Vựa lan lớn nhất nước trên vùng 'đất thép' Củ Chi

45 năm sau ngày giải phóng, 'đất thép' Củ Chi (TP.HCM) - vùng chiến trường xưa mà người dân phải gạt vỏ đạn, mảnh bom mới thấy... đất, bây giờ bát ngát màu xanh của những vườn cây và rực rỡ màu sắc của hoa lan...

Hơn chục năm trước, một người phụ nữ trẻ - chủ doanh nghiệp chuyên bán vật liệu xây dựng, đến ấp Ba Sòng (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) thuê đất trồng cao su để làm… trang trại hoa lan. Mấy ai ngờ, “cuộc chơi” của người phụ nữ này đã biến “đất thép” thành vựa lan lớn nhất nước hôm nay.

Những cánh đồng hoa lan lớn

Chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền - chủ trang trại hoa lan Huyền Thoại giới thiệu với khách về trại hoa lan rộng 4,5ha ở Củ Chi. Ảnh: Trần Đáng

"HTX đang quyết tâm mở rộng, phát triển mô hình trồng lan mokara cắt cành theo hướng chuyên canh, cánh đồng lớn, có ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi tính mở rộng thị trường tiêu thụ, theo hướng xuất khẩu sang Lào, Ấn Độ, Campuchia...”.

Chị Thanh Huyền

Cùng với đoàn Hội Nông dân TP.HCM, chúng tôi đến thăm vườn lan Huyền Thoại của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền – người phụ nữ hơn 10 năm trước biến đất trồng cao su thành trang trại lan. Ai nấy đều trầm trồ, thích thú trang trại lan rộng 7ha đang vào thời điểm hàng triệu triệu cành lan đỏ renred, đỏ redsun, đỏ lá quặt, đỏ mô đăng, vàng lê na, vàng chanh, vàng mai, vàng chao sunset, vàng nến, vàng đồng, tím kenyku, bò cạp vàng, bò cạp đỏ, bò cạp phượng vĩ, denrobium tím, denrobium trắng… đang khoe muôn sắc.

Nhớ lại những ngày đầu đến khai phá vườn cao su để hiện thực ý tưởng làm trang trại hoa lan, chị Thanh Huyền bồi hồi: “Tôi bật máu tay khi bứng từng gốc cao su lâu năm. Cuối cùng tôi phải dùng đến xe cuốc để nhổ từng gốc. Đất trồng cao su, khô khốc nên rất mất công sức cải tạo”.

“Đất thép” nổi danh kiên cường anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ đã bị người phụ nữ ấy chinh phục, thay dần vườn cao su, những vườn cau cằn cỗi già nua thành trang trại lan cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chị Huyền đặt cho trang trại lan cái tên Huyền Thoại, âu cũng là ẩn ý của người phụ nữ này?

Chị Huyền cho biết, giờ trên vùng “đất thép” có hơn 200ha diện tích trồng lan với hàng trăm hộ trồng. Chị đã liên kết 15 chủ trại lan để thành lập HTX Hoa lan Huyền Thoại với diện tích 25ha. Tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm của HTX đạt 8 tỷ cành, trong đó 20% xuất sang Campuchia.

“Các thành viên trong HTX đang quyết tâm mở rộng, phát triển mô hình trồng lan mokara cắt cành theo hướng chuyên canh, cánh đồng lớn, có ứng dụng công nghệ cao. Chúng tôi đang tính hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, theo hướng xuất khẩu sang một số thị trường tiềm năng, như: Lào, Campuchia, Ấn Độ...” - chị Huyền chia sẻ.

Nếu như tại ấp Ba Sòng, một chủ bán vật liệu xây dựng cải tạo đất cao su để trồng lan cắt cành, thì tại ấp Bến Đò 2 (xã Tân Phú Trung) cựu giáo chức Nguyễn Thị Bé biến đất ruộng thành trại lan giống. Hôm chúng tôi đến thăm trại lan Minh Dũng (bà Bé làm chủ), thấy bà đang cho mở thêm diện tích trang trại lên gần 2ha. Đây là một trại lan được giới trồng lan và ngành nông nghiệp rất trân trọng bởi sản xuất giống lan mokara chất lượng không kém người Thái.

Hơn chục năm làm giống, lan của bà Bé bán khắp mọi miền đất nước. Mỗi năm bà xuất bán hơn 10.000 cây giống lan, thu về hơn nửa tỷ đồng. Việc bà Nguyễn Thị Bé sản xuất được giống lan mokara chất lượng tốt như một kỳ tích trồng lan trên vùng “đất thép”, bởi trước đó giống lan này phải nhập hoàn toàn từ Thái Lan.

Theo ông Nguyễn Văn Tủi – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân TP.HCM), việc Củ Chi đang phát triển rất nhanh nghề trồng hoa lan và biến vùng “đất thép” này thành vựa lan lớn nhất nước như một phép lạ. “Hơn chục năm trước, chính tôi là người trực tiếp hỗ trợ từ kỹ thuật, nhập giống cho những người trồng lan đang mới vào nghề ở Củ Chi. Lúc bấy giờ tôi nghĩ, số ít nông dân này chỉ làm chơi cho vui chứ cạnh tranh gì lại hoa lan Thái Lan đang nhập tràn lan trên thị trường. Vậy mà, giờ ngó lại, thấy Củ Chi đã xuất hiện nhiều cánh đồng lớn hoa lan” - ông Tủi thổ lộ.

Có “miếng” nhưng chưa có “tiếng”

Chị Trần Ngọc Tuyết và những cành lan mokara vừa thu hoạch. Ảnh: Trần Đáng

Hiện diện tích trồng hoa lan ở TP.HCM là hơn 300ha, trong đó những gương mặt điển hình hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa lan hầu hết tập trung trên vùng “đất thép”, như: Trang trại hoa lan Huyền thoại rộng 7ha, trang trại lan của chị Trần Ngọc Tuyết với 4,5ha…

Có thể thấy, những nông dân trồng lan ở TP.HCM có lợi nhuận khá tốt. Theo ông Tủi, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lan mokara là 57%, lan dendrobium là 147%, các loại lan khác như: Vanda, cattelya, ngọc điểm, hồ điệp… cũng đạt tỷ suất lợi nhuận cao.

Mặc dù trồng lan cắt cành có nhiều tiềm năng, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận cao, thế nhưng vấn đề thương hiệu, đầu ra cho sản phẩm chưa được nhiều hộ trồng lan quan tâm. Hiện trong số 5 HTX trồng hoa lan của TP.HCM, mới chỉ có HTX Hoa lan Huyền thoại đã xây dựng được thương hiệu.

Theo ông Mai Quốc Thái – Chủ tịch CLB Hoa lan TP.HCM, việc các HTX hoa lan và những người trồng lan chưa xây dựng thương hiệu sẽ thiệt thòi lớn cho việc quảng bá thương hiệu và đầu ra. “Có lẽ họ đang nghĩ, thị trường trong nước hoa lan thành phố áp đảo nên không cần xây dựng thương hiệu. Hay đến khi xuất lan ra nước ngoài mới xây dựng thương hiệu chăng? Thật ra, hoa lan thành phố còn lâu lắm mới đọ chất lượng được với hoa lan nước ngoài, chí ít là Thái Lan” - ông Thái chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Thái rất vui mừng khi TP.HCM nói chung và Củ Chi nói riêng đã hình thành được vùng chuyên canh trồng hoa lan lớn nhất nước. Đây là một ngành rất phù hợp cho xu hướng làm nông đô thị mà thành phố đang hướng đến giúp nông dân tăng cao thu nhập.

Là người con của vùng “đất thép”, nguyên Chánh văn phòng Huyện ủy Củ Chi (những năm 1975 – 1990) - ông Võ Văn Phần cho biết, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mặt đất Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, chi chít hố bom, cỏ mọc tràn lan… Hậu quả nặng nề của chiến tranh đã khiến cho nền kinh tế thuần nông của Củ Chi càng trở nên lạc hậu. Phần lớn ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm...

Tuy nhiên, hôm nay các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp… đã giúp cho người dân Củ Chi vượt lên đói nghèo, quê hương từng bước thay da đổi thịt. Từ một nền kinh tế thuần nông lạc hậu, Củ Chi đã trở thành một huyện phát triển mạnh công nghiệp - nông nghiệp - thương mại, dịch vụ với những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vua-lan-lon-nhat-nuoc-tren-vung-dat-thep-cu-chi-909898.html