'Vua nhạc sến' Vinh Sử qua lời: Nguyễn Quang Long vén màn bí mật sau những ca khúc để đời, Đàm Vĩnh Hưng tiếc thương

Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, người đời gọi nhạc sĩ Vinh Sử là 'vua nhạc sến' - vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi.

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sau thời gian chống chọi bệnh ung thư tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, sáng 10/9.

Nhạc sĩ Vinh Sử được mệnh danh là "vua nhạc sến" với những ca khúc: Yêu người chung vách, Nhẫn cỏ cho em, Chuyến xe lam chiều, Mưa bụi, Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Không giờ rồi, Tình đẹp mùa chôm chôm... Ca từ bình dị, gần gũi đời sống, giai điệu dễ nghe dễ thuộc đã tạo nên sức hút riêng cho âm nhạc của Vinh Sử. Sự ra đi ở tuổi 79 của "Vua nhạc sến" khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả thương tiếc.

Lễ tang nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân. Lễ nhập quan vào 9h ngày 10/9. Lễ di quan diễn ra ngày 13/10, an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Lễ tang nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân. Lễ nhập quan vào 9h ngày 10/9. Lễ di quan diễn ra ngày 13/10, an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ: "Chú rất gần gũi và anh chị em ca sĩ nào cũng quý mến và kính trọng chú. Những ca khúc của chú luôn dung dị và đã đi vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Tôi xin chia buồn sâu sắc cùng gia đình của chú cũng như khán giả của chú".

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đăng tải bài viết dài thể hiện niềm tiếc thương với cố nhạc sĩ. Nguyễn Quang Long kể anh may mắn gặp được Vinh Sử ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Qua những dịp tiếp xúc, anh thấy quý tính cách gần gũi, nghệ sĩ mà cũng rất "Anh hai Sài Gòn" của ông. Cả hai người có dịp tâm tình về nghề, về đời sống. Anh cũng được nhạc sĩ giải thích cặn kẽ về nguồn cơn sáng tác các ca khúc vang danh.

Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, người đời gọi ông là "vua nhạc sến", vua của dòng nhạc bình dân cũng phải thôi. "Những câu hát của ông thực sự là chỗ dựa cho những người lao động nghèo, lam lũ. Là chỗ để người thành đạt có địa vị, chức sắc đôi khi nao lòng nhớ lại chuyện ngày xưa. Là chỗ để nhiều khi trong cuộc sống bon chen, nhiều lo toan con người ta bỗng thấy dịu đi.

Nhạc của ông như kể chuyện, như suy tư những nỗi suy tư rất đỗi bình dị, giản đơn mà trong cuộc sống thường nhật ông phải trải qua. Nhạc của ông giống như một kiểu xẩm đời mới, cho nên chỉ cần bật bưng tiếng ghi-ta cất giọng hát không cần nuột nà trau chuốt cũng đã đủ chinh phục rất nhiều người", nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định.

Nhạc sĩ Vinh Sử và nhà phê bình Nguyễn Quang Long

Có dịp hỏi chuyện về nguồn cơn ông sáng tác mỗi ca khúc, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long được biết nhiều bí mật ý nghĩa phía sau các sáng tác nổi tiếng. Về ca khúc "Vòng nhẫn cưới", ông Long kể rằng, nam nhạc sĩ sáng tác khi đã lớn.

"Yêu một nàng, hai đứa yêu nhau thiệt. Nhưng sau lại có người nhà giàu tới hỏi cưới, gia đình bắt buộc gả cho. Khi làm đám cưới nàng cũng mời mình tới. Ngày hôn lễ họ trao em một vòng nhẫn cưới lớn thật lớn. Cũng đeo trên tay này nọ. Mình quá đau khổ chẳng biết phải làm gì, nên lại viết thành bài "Vòng nhẫn cưới".

Bài "Giết người anh yêu": "Ngày xưa mình yêu cô đó, mà cô ấy tàn nhẫn với mình quá. Mình tha thiết lắm, cô cần gì mình cũng giúp đỡ, cũng lo hết. Cuối cùng hóa ra cô chỉ lợi dụng mình thôi.

Mình mới phát hiện ra cô yêu một người con trai nhà giàu, có xe hơi nhà lầu. Tức quá, khởi cái ý nghĩ rồ dại ấy lên. Nhưng bạn mình khuyên, thôi đừng có vậy, kiếm người khác yêu, có khi với người khác lại may mắn hơn. Mình thấy người bạn mình nói có lý nên nguôi dần. Đau khổ nên mới viết bài "Giết người anh yêu".

Bài "Không giờ rồi" là thời quân dịch. Thời đó mình trốn quân dịch thì thường phải thức tới 12h khuya, vì họ hay vào các nhà để xét tầm này. Nhà mình đóng một cái tủ lớn để họ vào kiểm tra thì mình có chỗ mà trốn.

Hồi đó tôi sống với một người vợ tần tảo lắm. Ngày nào nàng cũng thức tới 12h khuya để hễ có người tới hỏi thì còn cho tôi lánh đi mà đứng ra thưa chuyện. Mỗi lúc họ đi rồi, mình mới nằm suy nghĩ thấy tội nghiệp vợ mình quá. Ban ngày đi làm cực nhọc, tối về phải giữ chồng trốn quân. Mình suy nghĩ mới viết bài "Không giờ rồi, em ngủ đi em", nhà phê bình Nguyễn Quang Long thuật lại.

"Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa, người bạn của giới lao động bình dân, một nhạc sĩ góp phần tạo nên tinh thần của đường phố Sài Gòn trong tâm hồn rất nhiều người Việt thế hệ trước chúng tôi, thế hệ chúng tôi và sau chúng tôi", anh bày tỏ.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nhắc về cái duyên được làm việc cùng Vinh Sử. Anh kể: "Tôi tình cờ được làm MC cho một show nhạc Vinh Sử tại Hà Nội. Tôi chỉ thuộc hàng con cháu của ông nhưng tôi xin phép cùng các khán giả yêu nhạc của ông thành kinh phân ưu cùng gia đình nhạc sĩ".

Ca sĩ Tuấn Hiệp bồi hồi: "Với tôi, nghệ sĩ Vinh Sử ngoài âm nhạc với hàng loạt những bài hát nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Tình đẹp mùa chôm chôm, Mưa bụi,..., ông còn còn là một dân chơi thứ thiệt của Sài Gòn".

Anh nhắc lại kỷ niệm với cố nhạc sĩ Vinh Sử hồi năm 2011. Khi ấy, Vinh Sử đã chủ động liên hệ với Tuấn Hiệp ngỏ lời thể hiện ca khúc Hà Nội và Em. Vì quý mến nam nhạc sĩ, Tuấn Hiệp đã vui vẻ nhận lời ông.

Lễ tang nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân. Lễ nhập quan vào 9h ngày 10/9. Lễ di quan diễn ra ngày 13/10, an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

An Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vua-nhac-sen-vinh-su-qua-loi-nguyen-quang-long-ven-man-bi-mat-sau-nhung-ca-khuc-de-doi-dam-vinh-hung-tiec-thuong-17222091108350658.htm