Vui như đụng lợn ngày Tết

'Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà'… Nhắc đến tục 'đụng lợn' là nhắc đến cả một ký ức tuổi thơ những ngày Tết của rất nhiều người sinh ra ở những miền quê. Tết ở làng quê là những phiên chợ làng, là hình ảnh nhà nhà tất bật với nồi bánh chưng xanh và thú vị hơn nữa là sự háo hức của cả xóm, cả họ trong ngày đụng lợn đón tết. Cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà ở các vùng quê Việt lại rôm rả chuyện đụng lợn.

Dù đã trưởng thành và sống xa quê, nhưng với nhiều người, mỗi dịp Tết đến, câu đầu tiên mà họ thường hỏi bố mẹ trước khi về quê ăn Tết là “năm nay nhà mình đụng lợn có to không?” và háo hức chờ ngày về quê để tham gia vào bữa tiệc “đụng lợn”.

Những ngày cuối năm, nếu về ăn Tết ở làng, những người con xa quê sẽ cảm nhận rõ rệt sự đoàn kết cộng đồng và tình làng, nghĩa xóm bình dị mà thấm thía, sâu sắc qua tục “đụng lợn”. Xóm làng vang lên tiếng dao, thớt, tiếng chày cối giã giò. Không khí làng quê ngày tất niên nhộn nhịp, sôi động và thật đầm ấm. Khắp các ngõ ngách trong làng vướng vất mùi thịt luộc, mùi chả nướng... Không khí ngày Tết, lo Tết như dồn nén từ những ngày tháng Chạp đến chiều 29, 30 Tết được bung trào qua mùi thức ăn thơm nức trong không gian làng quê.

Thường thì “ăn đụng” thịt lợn là một trong những việc được quan tâm đầu tiên từ trước Tết cả tháng trời. Những gia đình khá giả, đông con thường một mình thịt một con lợn, còn đa số các gia đình trong làng lựa chọn cách ăn đụng. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người làng đã bàn tán xôn xao xem lợn nhà nào ngon, lợn nhà nào có thể ăn đụng được. Thường thì những gia đình anh em, họ hàng hoặc những người láng giềng, gia đình bạn bè thân thiết cùng nhau “ăn đụng”.

Những con lợn được chọn để ăn đụng thường to vừa vừa, và không phải là lợn mỡ. Loại lợn mà mọi người thích ăn đụng nhất là “lợn cọc”, tức là những con chậm lớn. Nhiều con tốn cám tốn bã nuôi cả năm trời mà cũng chỉ được ba bốn chục cân. Những con loại này có nhiều nạc, ít mỡ, chắc thịt không phải loại lợn mà cánh lái buôn, thợ mổ ưa chuộng vì ít lời lãi nhưng lại thường được rất nhiều nhà đăng ký ăn đụng vào dịp Tết. Thường thì ngay từ đầu năm, các gia đình đã mua chung một con lợn ưng ý nhất để thịt hoặc trong năm sẽ cắt cử một gia đình nào đó nuôi một con lợn để dành đến Tết. Nuôi lợn Tết cũng khác với nuôi vỗ béo để bán, tức là lợn phải được nuôi bằng rau, cám gạo, có khi thả rông ở vườn… thì thịt mới nạc, mới ngon.

Ngày mổ lợn “ăn đụng”, không khí Tết thật rộn ràng. Lợn mổ ăn đụng thường vào ngày 29 hoặc 30 Tết để đảm bảo được một công hai ba việc: buổi sáng làm thịt lợn để buổi chiều có thịt gói giò, nấu đông, gói bánh chưng và làm cơm cúng tất niên.

Từ khi trời còn tinh mơ đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc khắp làng trên, xóm dưới cùng tiếng người gọi nhau í ới. Mỗi người một công một việc, người tay thớt tay dao, người thúng mủng rổ rá, người cắt lá chuối, người chuẩn bị nước sôi… Cánh đàn ông, người đun nước, người cạo lông, người làm lòng. Phụ nữ thì chuẩn bị muối mắm, rổ rá, lá chuối đựng phần. Đám trẻ con bắng nhắng chạy quanh, tranh nhau xí phần đuôi với bong bóng lợn….

Con lợn đụng làm lông xong được ngả ra nong để những người khéo tay pha thịt, lọc xương. Con lợn được chia thành 4 phần lớn gọi là “đùi”. Sau đó, tùy thuộc vào việc có bao nhiêu người đụng và con lợn to hay nhỏ mà người ta lại chia tiếp các đùi đó ra. Nhà nào đông người thì lấy cả một đùi, nhà nào ít người thì lấy nửa đùi hoặc ít hơn. Mọi thứ sẽ được phân ra rất đều nhau căn cứ theo số lượng người ăn đụng từ phần nạc, phần mỡ, phần xương, miếng thủ, miếng tai, miếng lưỡi đến tiết canh, lòng, dồi...

Riêng cỗ lòng, dồi sẽ được luộc thơm phức, phần nước xuýt để nấu cháo, ăn liên hoan ngay tại buổi thịt lợn. Khâu làm dồi lợn cũng khá mất công. Những thịt vụn, mỡ chài, đậu xanh, gạo nếp, rau thơm, nước tiết... được trộn hỗn hợp cùng gia vị và nhồi vào khúc lòng già đã được rửa sạch. Sau khi đúc dồi thường người ta sẽ luộc chín để chia phần. Lòng non làm xong cũng được chia ra từng đoạn và chia cùng với tim, gan cùng các phần nội tạng. Đi ăn đụng lợn ngày Tết, phần không ít người nghĩ tới đó là tiết canh. Tiết được hãm riêng ở một cái liễn sứ, mọi người mang cái đựng nhà mình đến để chia nhau. Con lợn của nhà nào mà hãm hỏng tiết canh thì ai cũng tiếc hùi hụi...

Sự quây quần, sum tụ đông vui khi “đụng lợn” vì thế như khúc nhạc dạo đầu cho Tết bởi không khí tưng bừng và háo hức. Cũng ở đây, nét đặc trưng văn hóa của người Việt được thể hiện rất rõ: văn hóa làng xã. Nói như giáo sư, Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, nhà văn hóa học hàng đầu Việt Nam, “đặc trưng văn hóa điển hình nhất của Tết Nguyên đán là nếp sống cộng đồng. Tết đến, người ta lại tìm hàng xóm, bạn bè, họ hàng… để chung nhau giết lợn”. Điều này xuất phát từ đời sống của vùng đồng bằng chiêm trũng, gắn với mùa màng lúa nước, cần nhiều nhân lực và bội thu hay thất bát đều phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên đã kéo người ta xích lại gần nhau, đoàn kết với nhau: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”; “cả bè hơn cây nứa”; “tướng chuộng nhiều quân, dân chuộng nhiều người”…

Những năm gần đây, đời sống nhà nhà đã khá giả, nhu cầu sử dụng, dự trữ thực phẩm ngày Tết giảm và hàng hóa phong phú với nhiều loại thức ăn chế biến sẵn nên tục đụng lợn vào dịp Tết ở nhiều nơi đã mai một dần. Nhưng rất nhiều gia đình ở các miền quê vẫn duy trì tục đụng lợn để có thêm không khí Tết. Bởi “đụng lợn” không chỉ là một tập quán ở miền quê trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thực phẩm khan hiếm mà nó còn mang đậm bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa làng xã của người Việt, đó là sự đoàn gắn bó giữa xóm giềng, họ mạc, là sự hỗ trợ nhau cùng chung vui mỗi khi Tết đến xuân về…

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/vui-nhu-dung-lon-ngay-tet-d89936.html