Vùng đất anh hùng chuyển mình

Xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là nơi nổi tiếng với ruộng lúa, ao sen, vườn cây ăn trái thơm ngọt, hữu tình.

Xã Long Tân (H.Nhơn Trạch) không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là nơi nổi tiếng với ruộng lúa, ao sen, vườn cây ăn trái thơm ngọt, hữu tình.

Các tuyến đường ở ấp Bình Phú, xã Long Tân đã được bê tông hoặc nhựa hóa. Ảnh: Đ.Phú

Chính vì vậy, người dân nơi đây rất hào sảng, đối đãi nghĩa tình với nhau cho dù địa phương đang chuyển mình theo hướng đô thị.

* Trù phú từ ruộng lúa, đến vườn cây

Xã Long Tân từng là vựa lúa của vùng đất Nhơn Trạch - Long Thành, được phù sa của 3 nhánh sông: Đồng Tranh, Đồng Môn, Sông Cái của sông Đồng Nai vun đắp, cùng với hệ thống kênh, rạch tự nhiên rộng trên 43km. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người dân xã Long Tân đã dùng chính những hạt lúa do mình làm ra để nuôi cán bộ, tiếp tế cho cách mạng.

Phó chủ tịch UBND xã Long Tân Phạm Công Bình cho biết, địa phương có diện tích tự nhiên trên 3,5 ngàn ha, dân số gần 3 ngàn hộ, có 3 ấp: Long Hiệu, Bình Phú và Vĩnh Tuy. Từ ngày chia tách ra từ H.Long Thành (vào năm 1994) đến nay, xã Long Tân vẫn giữ vẻ đẹp yên bình của vùng đất lúa, sen, cây ăn trái với gần 1,2 ngàn ha.

“Năng suất lúa tại các cánh đồng xã Long Tân luôn đạt 9-10 tấn/ha/năm, lãi từ 40-50 triệu đồng/ha. Riêng trồng sen lấy củ, gương, ngó và kết hợp với nuôi vịt, thả cá thì lãi từ 100-150 triệu đồng/ha/năm” - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân NGUYỄN MINH BẰNG cho biết.

Cũng theo ông Bình, toàn xã Long Tân hiện còn trên 900ha ruộng, 300ha sen và cây ăn trái các loại như: dâu, mít, xoài, chôm chôm… Mặc dù địa phương đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều vườn rẫy, ruộng lúa, ao sen được quy hoạch thành khu dân cư, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, cầu cảng… nhưng người nông dân trong xã vẫn cần mẫn bám ruộng, ao, vườn cây tạo ra những vụ mùa bội thu và những sản vật phong phú từ nước và đất.

Cuối tháng 3-2023, gió đồng Long Tân không thổi xuyên qua được những bức tường bê tông của ngôi nhà xây nên nông dân Tư Thanh (75 tuổi, ấp Vĩnh Tuy) lang thang ngoài đồng để tận hưởng cái thú nhà nông.

Ông Tư Thanh cho biết, cũng nhờ bám ruộng trồng lúa, sen mà vợ chồng ông đã nuôi được 4 con học đại học. Nay vây quanh những cánh đồng lúa, sen ấp Vĩnh Tuy là khu dân cư, khu công nghiệp, cầu cảng nên gió đồng không còn thổi phần phật buổi trưa hè. Vì lẽ đó, chỉ những người còn yêu ruộng lúa, ao sen như ông mới trụ lại vơi nghề nông, mới còn gió đồng để tận hưởng mỗi ngày. Nhờ vậy, mỗi năm ông cũng kiếm được từ 100-150 triệu đồng.

Đặc sản chuối già Long Tân hiện vẫn được nhà nông địa phương trồng phổ biến. Ảnh: Đ.Phú

Theo các nông dân xã Long Tân, mặc dù ruộng lúa, ao sen, vườn cây của xã Long Tân vẫn còn đó nhưng đất đai của dân địa phương chỉ còn một phần, phần còn lại đang thuộc quyền sử dụng của người dân từ nơi khác hoặc các dự án. Vì quen với ruộng đồng, cuộc sống nhà nông nên một số người dân trong xã thuê hoặc mượn lại đất để sản xuất như: trồng lúa, trồng sen, nuôi vịt, thả cá để có thêm đồng ra, đồng vào và tận hưởng thú điền viên.

Nghề trồng và chế biến sen đang mang lại thu nhập khá cho nông dân xã Long Tân. “Muốn có ao sen tốt, sản phẩm đặc trưng địa phương, ngoài khâu chọn giống, đất trồng, kỹ thuật chế biến còn có sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó của nhà nông” - nông dân Bảy Phẩm (ngụ ấp Bình Phú) bày tỏ.

* Phát huy truyền thống anh hùng

Xã Long Tân có 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 112 liệt sĩ, được vinh danh xã Anh hùng lực lượng vũ trang trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 2000.

Vườn dâu của một hộ dân tại ấp Bình Phú, xã Long Tân đang vào mùa thu hoạch phục vụ du khách đến tham quan. Ảnh: Đ.Phú

Theo lịch sử Đảng bộ xã Long Tân, trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, quân và dân xã Long Tân đã đánh 725 trận, tiêu diệt 916 tên địch, thu nhiều vũ khí các loại; tổ chức hàng chục đợt phá ấp chiến lược, kêu gọi hàng chục lính ra hàng… Riêng phong trào Hũ gạo nuôi quân, người dân Long Tân đã ủng hộ bộ đội từ 200-300 kg/tháng.

Phát huy truyền thống anh hùng của vùng đất Long Tân, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân xã Long Tân đã nhanh chóng tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, đưa địa phương ngày càng phát triển.

Nhiều nông dân xã Long Tân vẫn còn giữ thói quen chà gạo từ lúa trồng để sử dụng trong gia đình. Ảnh: Đ.Phú

Thường trực Đảng ủy xã Long Tân Nguyễn Văn Đẹp cho biết, trước năm 1994 (giai đoạn khi chia tách H.Long Thành và H.Nhơn Trạch), cơ sở hạ tầng của địa phương vẫn chưa thay đổi mấy, đời sống người dân trong xã vẫn là 100% nông nghiệp, dịch vụ nhỏ. Mãi tới năm 2004-2006, dưới thời Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hoàng Tưởng, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Nam (cùng trong nhiệm kỳ 2000-2005) lãnh đạo thì địa phương có rất nhiều khởi sắc về hạ tầng, đời sống, diện mạo. Đặc biệt, từ giai đoạn 2010 đến nay, khi xã Long Tân dồn sức xây dựng nông thôn mới thành công vào năm 2014, nông thôn mới nâng cao vào năm 2021 và nay là nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo ra sự thay đổi toàn diện.

Phó chủ tịch UBND xã Phạm Công Bình bày tỏ, địa phương hiện có lợi thế về tiềm năng đất đai, sông nước, nhiều công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh và là vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên hướng đến đầu tư, khai thác dịch vụ, du lịch, bắt kịp với xu thế phát triển đô thị của huyện, tỉnh. Tuy vậy, trong định hướng phát triển của mình, địa phương vẫn luôn lấy việc xây dựng con người, vùng đất Long Tân anh hùng làm trung tâm.

Khi cả nước bước vào tháng 4 hào khí cách mạng, hướng tới kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2023), bà NGUYỄN THỊ ĐÀO (81 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Long Tân giai đoạn 1976-1996) thêm tự hào về vùng đất Long Tân anh hùng ngày càng đổi mới. Bà tâm sự, điều mà thế hệ cán bộ, đảng viên trẻ làm được hôm nay, không chỉ đem lại ấm no, hạnh phúc cho những người dân hiện tại mà còn là sự đền ơn, đáp nghĩa đối với quá khứ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xahoi/202303/vung-dat-anh-hung-chuyen-minh-3162044/