Vụ xe Mercedes lao xuống sông Hồng: Cần có giải pháp để tránh lặp lại tai nạn kinh hoàng

Luật sư cho rằng, sau vụ ô tô Mercedes lao từ cầu Chương Dương xuống sông Hồng, cơ quan chức năng cần có giải pháp để tránh lặp lại tai nạn kinh hoàng tương tự...

Chiếc xe Mercedes gặp nạn được lực lượng chức năng tìm thấy dưới sông Hồng cách vị trí bị rơi khoảng 1km.

Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ xe ô tô Mercedes biển số 30E-86836 lao xuống sông Hồng từ cầu Chương Dương tối 3/11, làm 2 người tử vong.

Theo chị Thu Trang (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) - người chứng kiến sự việc kể lại, khoảng 19h ngày 3/10, chị cùng bố mẹ đi ô tô di chuyển từ đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) hướng về quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Ông Dũng (bố chị Trang) là người điều khiển xe.

Khi gần tới chân cầu Chương Dương, chị Trang nhìn thấy một chiếc ô tô Mercedes màu đen có số đầu là 868 hoặc 898 chạy phía sau xe bố chị Trang điều khiển.

Lúc này, chiếc Mercedes định vượt lên để vào làn giữa cầu Chương Dương (làn đường chỉ dành riêng cho ô tô). Tuy nhiên, do phía trước xe nhà chị Trang có xe chở rác nên chiếc xe Mercedes đã rẽ sang làn ngoài cầu Chương Dương (làn xe hỗn hợp cho phép cả xe máy và ô tô lưu thông).

Khi xe Mercedes di chuyển tới trụ cầu T11N9 thì bất ngờ mất lái đâm gãy lan can bảo vệ cầu và rơi xuống sông.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy tra, lực lượng chức năng đã tổ chức cứu nạn chiếc xe gặp nạn và phát hiện chiếc xe Mercedes biển số 30E-86836 ở dưới sông Hồng cách vị trí bị rơi khoảng 1km. Bên trong xe có 2 phụ nữ đã tử vong.

Liên quan đến vụ tai nạn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: "Sống ở Hà Nội mấy chục năm, chứng kiến cầu Chương Dương khánh thành năm 1985 đến nay và thường xuyên đi qua cầu, đây là lần đầu tiên anh thấy tai nạn giao thông hy hữu khi xe ô tô đang lưu thông trên cầu thì bất ngờ mất lái đâm đổ lan can rồi lao xuống sông Hồng từ độ cao hàng chục mét".

Theo luật sư Thơm, cầu Chương Dương được xây dựng vào thập niên 80 của Thế kỷ XX nên việc thiết kế, thi công sẽ khác như hiện nay.

Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5 m. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5 m.

Trước kia khi xây dựng cầu, thiết kế đã phân làn cho ô tô và xe máy đi riêng. Sau này do việc gia tăng dân số và phương tiện nên đã cho phép ô tô được đi chung phần đường cho xe máy.

Phần đường cho xe máy đi là phía ngoài cùng, lan can cầu theo thiết kế chỉ chịu được lực va chạm nhẹ, chủ yếu để đảm bảo an toàn cho xe máy và chưa tính đến lực va chạm mạnh do ô tô tác động.

Do vậy, xe ô tô dù là cỡ nhỏ nếu có va chạm đâm vào thành lan can sẽ rất nguy hiểm và lao xuống sông là điều rất dễ xảy ra.

"Qua sự cố tai nạn giao thông này, chúng ta có thể sẽ phải kiên quyết cấm ô tô đi vào phần đường dành xe máy. Bên cạnh đó cần gia cố thêm thành cầu đảm bảo chịu được lực va chạm mạnh để hạn chế việc tai nạn làm xe ô tô lao xuống sông Hồng như đã xảy ra", Luật sư Thơm kiến nghị.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201811/vu-xe-mercedes-lao-xuong-song-hong-can-co-giai-phap-de-tranh-lap-lai-tai-nan-kinh-hoang-618542/