Vun đắp sức mạnh nội tại

TS. Bùi Trinh. Trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển năm 2024, đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, một mục tiêu đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao. Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu đề nghị Chính phủ thực thi hiệu quả các giải pháp nhằm củng cố, vun đắp năng lực nội sinh của nền kinh tế. Bài viết này so sánh một số chỉ số kinh tế cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc, với hàm ý giải thích thêm, vì sao yêu cầu các đại biểu Quốc hội đặt ra lại hết sức quan trọng với đất nước.

Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực kinh tế thứ nhì thế giới. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có chung đường biên giới 1.281km. Quan hệ thương mại giữa hai nước như một sự tất yếu và nếu có chính sách đúng thì có lợi cho sự phát triển của cả hai.

Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại, Việt Nam luôn bị thâm hụt, phía Trung Quốc luôn có thặng dư và tình trạng này ngày càng trầm trọng. Nếu năm 1995, Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc 32 triệu USD thì năm 2015, tức là sau 20 năm, Việt Nam thâm hụt thương mại về hàng hóa với Trung Quốc lên tới 27 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng mạnh lên 51 tỷ USD. Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 60% đầu vào của sản xuất, hơn 30% cho tích lũy tài sản (bao gồm tài sản cố định và thay đổi tồn kho), và chỉ gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Điều này xảy ra là đương nhiên, do Việt Nam không có sản phẩm phụ trợ.

Tính toán dựa trên bảng cân đối liên ngành (I/O) của hai nước cho thấy, cùng với 100 đồng giá trị sản xuất, Trung Quốc tạo ra 32 đồng giá trị tăng thêm, còn Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Tỷ lệ này cho thấy, nền sản xuất của Việt Nam không hiệu quả bằng Trung Quốc, hoặc là một nền kinh tế gia công sâu hơn Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong chi phí trung gian, tỷ lệ sản phẩm đầu vào nhập khẩu của Việt Nam lớn hơn hẳn của Trung Quốc (0.29 so với 0.08). Như vậy có nghĩa, Trung Quốc sản xuất ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tham gia vào chi phí trung gian trong quá trình sản xuất, trong khi Việt Nam chỉ có bao bì, dịch vụ, điện, nước. Ngoài ra, trong chi phí trung gian, Việt Nam có 8% đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc, còn Trung Quốc chỉ sử dụng 0,1% đầu vào là sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy mức độ quan trọng của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với nền sản xuất của Việt Nam lớn hơn hẳn chiều ngược lại. Sự lệ thuộc này rất đáng lưu tâm.

Xem xét về hệ số co giãn giữa lao động và vốn của hai quốc gia, Việt Nam cần một lượng vốn cao hơn Trung Quốc khá nhiều mới tạo ra được tăng trưởng. Tuy nhiên có một nghịch lý là, tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc khá nhiều (22% so với 44%) nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao, không kém Trung Quốc bao nhiêu. Giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam tăng trưởng bình quân là 6,1%, còn Trung Quốc khoảng 7%. Nghịch lý này chỉ có thể lý giải là do năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam cao hơn Trung Quốc - nhưng đây dường như cũng lại là một nghịch lý? Vậy những nhân tố nào ảnh hưởng tới năng suất nhân tố tổng hợp và phải chăng tăng trưởng của Việt Nam dựa khá nhiều vào khu vực FDI?

Tính toán các kịch bản khi có sự tổn thương về thương mại giữa 2 quốc gia cũng cho thấy phía Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn Trung Quốc rất nhiều.

Tất cả dữ liệu cho thấy Việt Nam lún sâu vào sự phụ thuộc trong quan hệ thương mại với Trung Quốc từ nhiều năm nay. Hơn bao giờ hết, vào thời điểm này, việc thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, Việt Nam không chỉ tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, mà cần thực chất, hiệu quả để từ đó vun đắp sức mạnh nội tại, là có ý nghĩa lịch sử với đất nước ta.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/vun-dap-suc-manh-noi-tai-i349717/