Vùng cao Nam Giang khởi sắc từ xây dựng đời sống văn hóa

Đến nay, hơn 85% gia đình, 92% thôn, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 63/63 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng... là những nỗ lực của cán bộ và nhân dân huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) trong việc thực hiện phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'...

Đến nay, hơn 85% gia đình, 92% thôn, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 63/63 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng... là những nỗ lực của cán bộ và nhân dân huyện miền núi Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Cơ Tu luôn được bảo tồn và phát huy.

Nằm ở phía Tây của tỉnh, H. Nam Giang là vùng cao với sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào Cơ Tu chiếm hơn 70% dân số. Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được Huyện ủy, UBND chỉ đạo thực hiện toàn diện như một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và người dân về mục đích ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển KT-XH địa phương.

Xác định “Gia đình văn hóa” là một trong các danh hiệu đầu tiên để tiếp tục thực hiện các danh hiệu khác như “Thôn văn hóa”, “Tộc văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt”… Do vậy, Ban chỉ đạo phong trào của H. Nam Giang đã đẩy mạnh tập trung vận động các Hội, đoàn thể và người dân cùng tham gia xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc tiến bộ, phát triển kinh tế. Các nội dung tiêu chí xây dựng "Gia đình văn hóa" được triển khai thường xuyên thông qua hoạt động tích cực của Ban chỉ đạo ở cơ sở, các Hội, đoàn thể. Các địa phương như Tà Bhing, Thạnh Mỹ, Cà Dy, Tà Pơơ có nhiều cách làm hay trong việc thực hiện xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều gia đình đã thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi; chấp hành tốt quy định về việc cưới, việc tang, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ANTT trong thôn, xã.

Năm 2018, toàn huyện có 28 gia đình tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là tấm gương tiêu biểu cho cộng đồng được UBND huyện khen thưởng. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" đã làm cho mọi nhà, mọi người đoàn kết, răn dạy con cháu hiếu thảo, hòa thuận và nhất là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với việc triển khai các nội dung của phong trào, việc đầu tư huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, như: Xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, thị trấn, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn gắn với công tác xây dựng cơ sở vật chất nông thôn mới... Các thiết chế văn hóa ở thôn là cầu nối chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân; là nơi sinh hoạt chi bộ, các đoàn thể nhân dân; quán triệt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, phổ biến thời sự, khoa học kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục về lối sống, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ ANTT, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ chức các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí tiếp cận thông tin, sáng tạo các giá trị văn hóa của người dân. Mặt khác, các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn H. Nam Giang đã được bê-tông hóa 100%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông dễ dàng, diện mạo hạ tầng khang trang, sạch sẽ hơn…

Nhờ làm tốt phong trào xây dựng văn hóa nên góp phần làm cảnh quan môi trường thôn xóm được xanh, sạch, đẹp, văn minh hơn. Các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu dần dần được đẩy lùi, loại bỏ. Công tác xã hội hóa trong xây dựng, sửa chữa Gươl, Moong, hầu hết các địa phương thực hiện tốt. Năm 2018, toàn huyện có 58/63 thôn đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 92,06%.

Song song với việc phát triển KT-XH, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Nam Giang đã góp phần rất lớn vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây. Làng dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu thôn Zơ Ra (xã Tà Bhing) là điểm sáng trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Nhờ triển khai tích cực, có hiệu quả dự án du lịch dựa vào cộng đồng do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) - Nhật Bản hỗ trợ, hiện nay làng dệt thổ cẩm Zơ Ra đã trở thành điểm đến yêu tích của khách du lịch; người dân nơi đây cùng tham gia làm du lịch cộng đồng, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu. Đồng thời, các mặt hàng dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tham quan, mua sắm. Hiện nay, ngành Văn hóa huyện sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể, như: Nghề dệt thổ cẩm, múa tân tung da dá, nghệ thuật nói lý - hát lý, múa cồng chiêng, các loại nhạc cụ truyền thống… nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.

Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" H. Nam Giang cho biết, Phong trào đã góp phần vào sự phát triển KT-XH của H. Nam Giang. Những kết quả của phong trào này thể hiện sự đúng đắn về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược xây dựng văn hóa, con người, huy động được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, tính cố kết cộng đồng, dòng họ được giữ vững; môi trường văn hóa từng bước lành mạnh, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới; văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội được phát huy, đáp ứng một phần về nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Phong trào đã góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, củng cố nền tảng đạo đức xã hội, lối sống, nếp sống văn hóa phong phú, lành mạnh.

"Trong thời gian đến, H. Nam Giang tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào này gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển KT-XH, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện…"- ông A Viết Sơn khẳng định.

THẢO NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_213509_vung-cao-nam-giang-khoi-sac-tu-xay-dung-doi-song-v.aspx