Vụ xử bà Hứa Thị Phấn: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng là tiền gửi khách hàng?

Luật sư Thủy cho rằng, kết luận của bản cáo trạng thể hiện sự đánh giá sự việc chưa được toàn diện, khách quan.

Căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch mà bà Phấn chỉ đạo nâng khống để chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng - Ảnh: Huyền Trâm.

Luật sư Trương Vĩnh Thủy, bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn tham gia phần tranh tụng ở phiên xét xử ngày 23/5.

Theo đó, luật sư Thủy tranh luận về hành vi của bà Hứa Thị Phấn cùng những người có liên quan bị quy kết tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TP.HCM.

Tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 24/1/2008 bà Phấn mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 21.762,3 lượng vàng SJC, tương đương 371 tỷ đồng. Sau nhiều lần mua bán không thành, ngày 13/2/2012 bà Phấn ký hợp đồng bán nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Ngân hàng Đại Tín, với giá 1.260 tỷ đồng.

Tại phần kết luận của bản cáo trạng nêu: “Bị can Hứa Thị Phấn lợi dụng việc nắm giữ 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín và là Cố vấn cao cấp của HĐQT, đã thông qua Lâm Kim Dũng, Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (Công ty không có chức năng thẩm định giá) tiến hành thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bị can Phấn lên 1.268 tỷ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường (theo kết quả định giá trong TTHS của Hội đồng định giá trong tố tụng thành phố Hồ Chí Minh xác định giá thị trường thời điểm tháng 02/2012 là 154.489.976.038 đồng); chỉ đạo Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng lấy tiền ra sử dụng; sau đó chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.260 tỷ đồng, hạch toán thu chi khống để hợp thức hóa việc mua bán trước đó, chiếm đoạt 1.105.510.023.962 đồng để sử dụng cá nhân. Số tiền chiếm đoạt trên là tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Đại Tín, không phải là tiền của các cổ đông, không phải là tiền của bị can Hứa Thị Phấn, bởi vì: Theo kết luận thanh tra số 224 ngày 10/7/2012, của Ngân hàng Nhà nước đối với Ngân Hàng Đại Tín, xác định: Thời điểm 29/2/2012 Ngân hàng Đại Tín bị lỗ lũy kế 6.061,738 đồng, âm vốn sở hữu 2.854,833 đồng.”

Luật sư Thủy cho rằng, kết luận trên của bản cáo trạng thể hiện sự đánh giá sự việc chưa được toàn diện, khách quan.

Thứ nhất, luật sư nêu nguyên nhân thua lỗ dẩn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách như bản cáo trạng nêu trên là do nguyên nhân tại thời điểm 29/2/2012, Ngân hàng Đại Tín phải trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi phải thu là 5.978 tỷ đồng. Như vậy tại thời điểm mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch vốn sở hữu chủ chưa âm mà còn 3.132 tỷ đồng. Vì thế, chưa có đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng như quy kết của cáo trạng.

Nếu xét từ thời điểm Ngân hàng Đại Tín mua nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch đến thời điểm trước khi xảy ra vụ án ở Ngân hàng xây dựng (VNCB) theo hồ sơ thể hiện, chưa có khách hàng nào gửi tại Ngân hàng Đại Tín liên hệ rút tiền mà Ngân hàng Đại Tín không có tiền để thanh toán cho khách hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm vấn đề này cũng đã được làm rõ.

Việc định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là chưa bảo đảm tính khách quan khi định giá bằng phương pháp so sánh, nhưng lại lấy nhà ở vị trí đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Lý Chính Thắng để đối chiếu so sánh là quá bất hợp lý. Vì cả hai tuyến đương này là đường một chiều, mặt đường hẹp, xa trung tâm thành phố nếu lấy trụ sở UBND TP.HCM làm tâm.

Luật sư cũng nêu, từ khi hợp đồng mua bán nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch được giao dịch xong đến nay không phát sinh bất kỳ sự tranh chấp nào, phía Ngân hàng là bên mua đã nhận nhà và cho thuê với giá mỗi tháng là 525 triệu đồng.

Tại phiên tòa, ông Hoàng Văn Toàn, cựu Chủ tịch ngân hàng khai rằng, mục đích mua căn nhà này là để làm Trụ sở chính của Ngân hàng Đại Tín, giá nhà tương đương 25.000 lượng vàng SJC tại thời điểm mua nhà, tức là bà Phấn không lấy tiền lời, vì trước đây bà mua bằng vàng.

Luật sư Thủy cho rằng, nếu xem xét dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm với những hành vi mà cáo trạng đã viện dẫn ở phần trên của bà Hứa Thị Phấn cùng những người có liên quan là chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, luật sư Thủy mong hội đồng xét xử xem xét và tuyên bố bà Hứa Thị Phấn cùng những người có liên quan không có hành vi phạm tội theo như truy tố.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/vu-xu-ba-hua-thi-phan-chiem-doat-hon-1000-ty-dong-la-tien-gui-khach-hang-3451216.html