Vùng biên ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi như thế nào?

Trước nguy cơ cao xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, đặc biệt là từ Trung Quốc, các địa phương có biên giới giáp Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh khẳng định triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhiều nước trên thế giới đã phải mất tới 20-30 năm để giải quyết dứt điểm dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông và ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày 14/9, tại Hà Nội, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh có tuyến đường bộ ven biển dài trên 200km. Các tỉnh tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đi qua tuyến đường này khá nhiều.

Ở đất liền, ngoài các cửa khẩu, Quảng Ninh còn có các lối nhỏ, đường mòn biên giới nên nguy cơ nhập lậu hàng hóa khá cao. Tuy nhiên, với các loại dịch bệnh nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng, tỉnh luôn chủ động trong phòng chống.

"Mỗi địa bàn có đặc thù khác nhau. Với Quảng Ninh, quan trọng nhất là phòng nhập lậu, thẩm lậu qua biên giới. Quảng Ninh tập trung ngăn chặn đầu vào, tăng cường kiểm tra, giao nhiệm vụ cho địa phương và lực lượng chuyên trách. Sau hội nghị, tỉnh sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn kể cả tuyến ven biển, tuyến biên giới, dọc quốc lộ. Nếu phát hiện dịch bệnh, tỉnh sẽ cố gắng khoanh vùng, dập dịch", ông Hậu nói.

Cũng theo ông Hậu, phòng dịch là nhiệm vụ của cơ sở, địa phương. Công tác truyền thông phải làm tốt. Đó là một số việc Quảng Ninh đã, đang và sẽ làm. Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT khuyến cáo Bộ công an tăng cường chỉ đạo, phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh. Các lực lượng như Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan, cơ quan phòng chống buôn lậu... cần có sự phối hợp chặt chẽ. "Quảng Ninh quyết tâm cao không để xảy ra tình trạng mầm mống dịch bệnh qua địa bàn của tỉnh", ông Hậu nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề ngăn ngừa xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi qua đường biên giới, ông Lý Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tình trạng buôn lậu nói chung, nhập lậu sản phẩm động vật qua biên giới nói riêng có thời điểm diễn biến phức tạp nên tỉnh luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

"Từ đầu năm đến nay, chưa có doanh nghiệp, cá nhân nào làm thủ tục nhập khẩu lợn và sản phẩm từ lợn đi qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Trước đây, Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm ngăn chặn dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc. Chúng tôi sẽ phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã làm được trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi", ông Vinh cho hay.

Thực tế, ngay từ cuối tháng 8 vừa qua, Lạng Sơn đã tăng cường, kiểm soát chặt biên giới. Đặc biệt là sau khi có công điện của Bộ NN&PTNT và của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ngăn chặn xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Tỉnh đã đẩy mạnh kiểm soát vận chuyển hàng hóa qua đường mòn lối mở và cửa khẩu. Tại các cửa khẩu chính, việc tăng cường kiểm soát được tiến hành với cả người lẫn hàng hóa, phòng tình trạng giấu sản phẩm động vật trong các loại hàng hóa khác. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng tổ chúc đoàn kiểm tra tại địa bàn trọng điểm tuyến biên giới, nhất là các đường mòn lối mở.

"Dự kiến, sang tuần tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ ban hành Kế hoạch phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn. Chúng tôi cũng thực hiện quyết liệt tháng tiêu độc khử trùng. Lạng Sơn nhận thức rõ nguy cơ khả năng dịch bệnh. Chúng tôi không chủ quan mà tiếp tục tăng cường hơn nữa", ông Vinh khẳng định.

Tổng cục Hải quan đã có công văn hỏa tốc gửi cục hải quan các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn.

Về thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu, hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản; chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch.

Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vung-bien-ngan-ngua-dich-ta-lon-chau-phi-nhu-the-nao.aspx