Vừa chống hạn vừa chống xâm nhập mặn

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Theo dự báo, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn...

Để giữ được nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam quyết định xả hơn 7,1 triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông để tạo nguồn đẩy mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất theo đề nghị của tỉnh Long An. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn tăng cao trên địa bàn tỉnh Long An đang diễn ra gay gắt, phức tạp, mưa trái mùa không xuất hiện, mực nước trên các sông, kênh, rạch bị hạ thấp. Ngoài ra, xâm nhập mặn trên 2 tuyến sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã vào nội địa hơn 100 km tính từ cửa sông Soài Rạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thời điểm này, xâm nhập mặn đã diễn ra trên diện rộng khiến nhiều địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng phải có những hành động khẩn trương ứng phó, khắc phục diễn biến phức tạp của thiên tai. Thực tế ngay từ những tháng đầu năm 2024, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ vào thông tin dự báo, cảnh báo, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có biện pháp chủ động, khẩn cấp ứng phó với xâm nhập mặn.

Nắng hạn gây cạn kiệt nguồn nước ở các ao hồ. Ảnh: K.Hằng.

Trên thực tế, tỉnh Bình Thuận cũng diễn ra tình trạng nhiễm mặn do triều cường dâng cao, nguồn nước sông cạn kiệt không có nguồn nước ngọt dẫn đến việc nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền theo đường sông và thẩm thấu vào giếng của các hộ dân ở huyện Bắc Bình. UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ để triển khai thực hiện Dự án đập ngăn mặn Sông Lũy, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Dự án đập ngăn mặn Sông Lũy với mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đối với nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm trên tại hạ lưu Sông Lũy, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, nước uống cho gia súc và sinh hoạt cho khu vực là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó để đảm bảo tiêu thoát lũ trong mùa mưa, đồng thời kết hợp giao thông qua lại giữa 2 bờ sông Lũy và đảm bảo môi trường sinh thái vùng hạ lưu. Hàng năm, Bình Thuận luôn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, tình trạng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Vào mùa khô, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, trong đó huyện Bắc Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của tình trạng này trong các năm qua.

Người dân vùng hạn được hỗ trợ nước sinh hoạt. Ảnh: K.Hằng.

Để hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn, kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt. Bên cạnh đó tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra phải xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt. Chủ động nạo vét các kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước, kết hợp tận thu vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật. Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông và hồ chứa nước ngọt. Chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/vua-chong-han-vua-chong-xam-nhap-man-118540.html