'Vùng an toàn' Syria: Mỹ nhường, Thổ lấn tới bao chiếm

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đưa yêu sách mở rộng 'vùng an toàn' ở miền Đông Syria và liên tiếp yêu cầu Mỹ chấp thuận.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 12/8 đã gửi đi thông điệp yêu cầu mới nhất về kế hoạch "Vùng an toàn" tại miền Bắc Syria.

Theo đó, Bộ trưởng Akar cho rằng "Vùng an toàn" sẽ chỉ thực sự an toàn nếu bề rộng của khu vực này được gia tăng. "Hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất bề rộng khoảng 20-25km tính từ đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào phía Syria. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng điều này không thỏa đáng" - ông Akar cho biết.

"Vùng an toàn tại Syria có lẽ cần đến 30-40km. Đây chính là định hướng mà chúng tôi mong muốn Mỹ sớm chấp thuận. Đây là điều cần thiết để mối quan hệ giữa Ankara và Washington được tốt đẹp" - Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Ông Akar nói thêm: "Trong trường hợp Mỹ không đồng ý, chúng tôi vẫn có kế hoạch B và C. Tuy nhiên, Ankara sẽ rất vui lòng nếu Washington chấp thuận hợp tác với chúng tôi về một vùng an toàn có kích thước lớn hơn".

Đoàn xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước lấn tới trong chiến dịch vùng an toàn của họ. Hồi đầu năm 2019, lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khái niệm vùng an toàn ở Syria. Theo đó, họ sẽ cho quân đội chiếm đóng phần diện tích Syria khoảng 15km kể từ đường biên giới của hai nước.

Địa giới bắt đầu vùng an toàn này được xác định từ phía bờ đông sông Euphrates cho đến hết lãnh thổ Syria về hướng Đông. Tuy nhiên, thời điểm đó Mỹ đặc biệt phản đối kế hoạch này, bất chấp việc Washington tuyên bố sẽ rút quân hoàn toàn ở Syria.

Đến tháng 6/2019, Ankara tiếp tục nhắc lại vấn đề về vùng an toàn. Thời điểm đó, hai bên đang mâu thuẫn nghiêm trọng khi Ankara quyết tâm mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và coi nhẹ mọi đe dọa trừng phạt hay rạn nứt quan hệ đồng minh từ Mỹ. Thậm chí, Ankara còn gửi đi đề nghị mời Nga cùng tham gia vào vùng an toàn của mình.

Đến tháng 8/2019, Washington đã thống nhất về kế hoạch này của Ankara. Hai bên vừa chấp thuận cho một khu vực có bề rộng 25km, với sự tham gia của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tâm chỉ huy chiến dịch "Vùng an toàn" này sẽ được đặt tại biên giới hai nước Thổ-Syria.

Tuy nhiên, khi Mỹ vừa gật đầu với Thổ, Ankara tiếp tục yêu cầu một kích thước lớn hơn. Cần chú ý rằng khu vực Ankara mong muốn chiếm đóng đang thuộc quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).

Nếu chấp thuận với Ankara, Washington trực tiếp tạo ra một vùng đệm giúp Thổ có bàn đạp theo đuổi các chiến dịch quân sự vào SDF với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn sức kháng cự của người Kurd - chủ lực của lực lượng này.

Phương án B và C mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắc tới cho thấy họ sẽ quyết tâm theo đuổi kế hoạch của mình, bất chấp việc Mỹ có đồng ý hay không. Như vậy, Washington đã có sự nhún nhường nhất định với đồng minh của họ, nhưng ngược lại, Ankara tiếp tục lấn tới.

Bài tính lúc này của Tổng thống Erdogan đã rất rõ ràng: tại phía Bắc và Tây Bắc Syria, Ankara có sức ảnh hưởng đặc biệt. Họ có trong tay nhiều nhóm phiến quân, được cung cấp vũ khí hiện đại, đào tạo, huấn luyện bài bản.

Vùng an toàn được thiết lập do quân đội Mỹ và Thổ cùng kiểm soát (Arab News)

Kết hợp với Vùng an toàn ở phía Đông và Đông Bắc, Thổ Nhĩ Kỳ có một vùng đệm rộng lớn, kiểm soát toàn bộ dải diện tích phía Bắc Syria, giáp với biên giới phía Nam - Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là vùng đệm chiến lược, tiến lên có thể tấn công người Kurd ở phía Đông Syria, lui về có thể thủ thế, không để lực lượng người Kurd tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại đây, Ankara cũng có thể chia cắt và kiểm soát sự phối hợp của cộng đồng người Kurd Syria với nhóm sắc tộc tự trị này ở Iraq. Đồng thời, với những vùng đã được phong tỏa, chiếm đóng và quyết tâm thôn tính, Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng có những quân bài giá trị để mặc cả với Nga và Syria để mưu tính những lợi ích chính trị lâu dài của họ thời hậu chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Chưa kể đến những giá trị lợi ích mà Thổ Nhĩ Kỳ nhận được từ các hoạt động buôn bán dầu thô chợ đen với các nhóm phiến quân tại Syria. Điều này cho thấy Vùng an toàn là chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ bằng mọi giá phải thực hiện để bảo vệ lợi ích sát sườn của mình.

Đến lúc này, Nga ngược lại đang tỏ ra im lặng. Kể từ đầu tháng 8/2019, Moscow không đưa ra những yêu cầu Ankara phải rút quân. Thay vào đó, họ chỉ yêu cầu các nhóm phiến quân tôn trọng và thực hiện thỏa thuận ngừng bắn mới có giữa quân đội Syria - Nga với các nhóm phiến quân và khủng bố ở Idlib, Hama, Aleppo...

Theo các chuyên gia nhận định chiến lược tổng quan của Moscow đang muốn đóng băng hiện trạng chiến trường phía Syria để tìm giải pháp hòa bình tích cực nhất.

Còn chính quyền Damascus vẫn tiếp tục phản đối Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm lãnh thổ của họ. Đây là biện pháp ngoại giao cần thiết: Syria vẫn phải khẳng định, phải tuyên bố họ là một quốc gia có chủ quyền, và dù Thổ có chiếm đóng phần diện tích nào, đó cũng là hành động hoàn toàn trái phép.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vung-an-toan-syria-my-nhuong-tho-lan-toi-bao-chiem-3385540/