Vui có chừng, dừng đúng lúc

Đã thành một thói quen ở nước ta, dù là nông thôn hay thành thị, trong gia đình hay tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khi có việc hay sự kiện cần tổ chức liên hoan, thậm chí cả những cuộc gặp gỡ thông thường cũng không thể thiếu được các chai rượu, két bia lớn, nhỏ.

Nếu chỉ là sự điểm xuyết tăng thêm dư vị cảm xúc cho bữa cơm hay cuộc liên hoan thì chẳng nói làm gì, nhưng đáng chú ý là việc sử dụng rượu, bia ở nước ta hiện đã ở mức đáng báo động. Bất kể chuyện gì, cứ nghĩ ra lý do là có thể quy ra chén rượu, lon bia mời nhau và cũng từ đó nảy sinh đủ thứ chuyện, trong đó có chuyện lạm dụng rượu, bia quá mức hoặc ép và thách đố nhau uống rượu, uống bia.

Trong những cuộc vui như vậy, có hàng trăm lý do để mời rượu thì cũng có cả nghìn lý do để ép nhau uống rượu. Không ít người thấy hả hê khi buộc người khác uống rượu, song với nhiều người không uống được rượu thì đó thật sự là nỗi ám ảnh. Ở không ít cuộc liên hoan, gặp gỡ, người ta có thể nghĩ ra đủ thứ để nâng cốc, nào là lâu ngày không gặp, chúc nhau sức khỏe, mừng anh cái này, mừng chị cái kia, nào là uống vì gia chủ, uống vì đồng hương, vì các nhân vật chính của sự kiện…

Mỗi một lý do đều gắn liền với những tiếng dô hò nhiệt tình, rồi người ở bàn này lại sang giao lưu bàn khác, cứ thế các chai, các cốc, các chén nâng lên, đặt xuống liên tục, hễ vơi lại đầy. Những bữa tiệc có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thậm chí từ sáng tới tận chiều chưa dứt. Nhậu ở cuộc vui chưa đã, có khi tiếp tục là những “tăng hai, tăng ba” uống tiếp ở các hàng, quán khác. Ðó là thực trạng ở nhiều nơi hiện nay và trở thành một lề thói xấu, một sự lãng phí không cần thiết, đồng thời tác động tiêu cực đến sức khỏe và hiệu quả công việc của nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị.

Có những người vẫn giữ quan niệm, trong các cuộc vui, cuộc nhậu phải uống thật say, như thế mới hết lòng với gia chủ, mới được bạn bè nể trọng. Từ đó cũng sinh ra việc lấy rượu làm thước đo về sự nhiệt tình trong các buổi tiệc. Khi một ai đó được người khác mời rượu, mà bản thân người đó từ chối thì sẽ nhận vô vàn những chỉ trích, khiêu khích. Ai cũng hiểu việc uống quá chén sẽ dẫn tới nhiều hậu quả, thế nhưng vì cả nể, vì sĩ diện mà họ lại tặc lưỡi cố uống. Cũng từ đó dẫn tới nhiều trường hợp uống say, mời ép nhau lời qua tiếng lại, rồi nảy sinh các mâu thuẫn, ẩu đả. Ðó là chưa kể tới việc gây ra các tai nạn giao thông nghiêm trọng sau khi uống rượu, bia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người Việt Nam tiêu thụ rượu, bia vào nhóm hàng đầu thế giới, nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực. Trung bình mỗi năm, một người hơn 15 tuổi tiêu thụ khoảng hơn tám lít cồn từ rượu, bia. Trong khi đó, một số liệu thống kê gần đây của Bộ Y tế cũng cho biết, trong số hàng nghìn người chết vì tai nạn giao thông hằng năm ở nước ta thì có đến hơn 40% trường hợp liên quan đến rượu, bia, trong đó phần lớn là nam giới ở độ tuổi từ 15 đến 49. Ðó là các hệ quả trước mắt, còn về lâu dài, dùng rượu, bia nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc nghiện, bê tha trong lối sống, gây tổn hại sức khỏe và mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm như viêm gan, ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh về thần kinh...

Người xưa có câu: “Tửu bất túy nhân, nhân tự túy” (rượu không làm người say mà tự người ta say) để nói lên ý thức của mỗi người trong dùng rượu và thưởng thức rượu. Mời rượu để thể hiện tình cảm và lòng hiếu khách của gia chủ, đồng thời là một nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, sự lạm dụng rượu, bia và cách mời ép nhau uống rượu, “chuốc rượu” đang trở nên phổ biến như hiện tại là những thói quen và hành vi phản cảm và đáng phê phán. Giữ gìn sức khỏe, vui có chừng mực và văn hóa là sự thể hiện trách nhiệm với bạn bè, với gia đình, xã hội và trách nhiệm với chính mình.

PHAN THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/37911902-vui-co-chung-dung-dung-luc.html