Vùng đất ám ảnh 'con ma trắng'

Từ lâu, huyện Tương Dương (Nghệ An) được biết đến là một “điểm nóng” về tình trạng buôn bán và sử dụng chất ma túy. Một số người ở đây thậm chí còn ngang nhiên lên núi Pù Huột lấy “hàng trắng” về bán ở bìa rừng, bán ngay tại nhà.

-

Xã Xiêng My, thuộc Tương Dương (Nghệ An) nằm dọc theo tuyến quốc lộ 48C, là điểm giáp ranh giữa các huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Điều kiện vị trí địa lý này đáng lẽ là một cơ hội lớn để Xiêng My mở rộng giao lưu và phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, vùng đất giáp ranh này đang bị “cơn lốc” các tệ nạn xã hội tàn phá, cái đói, cái nghèo luôn luôn rình rập...

Về nơi mua ma túy dễ hơn mua... gạo

Một lần, gặp người bạn ở Xiêng My và hỏi thăm về cuộc sống vùng đất còn nhiều gian khó này, anh trả lời: “Ở đó, lâu nay mua ma túy dễ hơn mua... gạo”.

Dường như biết tôi chưa hiểu rõ, anh giải thích: “Bởi lẽ, khi hết gạo có thể phải đi một quãng đường xa, có khi phải sang xã khác mới mua được. Còn ma túy, chỉ cần bước ra khỏi làng một quãng, thậm chí có thể mua ngay tại làng và giờ nào cũng có”.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là bản Khe Quỳnh, nằm gần chân dốc Pù Huột và giáp ranh với bản Tông, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Lấy cớ đi đường xa, trời nắng nóng, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà trong bản để xin nước và nghỉ ngơi.

Chủ nhà là một người phụ nữ trạc tuổi 40, khuôn mặt gầy gò, hốc hác, đôi mắt trũng sâu. Hỏi chuyện, được biết tên chị là Kha Thị Duyên, chồng là Lô Văn Hòa. Anh chị có 3 người con, 2 cô con gái đã lấy chồng, còn cậu con trai Lô Văn Dũng (SN 1992) đã “dính” vào ma túy từ mấy năm nay.

Mỗi khi lên cơn nghiện, không có tiền mua thuốc, Dũng về nhà lấy lúa, ngô hay bất cứ thứ gì có thể bán được để hút chích. Bố mẹ lên tiếng, Dũng sẵn sàng lấy dao ra hăm dọa hoặc đập phá đồ đạc trong nhà. Vì thế, vợ chồng anh chị đành bất lực trước đứa con trai hư đốn.

Nhiều bản làng ở Xiêng My đang bị tàn phá bởi “cơn lốc” ma túy.

Dũng cũng đã từng đi trại cai nghiện, nhưng trở về vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí, ngày anh Hòa đưa Dũng từ trại về đến bản, Dũng chạy thẳng ra dốc Pù Huột để mua thuốc rồi mới về nhà.

Đã mấy lần anh chị cho Dũng tiền để đi làm ăn xa nhưng lần đi lâu nhất cũng chỉ được khoảng 2 tháng lại trở về và không một xu dính túi. Có khi, cầm 2- 3 triệu để đi nhưng vài ngày sau Dũng lại trở về để tiếp tục hành hạ bố mẹ và người thân.

Kể xong, chị Duyên không nén được tiếng thở dài: “Nhờ cấp trên giúp đỡ gia đình bằng cách đưa thằng Dũng đi cai tiếp, thời gian cai kéo dài 6 - 7 năm hoặc lâu hơn tôi cũng chấp nhận”.

Cạnh nhà chị Duyên là gia đình ông Lương Tân Hợi. Ông Hợi có 5 người con (3 trai, 2 gái) thì có tới 2 người con trai nghiện ma túy. Con trai đầu là Lương Văn Hà nghiện từ 15 năm nay. Con trai thứ 2 là Lương Văn Sơn hiện cũng bị nghiện nặng.

Vì dính vào ma túy nên Sơn phải bán nhà để trả nợ và đang về tá túc tại nhà bố mẹ đẻ. Đau đớn hơn, vì không thể chịu nổi người chồng nghiện ngập, cô vợ của anh đã bỏ nhà đi, để lại đứa con gái chưa đầy 7 tuổi. Giờ đây, hàng ngày Sơn vào rừng đốn gỗ thuê cho các “đầu nậu” để kiếm tiền hút chích.

Anh Lô Văn Ba, Trưởng bản Khe Quỳnh cho biết: “Trường hợp gia đình ông Hợi và chị Duyên chỉ là 2 trong số rất nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh nghèo đói, bất hòa và ly tán vì ma túy.

Riêng bản Khe Quỳnh, hơn nửa số nhà có người nghiện, thanh niên trong bản chỉ còn khoảng 3-5 người không dính vào ma túy, còn lại đã bị “con ma trắng” trói chặt”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết không riêng gì bản Khe Quỳnh, mà các bản khác như bản Chon, Noóng Mò, Piêng Ồ đều bị “cơn lốc” ma túy tàn phá, số lượng con nghiện không ngừng tăng lên.

Ra ngõ gặp... "con nghiện"

Trao đổi với anh Mạc Văn Bửu, Trưởng công an xã Xiêng My, chúng tôi được biết hiện tại toàn xã có tổng số 55 con nghiện. Tuy nhiên, anh Bửu cũng xác nhận đây là con số thống kê chưa đầy đủ, trên thực tế số lượng này có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Còn theo phản ánh của người dân, số lượng người nghiện trên địa bàn phải lên tới hàng mấy trăm. Nếu đúng như vậy thì ở Xiêng My là “ra ngõ gặp... con nghiện”.

Một câu hỏi đặt ra là nguồn “hàng trắng” từ đâu tuồn về để có thể buôn bán và sử dụng tràn lan như vậy? Thượng úy Phan Đình Thái, Công an huyện Tương Dương (phụ trách địa bàn Xiêng My) khẳng định, nguồn “hàng” này được vận chuyển từ bản Vẽ, xã Yên Na; bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (Tương Dương) và từ xã Bình Chuẩn (Con Cuông) về đây tiêu thụ.

Theo nguồn tin từ nhân dân, các đối tượng các vùng khác thường tập kết “hàng” ở khu vực núi Pù Huột, cách bản Khe Quỳnh khoảng 2- 3 km. Lợi dụng địa bàn giáp ranh, núi rừng hiểm trở, nhiều hang động, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy dựng lán trại để tổ chức mua bán, trao đổi “hàng trắng”.

Bọn chúng lập thành đường dây phối hợp hoạt động chặt chẽ, tinh vi và sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” để đe dọa và chống trả lực lượng chức năng hay bất cứ ai chúng nghi ngờ.

Ông Lương Văn Tiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: “Thỉnh thoảng, chúng tôi huy động lực lượng hội viên lên núi Pù Huột phá bỏ lán trại của các đối tượng buôn bán ma túy.

Mỗi lần thấy động, chúng đều rút vào các hang động hoặc bỏ chạy sang phía bên kia núi. Muốn bắt được các đối tượng này cần phải huy động lực lượng lớn, phối hợp chặt chẽ và bất ngờ tấn công”.

Một người dân ở bản Khe Quỳnh cho biết, nhiều người ở đây đã ngang nhiên lên Pù Huột lấy “hàng trắng” về bán ở bìa rừng, thậm chí bán ngay tại nhà. Việc mua bán, trao đổi và hút chích có khi diễn ra ngay ở những đoạn đường vắng.

Để chứng minh điều mình nói, anh bạn này lấy xe máy chở chúng tôi đi dọc quốc lộ 48C hướng lên đỉnh dốc Pù Huột sang địa bàn xã Bình Chuẩn. Đoạn đường từ bản Khe Quỳnh lên đỉnh dốc khoảng hơn 3km, thỉnh thoảng anh bạn lại dừng xe để chỉ những địa điểm các đối tượng nói trên tổ chức mua bán và sử dụng.

Quả thật, cách vị trí anh chỉ không xa, chúng tôi bắt gặp những tốp người cả nam và nữ đang tụ tập. Thấy chúng tôi đi qua, những người này đều dõi theo với ánh mắt dò xét.

Đến đỉnh dốc, chúng tôi dừng lại. Những chiếc xe máy chở 2- 3 người lao qua vùn vụt, anh bạn ghé tai nói nhỏ: “Chúng nó đi hút về đó”. Rồi anh chỉ tay về phía dãy núi đối diện, nơi có nhiều rẫy hoang và rừng rậm. Đó là nơi chúng dựng lên nhiều lán trại để ẩn nấp và trao đổi “hàng trắng”.

Do việc mua bán và sử dụng ma túy diễn ra phức tạp nên tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn không được đảm bảo. Đoạn đường quốc lộ 48C qua khu vực này trở nên rất nguy hiểm. Khoảng thời gian từ 17h đến rạng sáng hôm sau không ai dám một mình qua đây.

Anh Lô Văn Ba, Trưởng bản Khe Quỳnh cho biết thêm: “Không có tiền mua thuốc, các con nghiện có thể trộm cắp bất cứ cái gì, miễn là bán có tiền như đồ đạc, lợn gà...".

Trao đổi về giải pháp ngăn chặn tình hình nêu trên, Thượng úy Phan Đình Thái cho biết: “Từ đầu năm 2012 đến nay, chúng tôi đã bắt được 3 vụ mua bán, vận chuyển ma túy trên địa bàn. Tới đây, chúng tôi tiếp tục thực hiện công tác cai nghiện bắt buộc và tổ chức mật phục các đối tượng mua bán, vận chuyển chất ma túy”.

Trà Ngân

(còn nữa)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/76847/vung-dat-am-anh--con-ma-trang-.html