'Vua' chao đèn mây tre kiếm chục tỷ mỗi năm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh được mệnh danh là 'vua' của những chiếc chao đèn. Nhờ lưu giữ và phát triển kỹ thuật tinh xảo, sản phẩm của ông ngày càng nổi tiếng.

"Vua" chao đèn mây tre

Nằm ngay đầu đường vào làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), không gian sản xuất khoảng 400m2 cũng là nơi mà gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang sinh sống.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh giới thiệu tác phẩm chao đèn vẩy rồng và tranh đan mây.

Góc nhỏ ngay cửa vào là một bàn uống nước để tiếp khách, xung quanh là bằng khen, chứng nhận và những sản phẩm đạt giải trong các kỳ thi, hội chợ cấp huyện đến quốc gia.

Phần diện tích còn lại là không gian sản xuất. Người đan lẵng hoa, người đan chao đèn... Dưới những đôi bàn tay tỉ mẩn, những chiếc nan mây mỏng manh, trắng muốt được đan vào nhau khéo léo và tinh tế.

Làng Phú Vinh là một trong những làng nghề đan mây tiêu biểu nhất Việt Nam. Kỹ thuật đan Phú Vinh tinh xảo. Điều quan trọng là con mắt nghệ thuật của người Phú Vinh rất tốt. Kỹ thuật đan đều đặn, hình dáng đẹp, phù hợp với nhu cầu hiện đại.

Ông Vũ Hy Thiều, nguyên Viện trưởng Viện Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam

Xung quanh họ là hàng trăm tác phẩm với nhiều mẫu mã khác nhau được làm theo đơn đặt hàng.

Anh Vũ Minh Đức (Hà Nội), một khách hàng quen cho biết, công ty anh chuyên về làm decor cảnh quan ngoài trời. Tới đây, công ty phát triển thêm mảng nội thất mây tre đan cho khách sạn, resort cao cấp, mỗi sản phẩm đều có tiêu chuẩn, yêu cầu riêng.

"Sản phẩm nhà ông Tĩnh có độ tinh xảo, tỉ mỉ nên công ty lựa chọn đặt hàng nhiều sản phẩm như bàn ghế, tủ, va li, treo quần áo bằng mây tre đan", anh kể.

Ông Vũ Hy Thiều, nguyên Viện trưởng Viện Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam, người đã có thời gian dài "nằm gai nếm mật" với người dân làng Phú Vinh chia sẻ: "Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh được mệnh danh là "vua" của những chiếc chao đèn. Tôi rất cảm động trước công đức của cụ Nguyễn Văn Khiếu, thân sinh ông Tĩnh, người đã gìn giữ, lưu truyền cho kỳ được nghề đan mây".

Ông Thiều kể, làng Phú Vinh có lối đan tranh (những vật dụng đan bằng mây có hình) rất nổi tiếng, nhiều sản phẩm từng được cung tiến và hiện nhiều tráp, lọ đan tranh hiện vẫn còn trong cung đình Huế. Nhưng về sau, chỉ mỗi cụ Khiếu là còn nắm rõ kỹ thuật từ cha ông thuở trước.

"Thời kỳ bao cấp, nhiều hộ gia đình trong làng đan hàng xuất khẩu để bán, đời sống nhờ vậy cũng không ngừng cải thiện. Nhưng riêng cụ Khiếu kiên định giữ nghề đan tranh với kỹ thuật được truyền dạy từ bao đời.

Những bức tranh cụ làm ra, chi phí rất cao, nên khó bán. Không bán được cụ sẵn sàng mang đi cho, tặng nhưng nhất định không bỏ nghề, giữ cho kỳ được cái tinh hoa Phú Hoa Trang. Nhờ thế mà nghề đan tranh Phú Vinh được truyền lại đến ngày nay", ông Thiều xúc động kể.

Nông cụ biến thành tác phẩm nghệ thuật

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh không chỉ gìn giữ được những giá trị "cha truyền con nối" mà còn biến nhiều nông cụ, sản vật nông thôn thành những tác phẩm nghệ thuật trang trí, decor hiện đại.

Ví dụ chiếc chao đèn đạt giải nhất Golden - V 2006. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hình dáng của quả mít. Xuất phát từ kiểu đan truyền thống, ông cải tiến, khéo léo vặn xoắn nan mây, tạo nên những "chiếc gai", sắp xếp sống động và đẹp mắt.

Hay như chiếc chao đèn đan vẩy rồng đạt giải nhất thiết kế năm 2019 tại triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, nhìn vừa giống những chiếc vẩy rồng lại vừa giống những lớp mây bồng bềnh.

Tác phẩm được hình thành ý tưởng từ những nét chạm khắc rồng phượng ở đình chùa gắn với đời sống văn hóa tâm linh người dân nông thôn và ý nguyện về một đất nước đổi mới, một kinh đô Thăng Long trường tồn.

Sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh.

Hoặc chiếc nơm cá cũng được cách điệu hóa, giành giải nhì Hội thi thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2009. Ban tổ chức cuộc thi nhận xét, tác phẩm thân thuộc với đời sống của người nông dân thôn dã và đã đặt 200 chiếc để làm đèn trang trí bên dòng sông Hương thơ mộng trong ngày trao giải.

Những miệt mài lao động, sáng tạo của người nghệ nhân cũng đã được đền đáp xứng đáng. Ông Tĩnh cho biết, nghề đan mây giúp công ty ông mỗi năm thu về chục tỷ đồng. Ngày cao điểm, nhà ông huy động đến 30 người làm.

"Sản phẩm thay đổi theo xu hướng người tiêu dùng, có những sản phẩm thay đổi theo năm, theo tháng, thậm chí theo ngày. Trước đây, gần như 100% người làng làm đĩa mây, khay mây, chỉ thay đổi họa tiết trong các sản phẩm.

Ngày nay, vẫn sản phẩm đó nhưng giá trị sử dụng đa dạng, đi vào nội thất, decor, thời trang với kỹ thuật tinh xảo hơn", ông Tĩnh chia sẻ và khoe, ông có khoảng 30 đối tác ruột trong và ngoài nước, tất cả đều đến đặt và lấy hàng tại nhà.

Thấu hiểu và tôn trọng khách hàng

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Tĩnh kể, sau thời kỳ bao cấp, nhà nước không thu mua sản phẩm nữa.

Không có đơn hàng, nhiều người bỏ nghề. Còn ông quyết tâm bám nghề, thậm chí phải dời làng đi tứ xứ, tìm những nơi chuộng nghề đan mây để kiếm sống. Năm 2000 ông mới trở về quê lập nghiệp.

Tưởng rằng, ở nhà mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, thế nhưng, ông cũng phải trải qua bao sóng gió.

Ông nhớ lại, lúc ấy đa phần mọi người đều dựa vào những mẫu sản phẩm đại chúng vốn có để kinh doanh.

Thực tế ấy tạo ra sự cạnh tranh căng thẳng, gia đình này đối đầu với gia đình khác về giá cả, thậm chí giảm chỉ 1.000 đồng cũng trở thành cuộc đua đầy áp lực. Ông đã mất đơn hàng 200 triệu đồng chỉ vì nhà hàng xóm giảm giá bán 2.000 đồng/sản phẩm.

Không đủ sức giành giật khách hàng bằng giá, ông chuyển hướng sang làm sản phẩm cao cấp, độc đáo với suy nghĩ: "Mình chọn khách hàng thật sự cần mình. Cần phải để cho những khách hàng đã rẽ vào nhà mình rồi thì họ không thể đi đâu, tìm ở đâu được những sản phẩm như thế".

Cả gia đình ông đã xây dựng một kế hoạch bài bản, từ vẽ mẫu, vật liệu, lao động để cho ra đời những sản phẩm có một không hai.

Sau nửa năm, bắt đầu có những vị khách đầu tiên. Đến nay, ông không chỉ sản xuất những sản phẩm do tự mình lên ý tưởng mà còn nhận những đơn hàng khó, khách hàng thiết kế sẵn với những tiêu chuẩn riêng.

"Tôi thường xuyên nhắc nhở mình và mọi người, phải hiểu rõ nhu cầu, tôn trọng khách hàng, lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu phát triển.

Bởi tôi từng thấm thía khi hàng trăm sản phẩm phải bỏ đi do chưa hiểu hết nhu cầu của khách", ông chia sẻ và kể, năm 2019, khi nhận được đơn đặt hàng gồm 1.000 sản phẩm từ Nhật Bản, một trung gian cung cấp cho ông một mẫu và yêu cầu sản xuất theo mẫu đó.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, ông chỉ có thể giao được 700 sản phẩm, phải loại bỏ 200 sản phẩm do yêu cầu chất lượng từ phía người Nhật cao hơn dự kiến.

Làng đan mây Phú Vinh hình thành từ năm 1700. Làng từng mang tên Phú Hoa Trang, nhiều người dịch là "trời phú cho dân có bàn tay lụa", chỉ sự tinh tế và khéo léo trong nghệ thuật đan mây của những nghệ nhân nơi đây.

Với 2.200 hộ dân, hiện nay ở Phú Vinh có tới 98% hộ làm nghề. Sản phẩm của làng đa dạng từ các vật dụng trang trí nhỏ lẻ như miếng lót cốc, bát, đĩa… tới các vật dụng mang tính ứng dụng cao trong đời sống như giường, tủ, ghế, lồng đèn… hay các sản phẩm mang tính nghệ thuật như tranh, túi xách làm từ mây, tre… Bình quân mỗi năm làng nghề Phú Vinh sản xuất đạt lợi nhuận từ 100 - 200 tỷ đồng.

Nguyễn Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vua-chao-den-may-tre-kiem-chuc-ty-moi-nam-192230828101457406.htm