Vui như Tết

Từ xửa từ xưa, người Việt đã có câu 'Vui như Tết'. Vậy thì Tết xưa vui như thế nào, cũng là dịp Tết đến để cùng nhau hiểu thêm về một nét đẹp độc đáo trong tâm thức người Việt. Tết là dịp được ăn, được chơi, được tặng quà và nhiều nghi lễ được bảo tồn và gợi lại truyền thống dân tộc. Chẳng thế mà, trong nhịp sống hiện đại, có lúc có ý kiến cho rằng nên… bỏ Tết Nguyên đán, mà nhập vào Tết Dương lịch cho gọn nhẹ, đỡ tốn thời gian, nhưng đã là phong tục thì đâu dễ gì bỏ được?

Đội nhạc cung đình ngày lễ, Tết. Ảnh: Tư liệu

Chẳng ai quy định, nhưng Tết là cuộc chuyển cư vĩ đại, ai cũng muốn về nhà, về quê trước đêm Giao thừa. Vì thế mà bằng bất kỳ phương tiện nào, đường không, đường bộ, đường thủy, từ nơi xa xăm ở đất người đến các vùng miền trong nước, ai cũng hăm hở về quê, mặc cho giá vé tàu xe có tăng cao, mặc cho chen lấn, đôi khi nhếch nhác, nhưng cứ được về quê là vui rồi!

Một trong những phong tục xưa là được nhận quà Tết. Trong từng gia đình thì người lớn mừng tuổi cho trẻ con, một chút ít tiền để vào phong bao lì xì. Rồi mọi người lại chúc Tết và chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ở tầm quốc gia thì có tục lệ Vua ban thưởng và ban yến tiệc. Trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” thời Nguyễn đã chép: Năm 1808, ngày Tết Nguyên đán, vua thưởng cho thân công cùng các hoàng tử 20 lạng bạc, các quan văn võ chánh thất phẩm 10 lạng bạc, tòng nhất phẩm 9 lạng bạc, chánh nhị phẩm 6 lạng, tòng nhị phẩm 5 lạng. Hoàng đế Minh Mạng cũng ăn Tết cùng các quan trong triều, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Đối với người 80 tuổi trở lên cấp cho 1 súc vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên cấp cho 1 súc lụa, 2 phương gạo; người 100 tuổi trở lên cấp cho 2 súc lụa, 1 súc vải, 3 phương gạo.

Đặc biệt, đối với lính biên phòng hay các “biền binh” đóng ở nơi hiểm yếu không về nhà được thì có sự quan tâm đặc biệt: Năm Tự Đức thứ 32 (1879), vua truyền chỉ cho số các viên biền binh lính thợ hiện trấn giữ các đồn lũy Thuận An, Tư Hiền, Hòa Quân, Lộ Châu, Triều Sơn, Thủy Tú, Phổ Lợi, Quy Lai và Thuận Hòa, hàng năm vào Tết Nguyên đán được chuẩn ban yến tiệc và theo lệ, tiền chiết cấp có mức độ khác nhau.

Có lẽ, một trong những nét đẹp của các triều đình Đại Việt và Đại Nam xưa: Tết là dịp ban thưởng cho thuộc cấp, chứ không phải ngược lại là dịp biếu quà cho vua và cấp trên.

Thế Miếu ở Thừa Thiên Huế là nơi các vua Nguyễn thường đến dâng hương cho tổ tiên. Ảnh: Trịnh Sinh

Trong nhân gian, Tết là dịp để ăn uống thỏa thích những… thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng. Tục ngữ có câu: “Đói muốn chết, ba ngày Tết cũng no”, để rồi trong năm lại phải cật lực làm việc “Đi cày ba vụ, không đủ ăn ba ngày Tết”. Thế mới biết, với người nông dân xưa, Tết quan trọng thế nào với họ.

Người Việt có một phong tục đẹp trong dịp Tết là “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ về những người sinh thành và giáo dưỡng “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Đó cũng là dịp đi tảo mộ, đi lễ chùa để tưởng nhớ tổ tiên. Ngày 30 Tết có mâm cỗ mời ông bà đã khuất về ăn Tết. Người Việt không coi chết là dấu chấm hết của đời người, mà chỉ là chuyển sang một thế giới khác để sống, vì thế, phải cần đến mọi phương tiện sinh hoạt sản xuất. Đó chính là cung cấp cho các cụ những ô tô, tàu bay, cả nàng hầu và vàng bạc nữa. Vì thế mà có tục đốt vàng mã, đốt cả người đẹp bằng giấy giúp các cụ… vui như Tết ở nơi quê mới.

Tết trong cung đình là dịp Hoàng tộc gặp gỡ với văn nghệ sĩ, cùng nhau sáng tác thơ ca, có nhiều ông Hoàng, bà Chúa giỏi thơ văn như: Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu, Công chúa Mai Am, Công chúa Huệ Phố… Bên cạnh đó, có thú vui thanh tao trong cung là nghe hát tuồng, hát bài chòi, gieo xúc xắc, tổ tôm, ném phi tiêu…

Đối với người dân, Tết là dịp nông nhàn, đem lại cho họ thời gian nghỉ ngơi: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Một nhà buôn người Anh là ông Samuel Baron khi đến nước ta vào khoảng năm 1768-1785 đã rất ngạc nhiên khi viết về Tết là ngày hội lớn nhất của năm, kéo dài tới tận 30 ngày là điều không thể có ở châu Âu.

Tết xưa, người Việt không có nhiều phương tiện thưởng thức nghe nhìn hiện đại như ti vi, điện thoại, chiếu phim như hiện nay. Họ chỉ có thú vui chơi tranh dân gian. Gần đến Tết, các làng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống nhộn nhịp hẳn lên. Ví dụ, ở làng Đông Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), các thuyền buôn khắp nơi chở gạo, cá, mắm, muối… từ khắp các tỉnh đổ về để đổi lấy các bó tranh Tết đem về. Thuyền đỗ san sát bến Hồ, nhộn nhịp một khúc sông Đuống.

Tranh dân gian hợp với túi tiền của mọi người, lại đẹp sặc sỡ, như một tín hiệu báo tin Tết đến rồi. Trong cái toàn cảnh làng quê Việt đậm một gam màu nâu của tranh tre, nứa lá, cột gỗ tường đất, quần áo nâu sồng là những màu “chìm” thì các bức tranh sặc sỡ, gam màu “nổi” được tạo bằng màu đỏ son từ núi Thiên Thai, màu đen từ than tre, màu vàng từ hạt dành dành, màu xanh gỉ đồng đã là tín hiệu chắc chắn cho một năm mới, những niềm hy vọng mới bắt đầu.

“Rồng rắn lên mây” - trò chơi phổ biến trong mỗi dịp Tết xưa. Ảnh: Tranh dân gian Đông Hồ

Tranh dân gian đã đẹp mà nội dung trong tranh lại càng đẹp hơn, nói lên tâm thức của người làm nông nghiệp trồng lúa nước. Có nhiều bức tranh ghi lại các trò chơi dịp Tết mà đến ngày nay, nhiều trò vẫn còn là vốn quý di sản dân tộc như: trò đánh đu, bịt mắt bắt dê, đánh cờ, rồng rắn lên mây, chọi trâu, chọi gà, chơi tổ tôm, bắt chạch trong chum… Một số trò chơi còn thấy trong tranh dân gian mà đến nay không còn phổ biến nữa như trò chơi liếm chảo, leo cột mỡ, chăn kiến…

Cuộc sống hiện đại cứ vùn vụt qua nhanh, chúng ta đã hội nhập sâu vào nhiều mặt của thế giới, nhất là về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bộ mặt làng quê Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng, khang trang, nhưng Tết vẫn là… Tết, vẫn vui như Tết. Hàng năm, người người vẫn cứ ùn ùn về quê rồi lại ùn ùn ra phố. Cứ như một trận đánh, chớp nhoáng chỉ ở trong một thời điểm duy nhất của năm, để rồi gặp nhau ăn một bữa cơm đoàn tụ, thắp một nén hương thơm trước bàn thờ tổ tiên, chơi một trò chơi dân gian… Thế mới là phong tục, thế mới là hồn cốt lưu lại trong một góc tâm thức người Việt.

Tôi đã ăn Tết ở Mỹ với bà con người Việt xa quê. Cái Tết với họ cũng rất thiêng liêng. Hành trang mà họ mang đến vùng đất mới không thể thiếu được là bàn thờ ông bà, cha mẹ, phong tục tín ngưỡng, tiếng Việt và dĩ nhiên là cả những ngày Tết thiêng liêng, vui và cũng đôi chút ngậm ngùi vì xa quê lâu ngày.

Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vui-nhu-tet-post458325.html