'Vua nhạc sến' Vinh Sử trong ký ức người ở lại

'Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa, người bạn của giới lao động bình dân, một nhạc sĩ góp phần tạo nên tinh thần của đường phố Sài Gòn trong tâm hồn rất nhiều người Việt nhiều thế hệ', nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sau thời gian chống chọi bệnh ung thư tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, sáng 10/9. Sự ra đi ở tuổi 79 của 'Vua nhạc sến" khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả thương tiếc.

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sau thời gian dài mắc bạo bệnh.

Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời sau thời gian dài mắc bạo bệnh.

Trong ký ức của nhiều thế hệ nghệ sĩ, Vinh Sử là người tài hoa, sống chân tình và hết lòng với sự nghiệp sáng tác. Các ca khúc làm nên tên tuổi ông đều có ca từ bình dị, gần gũi đời sống, giai điệu dễ nghe dễ thuộc được đông đảo giới mộ điệu âm nhạc yêu thích qua mấy thập kỷ.

'Vinh Sử là một dân chơi thứ thiệt của Sài Gòn!'

Chia sẻ với VietNamNet, ca sĩ Tuấn Hiệp bồi hồi nhắc lại kỷ niệm với cố nhạc sĩ Vinh Sử hồi năm 2011. Khi ấy, Vinh Sử đã chủ động liên hệ với Tuấn Hiệp ngỏ lời thể hiện ca khúc Hà Nội và Em. Vì quý mến nam nhạc sĩ, Tuấn Hiệp đã vui vẻ nhận lời ông.

Ca sĩ Tuấn Hiệp quý mến Vinh Sử vì sự chân thành, hào sảng của ông.

Ca sĩ Tuấn Hiệp hoài niệm nhắc lại khoảnh khắc nam nhạc sĩ gửi phong bì cho mình và nói: “Hiệp ơi, anh biết là giá thu âm một bài hát của em cao hơn số tiền này nhiều, nhưng anh chỉ có thế này em nhận giúp anh nhé”. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của nam nhạc sĩ, Tuấn Hiệp đã từ chối nhận phong bì và khuyên ông giữ lại số tiền để lo cho sức khỏe.

“Hay tin Vinh Sử vừa qua đời tại Sài Gòn, tôi thương tiếc ông. Với tôi, nghệ sĩ Vinh Sử ngoài âm nhạc với hàng loạt những bài hát nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Tình đẹp mùa chôm chôm, Mưa bụi,..., ông còn còn là một dân chơi thứ thiệt của Sài Gòn” - Tuấn Hiệp chia sẻ cảm xúc khi hay tin ông ra đi.

'Vinh Sử là người bạn của giới lao động bình dân!'

Trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đăng tải bài viết dài thể hiện niềm tiếc thương với cố nhạc sĩ.

Nguyễn Quang Long kể anh may mắn gặp được Vinh Sử ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Qua những dịp tiếp xúc, anh thấy quý tính cách gần gũi, nghệ sĩ mà cũng rất "Anh hai Sài Gòn" của ông. Cả hai người có dịp tâm tình về nghề, về đời sống. Anh cũng được nhạc sĩ giải thích cặn kẽ về nguồn cơn sáng tác các ca khúc vang danh.

Theo anh, danh xưng "Vua nhạc sến" được khán giả qua nhiều thế hệ dành tặng Vinh Sử là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, âm nhạc của ông qua nhiều thời đại, đổi thay của thị trường vẫn có sức lan tỏa sâu rộng, bền bỉ.

Anh nhận định những câu hát của nhạc sĩ thực sự là chỗ dựa cho những người lao động nghèo, lam lũ. Là chỗ để người thành đạt có địa vị, chức sắc đôi khi nao lòng nhớ lại chuyện ngày xưa. Là chỗ để nhiều khi trong cuộc sống bon chen, nhiều lo toan con người ta bỗng thấy dịu đi.

"Vĩnh biệt ông, một nhạc sĩ tài hoa, người bạn của giới lao động bình dân, một nhạc sĩ góp phần tạo nên tinh thần của đường phố Sài Gòn trong tâm hồn rất nhiều người Việt thế hệ trước chúng tôi, thế hệ chúng tôi và sau chúng tôi", anh bày tỏ.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng nhắc về cái duyên được làm việc cùng Vinh Sử. Anh kể: "Tôi tình cờ được làm MC cho một show nhạc Vinh Sử tại Hà Nội. Tôi chỉ thuộc hàng con cháu của ông nhưng tôi xin phép cùng các khán giả yêu nhạc của ông thành kinh phân ưu cùng gia đình nhạc sĩ".

Lễ tang nhạc sĩ Vinh Sử được tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân. Lễ nhập quan vào 9h ngày 10/9. Lễ di quan diễn ra ngày 13/10, an táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vua-nhac-sen-vinh-su-trong-ky-uc-nguoi-o-lai-2058597.html