Vui học cùng 'Ô chữ pháp luật'

Tiểu đoàn 1, Trường Sĩ quan Công binh (Binh chủng Công Binh) là đơn vị quản lý nhiều đối tượng học viên khác nhau; mức độ hiểu biết, nhận thức về xã hội nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng của cán bộ, học viên không đồng đều.

Để nâng cao nhận thức pháp luật, tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho cán bộ, học viên, hạn chế thấp nhất các vi phạm kỷ luật thông thường, chấm dứt vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Đảng ủy, chỉ huy tiểu đoàn xác định: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho các đối tượng là nội dung cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; đặc biệt là nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của đơn vị và khả năng, trình độ nhận thức của từng đối tượng học viên. Trong các phương thức thực hiện, mô hình “Ô chữ pháp luật” đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Đoàn viên, thanh niên Tiểu đoàn 1 (Trường Sĩ quan Công binh) học tập với mô hình “Ô chữ pháp luật”.

Nét nổi bật trong công tác TTPBGDPL là Tiểu đoàn 1 đã triển khai mô hình “Ô chữ pháp luật” gắn với thực hiện Ngày Pháp luật trong đơn vị. Thông thường, công tác TTPBGDPL được thực hiện vào Ngày Pháp luật; cán bộ chính trị quán triệt các công văn, chỉ thị, hướng dẫn của trên, các văn bản pháp luật hiện hành trong tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Song, để việc TTPBGDPL đến với bộ đội hằng ngày, trong từng công việc, nhiệm vụ đó được Tiểu đoàn 1 thực hiện thông qua mô hình “Ô chữ pháp luật”. Căn cứ vào nội dung, chương trình trong kế hoạch TTPBGDPL hằng tháng, đội ngũ cán bộ, chính trị nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật và tình hình đơn vị, chuẩn bị câu hỏi và đáp án phù hợp, trình phê duyệt theo phân cấp.

Đại úy Dương Kim Hiếu, Trợ lý Thanh niên Trường Sĩ quan Công binh cho biết: Trên cơ sở nội dung câu hỏi và đáp án đã chuẩn bị, cán bộ phụ trách viết câu hỏi và thiết kế ô chữ trên bản tin để bộ đội nghiên cứu, trả lời. Hằng ngày, trong giờ đọc báo, nghe tin, cán bộ trung đội, đại đội đọc lại câu hỏi và nhận đáp án từ học viên. Trong giao ban thứ sáu hằng tuần, các đơn vị báo cáo kết quả, rút kinh nghiệm việc nghiên cứu, trả lời, nhận thức, hành động của bộ đội tuần trước; đồng thời, phổ biến câu hỏi của tuần tiếp theo. Sau giờ giao ban, ghi rõ đáp án của tuần trước và định hướng câu hỏi của tuần tiếp theo lên bảng tin để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi. Từ những câu hỏi, đáp án đã thực hiện trong tháng, tập hợp thành hệ thống, đưa vào nội dung Ngày Pháp luật của tháng cuối quý bằng hình thức sân khấu hóa, hoặc thông qua tọa đàm, hái hoa dân chủ...

Thông qua thực hiện mô hình, vừa tạo sân chơi lành mạnh trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, vừa tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho đoàn viên, thanh niên. Đơn vị luôn gắn tuyên truyền, giáo dục pháp luật với phong trào Thi đua quyết thắng, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày lễ lớn của quân đội và dân tộc, tạo điều kiện để mô hình “Ô chữ pháp luật” phong phú, đa dạng hơn. Nhờ duy trì tốt mô hình đó, các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khác có hiệu quả thiết thực hơn.

Hầu hết cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhà trường đều có chung nhận định: Việc thực hiện tốt mô hình “Ô chữ pháp luật” đã góp phần quan trọng để Tiểu đoàn 1 nâng cao tính tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, học viên. Nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật của từng đơn vị có nhiều chuyển biến tiến bộ, không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông chuyển biến rõ nét. Kết quả đó là nền tảng quan trọng để đơn vị nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; tạo sự đoàn kết, thống nhất cao; xây dựng tổ chức đảng TSVM, đơn vị VMTD.

Bài và ảnh: HIẾU DƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/vui-hoc-cung-o-chu-phap-luat-553018