'Vựa' rau xanh trên vùng đất sỏi đá

Từ trăn trở về nguồn rau 'sạch' cung ứng cho người dân và các trường học trên địa bàn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) đã triển khai, ứng dụng khoa học công nghệ cao để biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành 'vựa' rau xanh tốt; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đem đến bữa ăn dinh dưỡng, chất lượng cho học sinh vùng khó.

Lật đá trồng rau sạch

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi có dịp đến với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ). Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất trên địa bàn huyện biên giới này ứng dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả “sạch” với quy mô gần 30ha.

Anh Phạm Ngọc Khải, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn liền chở tôi trên chiếc xe Wave, vượt qua con dốc dựng đứng, khúc khuỷu, nhiều đoạn đã được trải bê tông, rộng và nhẵn mịn “sáng” lên trong nắng sớm. Từ đỉnh đồi, giữa biển mây bồng bềnh, màu xanh mướt mắt, tươi non từ những luống su hào, bắp cải, rau ngót, cà chua, dàn bí xanh, bí đỏ… hiện ra theo từng khu vực, ngay hàng, thẳng lối và khoa học. Các công nhân - những người thợ lành nghề thoăn thoắt người hái quả, cắt rau, tưới nước, làm đất... không khí làm việc diễn ra tất bật, công nhân ai nấy đều khẩn trương, thuần thục với công việc của mình.

Từ mảnh đất sỏi đá, khô cằn, những tưởng ngoài cỏ dại, cây tạp ra không có cây nào sống nổi, vậy mà giờ đây đã căng tràn sức sống giữa miền sơn cước đầy nắng và gió. Anh Phạm Ngọc Khải cất lời: Đất ở đây đa phần bị người dân bỏ hoang nhiều năm, do không có nguồn nước để canh tác. Muốn làm rau thì trước tiên đất phải sạch. Để tạo ra những lớp đất màu mỡ, chúng tôi đã phải cải tạo rất vất vả, đồng thời bơm nước từ dưới khe suối lên đỉnh đồi, qua rất nhiều chặng mới đủ nước tưới tiêu. Đặc biệt, do chủ yếu là đất đồi, độ dốc cao nên việc san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng khá tốn kém chi phí. Tuy nhiên, với quyết tâm, biến “sỏi đá thành cơm”, nhất là điều kiện khí hậu lý tưởng, phù hợp nên các loại rau, củ, quả sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện HTX đang sản xuất hơn 10 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích đất nhà màng rộng 5.000m2; nhà lưới 2ha (đang xây dựng) và ngoài trời. Thực hiện canh tác theo hình thức luân canh để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Với mục tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và tạo ra thương hiệu rau “sạch” đầu tiên ở Nậm Pồ, quy trình chăm bón được HTX thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định từ việc tưới nước, bón phân đến theo dõi phòng ngừa sâu bệnh. HTX xác định chỉ trồng các giống rau, củ, quả có chất lượng cao, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, cây xanh băm ủ hoai mục thay thế cho phân hóa học. HTX cũng đã đầu tư hệ thống tưới tự động được bố trí theo 2 phần diện tích để áp dụng 2 biện pháp là tưới phun mưa cho các loại cây ăn lá và tưới nhỏ giọt cho các loại cây ăn củ, quả, đảm bảo vận hành hiệu quả tối đa. “Hiện HTX đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức xây dựng quy trình chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ theo quy định; làm thủ tục sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, từ đó góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất” - anh Khải cho biết thêm.

Đưa rau, củ, quả sạch vào trường học

Tại Nậm Pồ, huyện nghèo khó nhất cả nước với việc xây dựng thành công và đưa ra thị trường những sản phẩm rau, củ quả sạch của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã góp phần “gỡ khó” cho ngành giáo dục địa phương trong việc đưa thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vào các trường học.

Có mặt tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nà Hỳ (xã Nà Hỳ) vào đúng giờ học sinh ăn cơm trưa, bên cạnh đĩa thịt, là những đĩa rau, bát canh thơm ngon, xanh ngát. Thầy Trần Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiện trường có 268 học sinh ăn bán trú; hàng ngày các cháu được bố trí ăn 3 bữa (sáng, trưa, tối). Ngoài thịt, cá và đồ tươi sống để đảm bảo nguồn rau tươi, ngon, trường ký hợp đồng nhập rau, củ, quả từ HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn. So với trước kia phải nhập rau từ huyện Điện Biên (3 lần/tuần), rau phải để qua ngày, giá thành cao hơn thì nay ngày nào nhập ngày đó, rau được sử dụng trong ngày đảm bảo dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: “Để đảm bảo nguồn rau sạch cung ứng cho bữa ăn bán trú, Phòng cũng như các trường đã tiến hành giám sát chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ và nguồn gốc thực phẩm, chủng loại, định lượng. Công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của các trường. Bên cạnh đó, Phòng cũng chỉ đạo các trường có học sinh bán trú tăng gia sản xuất, trồng rau cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ; đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã góp phần biến những vùng đất khô cằn, hoang hóa trở nên xanh hơn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa sản phẩm rau, củ, quả sạch phục vụ tại địa phương và cung cấp ra thị trường ngoài huyện, nhất là phục vụ tại chỗ nguồn rau xanh có chất lượng cao, an toàn cho các học sinh bán trú và khách du lịch đến với huyện biên giới Nậm Pồ.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/212489/%E2%80%9Cvua%E2%80%9D-rau-xanh-tren-vung-dat-soi-da