'Vừa dạy chữ, vừa dạy chửi' có đất sống vì người học quá dễ dãi

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao trước vụ việc người đứng đầu Trung tâm MST English – bà Nguyễn Thị Kim Tuyến bỗng nổi tiếng nhờ việc chửi học viên như dân chợ búa.

Hai người dạy tiếng Anh từng gây xôn xao cộng đồng mạng vì cách giao tiếp với học viên.

Khi bị chỉ trích dữ dội, bà Tuyến đã lên tiếng rằng mình không phải là giáo viên, việc mình chửi học viên chỉ với tư cách là một người làm công việc của "huấn luyện viên ngôn ngữ”.

Bà Tuyến cũng không đủ phẩm chất, tư cách để gọi là giáo viên, bởi bà chưa trình ra được bằng cấp chuyên môn, bằng sư phạm khi cơ quan chức năng đến kiểm tra.

Nhưng không ít người đã thắc mắc, không thể lý giải: Tại sao biết người dạy có thói quen văng tục, người ta vẫn đổ xô đến học? Tại sao biết đến học sẽ bị nghe chửi, vẫn chấp nhận bỏ tiền ra đăng ký? Tại sao nhiều người chấp nhận việc “dạy chữ”, kiêm “dạy chửi” của người đứng lớp này?

Thậm chí, sau khi trung tâm tiếng Anh bị đóng cửa vì hoạt động chui, cô Tuyến chuyển sang dạy online. Và sau lùm xùm này, đúng như cô nói, đã giúp cô nổi tiếng. Hai ngày qua, mỗi clip dạy online của người này đều thu hút lượng lớn người xem và chia sẻ. Nhiều người khen cô dạy hay và chấp nhận thói quen vừa văng tục, vừa chửi thề, vừa dạy học.

Việc ép học sinh học tập bằng kỷ luật, phạt tiền là không nên, thậm chí là phản giáo dục.

Trước đây, câu chuyện về cô giáo có "cung Bọ Cạp" của một trung tâm tiếng Anh cũng gây chú ý khi có lối dạy học bằng cách chửi học viên. Sau khi bị chỉ trích, lớp học của cô vẫn cứ đông, người học vẫn ùn ùn kéo đến.

Nhưng chấp nhận nghe chửi, bị sỉ nhục để học được kiến thức, liệu có đáng hay không?

Theo GS-TS Phạm Tất Dong - Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, trong xã hội hiện đại, đúng là tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên người học không nên bất chấp đổ tiền vào trung tâm, nhất là những nơi người dạy học có hành xử thiếu văn hóa. Bởi để học tốt, thầy cô chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người học. Nhiều người học tại nhà, nhưng chăm chỉ vẫn có kết quả tốt.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ quan điểm: Không thể hạ mình để theo học những người dạy học kèm "dạy chửi" như thế. Bởi những quan điểm của cô Tuyến hay người phụ nữ tự nhận "cung Bọ Cạp", cho rằng phải chửi, nghiêm khắc thì người học mới sợ, mới chịu khó học chỉ là ngụy biện và nhận thức sai lầm.

Hơn nữa, mối quan hệ giữa người dạy và người học ở trung tâm Tiếng Anh suy cho cùng chỉ là giữa người bán – kẻ mua và hàng hóa ở đây là kiến thức. Những giáo viên giỏi chuyên môn, có văn hóa trong giao tiếp không hề thiếu. Vấn đề phụ thuộc vào lựa chọn của người học. Sự dễ dãi của người học đã vô tình khiến cho kiểu “vừa dạy chữ, vừa dạy chửi” có đất sống.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/vua-day-chu-vua-day-chui-co-dat-song-vi-nguoi-hoc-qua-de-dai-606237.ldo