiến (SN 1976), hai mắt đỏ hoe sau khi nghe chồng bị tuyên án tử hình. Bà cho rằng việc bà và người dân gây náo loạn trước tòa là nhằm phản đối bản án vừa tuyên. Theo bà Khuyên, ngoài mảnh đất bị Công ty Long Sơn san ủi thì không còn nơi nào để sinh sống, canh tác. Từ mảnh đất trắng, sau hơn 10 năm đổ biết bao mồ hôi, công sức cho vườn cây đã xanh tốt. Chính vì thế, khi có người đến "cướp" đất, phá hủy mồ hôi công sức của mình thì chồng bà không thể không bảo vệ. Vì quá bức xúc trước hành vi ngang ngược của Công ty Long Sơn nên chồng bà mới gây ra tội lỗi.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, nói rằng mặc dù Đặng Văn Hiến có hành động hết sức tàn bạo, tước đoạt mạng sống của người khác nhưng hành vi giết người của bị cáo này không bắt nguồn từ ý thức chủ quan mà do khách quan đưa đến.

Hứa… xử lý sau!

Luật sư Nguyễn Thanh Huy (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông) - người được chỉ định bào chữa cho các bị cáo Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình (SN 1982) và Hà Văn Trường (SN 1985, cùng ngụ xã Đắk Ngo), cho rằng hậu quả nghiêm trọng của vụ việc có một phần lỗi của chính quyền địa phương khi giao đất cho doanh nghiệp (DN) nhưng không khảo sát kỹ hiện trạng, dẫn đến tranh chấp giữa DN với người dân. Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại không kịp thời cũng là nguyên nhân khiến người dân tích tụ bức xúc dẫn đến hành vi phạm tội.

Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, khẳng định sau khi xảy ra vụ việc, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, lúc đó do vụ án đang được điều tra nên tỉnh thống nhất chờ kết quả điều tra, xét xử rồi mới xử lý. Vụ án đã được xét xử nên sắp tới đây, Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ có văn bản chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong việc theo dõi, hậu kiểm, việc cấp và thực hiện dự án; trách nhiệm của chính quyền địa phương huyện, xã trong việc quản lý, giải quyết vấn đề xung đột giữa DN và người dân. "Riêng đối với Công ty Long Sơn, hiện chỉ mới xử lý hành vi phá hoại tài sản của dân, tỉnh sẽ tiếp tục xử lý trách nhiệm quản lý, triển khai dự án" - ông Diễn nhấn mạnh.

Góc nhìn

Phải xử lý tới nơi để dân tin

Cũng như nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác (vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm, Hà Nội) nguyên nhân dẫn đến hậu quả xuất phát từ những tranh chấp dai dẳng về đất đai không được giải quyết một cách triệt để, thấu tình, đạt lý.

Hành vi hủy hoại tài sản của người khác của nhóm người thuộc Công ty Long Sơn và hành vi giết người của bị cáo Đặng Văn Hiến đã được thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến cho vụ việc trở nên phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền trong vụ việc này là còn thiếu sót.

Theo tài liệu vụ án, trong khoảng thời gian xảy ra tranh chấp đất với Công ty Long Sơn, các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn tố cáo và thậm chí là cầu cứu các cơ quan chức năng nhưng không được can thiệp giải quyết dứt điểm. Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong đó chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép… Vì chính quyền địa phương không kịp thời giải quyết nên để vụ việc kéo dài gây hậu quả xấu.

Để những người phải chịu trách nhiệm trong vụ án có được một câu trả lời xác đáng và để nhân dân có niềm tin vào chính quyền, tòa án cấp phúc thẩm cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương, đồng thời xem xét lại mức hình phạt đối với bị cáo Đặng Văn Hiến cho đúng với bản chất của sự việc.

Số phận nghiệt ngã đã đẩy một người nông dân hiền lành bỗng trở thành kẻ giết người và phải trả giá bằng mạng sống, những người làm công cho DN trở thành những nạn nhân. Phía sau họ còn biết bao số phận khốn khổ khác là cha, mẹ, vợ, con cái… Vụ án để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá, đó là bài học quản lý nhà nước, bài học về tình người và bài học về thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở bị bỏ quên.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

(Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na)

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vu-xa-sung-kinh-hoang-o-dak-nong-can-lam-ro-trach-nhiem-chinh-quyen-dia-phuong-20180104230915619.htm