Vui với pháo hoa Xuân Mậu Tuất

Ban Bí thư vừa có Chỉ thị về việc tổ chức Tết năm 2018 với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó đáng chú ý có việc tổ chức bắn pháo hoa không dùng ngân sách nhà nước.

Nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư nêu rõ: Để đáp ứng nhu cầu của nhân dân vui Xuân, đón Tết, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương, với tinh thần tiết kiệm, tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.

Trước đây, khi chưa bị cấm đốt pháo nổ thì mỗi dịp năm hết tết đến nhà nhà dù giàu có no đủ hay nghèo khó đến mấy cũng phải sắm ít nhất một bánh pháo để đốt vào thời điểm giao thừa. Nhưng vì an toàn sức khỏe của người dân cũng như an toàn cháy nổ, từ năm 1995 việc đốt pháo trong mỗi hộ gia đình đã bị cấm và người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành. Mặc dù khi bắt tay vào thực hiện thời gian đầu đã có không ít ý kiến cho rằng khó thực hiện bởi việc đốt pháo giao thừa đã trở thành thói quen, ăn sâu vào quan niệm, như: xua đuổi tà ma hay những điều xui xẻo của năm cũ, mong muốn một năm mới tốt đẹp…

Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà các cảnh tai nạn thương tâm có thể “cướp” đi cái tết an lành, yên vui của không biết bao gia đình không còn nữa và ai cũng nhìn thấy được thì việc cấm đốt pháo đã được người dân ủng hộ. Thay vào tiếng pháo nổ là những màn pháo hoa rực rỡ nhiều sắc màu tại những nơi công cộng để người dân được hưởng niềm vui chào đón năm mới và thể hiện ước vọng tâm linh. Chẳng thế mà mỗi dịp giao thừa, những địa điểm bắn pháo hoa luôn đông kín người. Nếu ai không thể đi ngắm pháo hoa tận nơi thì cũng cố chọn một chỗ đứng để có thể nhìn trực tiếp chùm ánh sáng đầy màu sắc lung linh đó.

Những chùm pháo hoa nhiều màu sắc trong thời khắc giao thừa đã được nhiều người gửi gắm ước nguyện tốt đẹp. Ảnh: Minh Khánh.

Tết năm 2017, với chủ trương dành kinh phí bắn pháo hoa để chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách, gia đình vừa trải qua thiên tai… chúng ta đã không bắn pháo hoa. Để “lấp vào chỗ trống” đó là các chương trình vui chơi giải trí: ca nhạc, trình chiếu màn hình 3D…

Việc không bắn pháo hoa dịp tết nguyên đán trong khi còn đó những mảnh đời chưa có cái tết trọn vẹn, những mảnh đời trong phút chốc bỗng trắng tay vì thiên tai vừa đi qua. Với tinh thần “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” Tết nguyên đán năm 2017 các tỉnh, thành đã không bắn pháo hoa, đón Tết trong tinh thần tiết kiệm, chia sẻ với người nghèo.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tỏ ra tiếc nuối vì không được ngắm pháo hoa trong thời khắc giao thừa.

Tại Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018 đã đưa ra những “điều kiện mở” cho mỗi địa phương để có thể tiếp tục thực hiện việc bắn pháo hoa dịp Tết phù hợp với điều kiện, khả năng của từng nơi. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ không dùng để bắn pháo hoa như các năm trước.

Như vậy, nếu các tỉnh, thành muốn duy trì bắn pháo hoa dịp Tết thì phải kêu gọi xã hội hóa và phải “liệu cơm gắp mắm” để xem có thể bắn được hay không, nếu bắn được thì sẽ có bao nhiêu điểm. Ngược lại, nếu không huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa thì việc bắn pháo hoa sẽ tạm dừng.

Có thể nói, Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết 2018 là mềm dẻo, linh hoạt, được sự đồng thuận của nhiều người. Bởi việc bắn pháo hoa không sử dụng ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm ngân sách, tránh được luồng ý kiến cho rằng việc đồng loạt bắn pháo hoa trên cả nước sẽ gây lãng phí trong khi đất nước còn nghèo, còn nhiều việc phải lo toan. Hơn nữa, kêu gọi xã hội hóa sẽ đồng thời kêu gọi được sự ủng hộ của các “mạnh thường quân” cùng tham gia, chia sẻ, có trách nhiệm với hoạt động cộng đồng. Mỗi người cùng chung tay, góp sức thì tích tiểu sẽ thành đại, sẽ có một cái tết không chỉ về vật chất mà còn có nghĩa tinh thần.

Ai cũng cố tìm một chỗ để được ngắm pháo hoa giao thừa. Ảnh: Minh Khánh.

Có người đặt lại câu hỏi, tại sao lại hi vọng, trông chờ nguồn kinh phí xã hội hóa từ các “mạnh thường quân” và coi đó như một trách nhiệm. Là bởi các mạnh thường quân sinh sống, làm ăn… thậm chí cả may mắn trở thành người thành đạt, có kinh tế mạnh trên mảnh đất này thì không chỉ biết “nhận” mà phải biết “cho”, biết chia sẻ với cộng đồng, giúp đỡ, làm từ thiện… thì mới thấy đồng tiền mình làm ra thật nhiều ý nghĩa chứ không chỉ ở giá trị vật chất.

Những tín hiệu vui đầu tiên đã xuất hiện khi TP. Hồ Chí Minh đã gửi văn bản xin phép Thủ tướng tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2018 và cam kết đúng theo Chỉ thị của Ban Bí thư là không sử dụng ngân sách nhà nước, toàn bộ kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Hi vọng sẽ có nhiều thành phố tiếp tục thực hiện cách làm như vậy để cái Tết cận kề được vui tươi, ấm áp, tiết kiệm, an lành với mong muốn điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thoi_su/vui-voi-phao-hoa-xuan-mau-tuat-268739.html