Rộn ràng chợ phiên Co Mạ

Chợ phiên Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được hình thành từ cuối năm 2007. Từ đó, xuống chợ phiên vào ngày thứ 5 hàng tuần đã trở thành nét văn hóa của đồng bào Mông nơi đây.

Một góc chợ phiên Co Mạ.

Một góc chợ phiên Co Mạ.

Vào những ngày cuối năm này, chợ phiên vẫn họp, nhưng khác với các phiên chợ diễn ra từ trước, người dân đến đây họp chợ phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tờ mờ sáng, ở đầu con đường vào chợ phiên Co Mạ đã có rất đông bà con đến họp chợ. Người gùi mấy mớ rau, người xách đôi gà, người thồ đôi lợn cắp nách, có người đến đây cũng không bán mua gì, chỉ đến với chợ phiên để cho biết. "Nghe nói chợ phiên này đông vui lắm nên tôi mới đến đây. Tôi đi từ lúc 6 giờ sáng nay và dẫn con đi chơi” - chị Lầu Thị Dợ, ở xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết.

Anh Vừ A Thánh ở xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, Sơn La lại đến chợ phiên bán vài con gà để mua quần áo cho gia đình chuẩn bị đón Tết. Anh chia sẻ: “Tôi đến đây mua quần áo cho mình và mua váy áo cho vợ con mặc đi chơi Tết, đi thăm người thân. Mỗi một bộ như thế này, tôi mua 350 nghìn đồng”.

Bà con thồ các mặt hàng xuống bán tại chợ phiên.

Chợ phiên Co Mạ họp vào thứ 5 hàng tuần. Ngoài những sản vật bà con tự làm mang đến chợ bán, trao đổi hàng hóa như váy áo, chõ gỗ để đồ xôi, rau cải, hoa quả, lợn gà; 30 gian hàng trong chợ còn của người dân trong khu vực và cả một số xã giáp ranh thuộc tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Tại đây bày bán đầy đủ các loại mặt hàng như quần áo, vải, váy áo, cuốc, xẻng, dao, bát đĩa, đài radio, đồng hồ… đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con.

Bên trong chợ cũng có vài quán bán cháo, phở sáng phục vụ đồng bào ở xa đến họp chợ sớm. Ngoài ra là các sạp hàng bán trang phục truyền thống dân tộc Thái, Mông và các phụ kiện đi kèm như mũ, xà cạp, vòng tay... phục vụ chị em đi chơi hội.

Chị Giàng Thị Dếnh ở xã Rào Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến bán hàng cho biết: "Tôi đến đây thuê một gian nhà bán hàng đã được 2-3 năm rồi, chủ yếu là bán các loại vải, váy áo nam, nữ..." Còn anh Và A Sềnh ở bản Co Nghệ B (Co Mạ, Thuận Châu) thường xuyên đến chợ phiên mua bán, trao đổi hàng hóa chia sẻ: “Tôi đến đây bán chõ xôi cơm, mỗi một cái như thế này giá 200 nghìn. Ngoài ra, tôi còn mang cả gà, lợn còi, rau đến đây bán”.

Đến chợ phiên, nhiều chàng trai, cô gái Mông mang trên tay những chiếc điện thoại di động của mình để cùng nghe những giai điệu dân ca Mông, nghe tiếng hát giao duyên nói hộ tiếng lòng và không ít bạn trẻ đã thành đôi từ sau buổi chợ. Nhiều bà con lại dành thời gian đến chợ phiên để được gặp gỡ, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về cách trồng trọt, chăn nuôi và công việc làm ăn hàng ngày đạt hiệu quả.

Bà con bày bán nhiều mặt hàng tại chợ phiên.

Theo anh Và Phỏng Sá, Phó chủ tịch UBND xã Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La), từ khi chợ phiên đi vào hoạt động nề nếp, bà con trao đổi, mua bán hàng hóa thuận lợi hơn. Nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập từ việc mua bán hàng hóa từ các phiên chợ. Chợ phiên cũng là địa điểm thích hợp để chính quyền và các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến với người dân, trong đó có việc vận động đồng bào thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

"Vào những ngày giáp Tết này, chợ phiên có bán nhiều hàng hóa hơn so với đầu năm. Bà con các xã lân cận cũng mang sản phẩm đến đây bán, người đến đây mua sắm Tết cũng đông hơn. Khi có chợ phiên này, những sản phẩm bà con làm được đều mang ra đây bán, từ đó đến nay, đời sống của bà con đã khấm khá hơn so với trước đây"- anh Và Phỏng Sá cho biết thêm.

Chợ phiên vùng cao Co Mạ bắt đầu từ 6h sáng đến hết trưa là tan buổi chợ. Cứ thế, đồng bào rộn ràng đến họp chợ trong một buổi, rồi lại bịn rịn chia tay hẹn phiên chợ tới, mộc mạc chân chất như chính con người vùng cao./.

Các sạp bán hàng trong chợ phiên Co Mạ.

Vừ Chu/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/ron-rang-cho-phien-co-ma-835765.vov