Vua Lúa trên bình nguyên Ea Súp

Đôi vợ chồng người con trai thứ ba của Vua Lúa Lã Như Kỹ điều khiển máy gặt đập liên hợp và xe cày chở lúa chạy trước, chúng tôi trên chiếc xe bán tải theo sau, cùng đón ngày Quốc tế Lao động hậu Covid-19 giữa cánh đồng thơm ngào ngạt, chim yến lượn đầy trời, tưởng như không còn dấu vết hoang vu của một huyện nghèo giáp biên giới trên Tây Nguyên.

Thạc sĩ Cẩm Lai xin làm học trò Vua Lúa

Thạc sĩ Cẩm Lai xin làm học trò Vua Lúa

Bền danh “Vua Lúa”

Hơn 20 năm trước, ông Lã Như Kỹ đã được nhiều nhà báo tôn vinh là “Vua lúa trên Tây Nguyên”. Danh xưng vui vẻ, không ngai ấy đúng mãi tới bây giờ. Chỉ khác, ngày ấy ông Kỹ tổ chức gặt đập thủ công cho ra gạo trắng ở xã Buôn Triết bên sông Krông Na phía Nam tỉnh Đắk Lắk. Còn bây giờ, ông tiên phong đưa những giống lúa đặc sản cho ra gạo đen, gạo đỏ giá trị cao, và đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng Ya Tờ Mốt ở huyện Ea Súp, giáp biên giới phía Tây.

Trong lúc mọi người xôn xao vui chơi nghỉ lễ, gia đình ông Kỹ bận rộn thu hoạch 80 ha lúa đặc sản. Sáng ngày Quốc tế Lao động, chúng tôi vào xã vùng sâu Ya Tờ Mốt bằng chiếc ô tô biển trắng do bác tài Nguyễn Đình Viên- Bí thư huyện ủy Ea H'leo, em cột chèo của Vua Lúa cầm lái. Chuyện trồng trọt, nương rẫy giòn tan suốt chặng đường hơn trăm cây số. Ông Viên trầm trồ: Chưa thấy người nào say mê đồng ruộng bằng anh ấy! Hai bàn tay trắng, học vấn chỉ tới lớp 7, thành công sự nghiệp chỉ nhờ nghị lực phi thường và yêu đồng, mê lúa thôi.

Từ ngoài đồng lái chiếc xe bán tải trở về, Vua Lúa giục chúng tôi qua xe ông để đi thăm đồng. Đã có dịp trải nghiệm rợn tóc gáy với tài cầm lái vững vàng của ông khi băng qua các vùng mương máng, đê bao lầy sụt, vỡ nát bên sông Krông Ana, tôi sang xe. Vua Lúa lái siêu lụa mà xe vẫn xóc kinh hồn trên mặt đường lổm ngổm, vì được san ủi để ngăn nước, be bờ hơn là cho ô tô chạy.

Từ năm 2014 lãnh đạo tỉnh đã phê duyệt chủ trương giao cho hợp tác xã 8/4 mở cơ sở 2, tạo vùng sản xuất lúa giống tại huyện Ea Súp. HTX 8/4 gồm 80 thành viên, địa chỉ cơ sở 1 tại xã Buôn Tría huyện Lắk, do ông Lã Như Kỹ làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đã hơn 20 năm làm tốt nhiệm vụ tưới tiêu cho 1.700 ha lúa của 3 xã thuộc huyện Lắk. Trước đó, từ những năm chín mươi ông Kỹ đã mê say trồng lúa dọc bãi bồi ven sông và trên cánh đồng từng bị nông trường bỏ hoang vì chim chuột. Có vụ ông Kỹ cho cấy 40 ha lúa, thu hoạch tới gần 300 tấn. Vào mùa, ông thân chinh lái xe xuống tận Ninh Hòa, Phú Yên tuyển thợ rồi chở cả trăm người lên gặt đập thủ công. Có năm ngập lụt, lúa ngã chìm trong nước, ông lại đặt mua năm- bảy nghìn con vịt thả vào đồng, chuyển bại thành thắng, lại lãi to.

Đại gia đình nông dân

Năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký quyết định cho HTX 8/4 thuê hơn 187 ha đất tại Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp, giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc giao đất xong trong vòng 3 tháng. Thế nhưng từ đó tới nay, Trung tâm chỉ giao được cho HTX 20 ha, vì đồng hoang nhưng đụng vào đâu cũng có người nhận là chủ đất. Ông Kỹ phải vận động 14 thành viên HTX góp tiền mua lại đất, từ giá 40 triệu đồng/ha tăng dần lên 115 triệu/ha. Gom được 100 ha, ông mời Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) vào khảo sát, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng các giống lúa đặc sản cho ra loại gạo màu đỏ, màu đen dẻo ngọt giàu chất dinh dưỡng, siêu thị đóng túi nhỏ bán 60.000đ/ký. Trồng vụ đầu, năng suất đã đạt 7-8 tấn/ha, cao nhất trong tất cả các vùng mà Vinaseed đã triển khai trồng thử nghiệm.

Vợ chồng anh Lã Như Hùng lái xe gặt đập và chở lúa trên cánh đồng lúa đen

Đầu năm 2019, HTX đầu tư hơn 2 tỷ đồng kéo điện từ xã Ea Rốc qua Ya Tờ Mốt. Giải quyết xong các khâu đất-giống-nước-điện, ông giao chức Giám đốc HTX 8/4 lại cho người khác, để toàn tâm toàn ý lo sản xuất lúa đặc sản ở cơ sở 2 bên huyện Ea Súp, rồi đầu tư 1,5 tỷ đồng nữa xây khu kho xưởng, lò sấy. Anh Võ Tường Huân cán bộ cơ khí Tập đoàn Lộc Trời lên hướng dẫn ông cách đắp lò sấy vỉ ngang, tận dụng phế phẩm làm nhiên liệu, chi phí xây lắp chỉ tốn 180 triệu đồng, mỗi mẻ 8 tiếng sấy ngon lành 15 tấn lúa.

Xe cứ chạy một quãng chúng tôi lại kêu ngừng để chụp ảnh. Ea Súp vốn là huyện có khí hậu nóng khô nhất tỉnh, nhưng nơi này đang thơm mát gió đồng, ngạt ngào hòa quyện giữa lúa chín bao la và những luống rơm tươi trải dài sau vệt xe của cỗ máy gặt đập. Lã Như Hùng, con trai thứ ba của Vua Lúa điều khiển máy gặt đập liên hợp. Còn vợ anh, chị Thu Huyền là tài xế lái xe cày chở lúa về kho. Vùng này nhiều chim yến, nên cánh đồng cả ngày rộn rã tiếng chim. Đôi xe to kềnh của Hùng-Huyền miệt mài sóng đôi trong tiếng máy nổ giòn giã và tiếng chim ríu rít, thanh bình.

16 tháng 2 lần song sinh

Vợ chồng Vua Lúa có 4 người con: 3 trai 1 gái đều đã lập gia đình, sinh cho ông bà 10 cháu nội ngoại, thường xuyên tập hợp “tam đại đồng đường” cùng cha mẹ lo việc đồng áng. Ngộ nghĩnh nhất là chuyện vợ chồng cậu con cả Lã Như Quyết, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất chỉ trong 16 tháng đã “sản xuất” được cả 2 cặp con gái sinh đôi. “Nhiều người bảo chắc do nó ăn nhiều gạo đen Phúc Thọ giàu dinh dưỡng quá. Chả biết thế nào. Nhưng cặp con gái đầu mới chào đời hơn 6 tháng, mẹ nó đã mang bầu cặp thứ 2. Hai đứa đầu 5 tuổi, 2 đứa kế 4 tuổi, lên lớp cứ phải đeo vòng khác nhau thì cô giáo mới phân biệt được”- Bà Nguyễn Thị Vê, vợ Vua Lúa vui vẻ kể.

Vụ hè thu 2019 ông Kỹ xuống giống 40 ha lúa đen Phúc Thọ và 10 ha lúa đỏ Huyết Rồng ở Ya Tờ Mốt, gặt được hơn 250 tấn lúa, Vinaseed thu mua toàn bộ với mức giá 10.000đ/ký, đầu ra ổn định. Vụ Đông xuân 2020 ông mở rộng diện tích lên 80 ha cho 3 giống lúa ngon nhất, dự kiến thu hơn 500 tấn. Các giống lúa đặc sản cần có nguồn nước ổn định suốt thời gian lúa trổ đòng. Nhờ cán bộ thủy lợi của huyện nhiệt tình hỗ trợ, ông Kỹ không lo thiếu nước.

Qua tuổi 60 từ lâu, con cháu đề huề hiếu thảo, gia đình đầm ấm, tạo dựng xong nhà cửa cơ ngơi cho các con rồi Vua Lúa vẫn chưa lần nào đưa vợ đi du lịch đúng nghĩa. Hỏi bà Vê có gì không hài lòng về chồng? Bà cằn nhằn nghe rất ... ngọt: Ông ấy gì cũng được, mỗi tội ham làm quá, chẳng chịu đi chơi đâu cả! Ông Kỹ gãi đầu: Cứ mỗi lần tính đi lại có chuyện. Nhưng rõ ràng việc nhiều quá, chơi đâu cũng chả thấy vui bằng đồng ruộng.

Ông Dương Quang Sáu-Phó tổng Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam đánh giá cao cả cánh đồng lúa đặc sản trên bình nguyên Ea Súp và người đã gây dựng ra nó: Tập đoàn chúng tôi đầu tư giống và kỹ thuật lúa Phúc Thọ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, những không đâu năng suất cao cho bằng Ya Tờ Mốt. Phần do nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, phần do công sức chuyên cần của ông Kỹ. Ông ấy đúng nghĩa lão nông tri điền, được gọi Vua Lúa cũng xứng đáng.

Thạc sĩ Hồ Thị Cẩm Lai-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột tự nhận vào đây với tư cách “học trò Vua Lúa”. Chị hỏi tỉ mỉ từng khâu trong chuỗi dây chuyền sản xuất rất hợp lý do ông Kỹ thiết kế, rồi khẳng định nhờ hợp lý hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất khép kín, mà lúa đặc sản ông Kỹ trồng lãi tới 50%, gấp đôi so các hộ nông dân khác.

Máu từng đổ trên cánh đồng

Öng Nguyễn Thế Hoan-Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết hệ thống thủy lợi Ea Súp lâu nay đủ tưới cho cánh đồng lúa lớn nhất Đắk Lắk, tổng diện tích hơn 7.000 ha tại Ea Súp.

Kỹ sư Nguyễn Quyền, nguyên Trưởng ban chỉ huy công trường thủy lợi Ea Súp Hạ, kể: Năm 1978-1979, khi xây hồ đập và 12 km kênh mương cho công trình này, chúng tôi đã nhiều lần bị Fulro quậy phá, tấn công. Có lần đội chiếu bóng lưu động của huyện về phục vụ, kết hợp chiếu phim với tuyên truyền khuyên đồng bào đừng nghe theo Fulro. Sáng sớm hôm sau xe chở đội chiếu phim vừa rời công trường thì bị phục kích, 4 người gồm tài xế và 3 cán bộ đội chiếu bóng hy sinh tại chỗ. Tôi đã xốc người thứ 5 bị thương lên xe, chở thẳng ra bệnh viện tỉnh cấp cứu ... Những người đã cống hiến qua thời gian khổ ấy bây giờ ấm lòng khi thấy công trình thủy lợi Ea Súp được đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích phục vụ, tạo nên mùa vàng cho cánh đồng rộng lớn nhất trên cao nguyên này...

H.T.N.

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/vua-lua-tren-binh-nguyen-ea-sup-1651748.tpo