Vùng đất cổ Hoằng Hóa: Một không gian văn hóa đậm đà bản sắc

Dưới góc độ của một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, vùng đất cổ Hoằng Hóa đã góp một nét bút đặc sắc, để làm phong phú và rạng rỡ hơn bức tranh văn hóa muôn màu của xứ Thanh nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, trong suốt dặm dài lịch sử.

Chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh) - điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

Theo các tài liệu lịch sử còn ghi lại, ngay từ thời kỳ Hùng Vương vùng đất Hoằng Hóa đã có dấu vết sinh tồn của người Việt cổ. Đến giai đoạn tiền văn hóa Đông Sơn (khoảng cuối thiên niên kỷ II trước CN), đây đã là nơi con cháu các vua Hùng sinh cơ lập nghiệp. Cũng nhờ đó mà Hoằng Hóa được xem là vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử và là một trong những vùng quần cư phát triển liên tục của xứ Thanh. Đồng thời, chính lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài của vùng đất cổ này, đã hình thành nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc.

Hoằng Hóa là đất học, hay nói cách khác, truyền thống hiếu học của người Thanh Hóa đã hội tụ và tỏa sáng nhất ở vùng đất này. Từ xa xưa, đây là nơi mà dòng khoa bảng đã “chảy” suốt chiều dài lịch sử ngót bảy, tám trăm năm. Người được xem là mở đầu cho nền khoa bảng Hoằng Hóa và cho cả Thanh Hóa là Lưu Diễm (có sách chép là Lưu Bính). Ông quê làng Vĩnh Trị, tổng Từ Minh (nay là xã Hoằng Quang), đỗ thứ 2 đệ nhất giáp (Bảng nhãn), khoa thi thái học sinh năm Nhâm Thìn 1232, đời Trần Thái tông. Bảy năm sau, anh trai ông là Lưu Miễn đỗ đệ nhất giáp (Trạng nguyên), khoa thi thái học sinh năm Kỷ Hợi 1239, cũng dưới triều vua Trần Thái tông. Có thể nói, việc một gia đình, một làng có tới 2 người đỗ đại khoa dưới một triều vua, là một kỳ tích. Cũng từ đây, danh thơm đất học Hoằng Hóa có cơ sở hình thành và được kế thừa liên tục. Để rồi, cho đến hết thời Nguyễn, vùng đất này đã có 48 người đỗ đại khoa (từ tiến sĩ trở lên). Trong đó, những vùng khoa bảng nổi tiếng nhất phải kể đến là Bột Thượng, Bột Thái (Hoằng Lộc); Nguyệt Viên, Vĩnh Trị, Phù Quang (Hoằng Quang); Quỳ Chử, Đông Khê (Hoằng Quỳ); Hội Triều (Hoằng Phong); Cát Xuyên (Hoằng Cát)...

Một đặc trưng khá thú vị trong truyền thống học hành, khoa bảng Hoằng Hóa, đó là làng nào có nhiều người đỗ đạt, làng ấy có nghề canh cửi. Nhiều người mẹ, người vợ đã tần tảo sớm hôm, chịu đói chịu rét, mòn chân bên khung dệt, để lo cho chồng con ăn học. Đặc biệt, ở Hoằng Lộc, “sự lo toan của các bà mẹ, bà vợ còn thể hiện cả trong ý thức tâm linh. Đầu xuân năm mới, mẹ mua giấy cho con khai bút lấy may. Ngày nhập môn, mẹ dẫn con đến lạy cửa nhà thầy, cậy nhờ thầy dìu dắt”. Đặc biệt hơn, những người mẹ, người vợ có công nuôi chồng, chăm con học hành, thành đạt sẽ nhận được sự nể trọng của dân làng. Chẳng hạn, nếu họ làm nghề buôn bán sẽ được làng ưu tiên chọn chỗ ngồi sạch sẽ, thuận lợi; còn nếu làm nghề nông sẽ được cày cấy trên ruộng dành cho người đỗ đạt. Hoặc những ngày lễ lạt, làng sẽ có phần kính biếu cho những bà, những mẹ có chồng con đỗ đại khoa, trung khoa... Có thể nói, ý thức coi trọng sự học và tôn trọng những người phụ nữ tảo tần đã góp phần vun vén cho cái sự học ấy, đã trở thành một nét văn hóa đẹp và là truyền thống đáng trân trọng trong đời sống tinh thần người dân Hoằng Hóa.

Không chỉ nổi danh đất học, Hoằng Hóa còn là một vùng văn học - nghệ thuật dân gian đặc sắc. Nơi đây xuất hiện hầu hết những thể loại văn học dân gian của người Việt, trong đó phải kể đến như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, ca dao, dân ca, tục ngữ, chèo chải, vè... Nổi tiếng nhất trong kho tàng truyện kể dân gian Hoằng Hóa nói riêng, xứ Thanh nói chung, là giai thoại liên hoàn về Trạng Quỳnh, về ông Bưng – Lê Phụng Hiểu và truyền thuyết về sự hình thành sông núi, làng mạc, chống ngoại xâm. Trong đó, truyện Trạng Quỳnh bao gồm 40 mẩu chuyện khác nhau xoay quanh nhân vật chính này và nhiều nhân vật phụ là những đối tượng bị châm biếm, đả kích. Theo đánh giá, xét cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, truyện Trạng Quỳnh là hệ thống truyện cười đặc sắc, độc đáo và hoàn thiện nhất trong kho tàng truyện cười dân gian. Điều đó khiến cho truyện Trạng Quỳnh không chỉ là tài sản trí tuệ của nhân dân Hoằng Hóa, mà còn là tài sản chung, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa – văn học dân gian Việt Nam.

Nói đến Hoằng Hóa, sẽ thật thiếu xót nếu không nhắc đến một hệ thống các di tích, tín ngưỡng, lễ hội và nghệ thuật trình diễn dân gian phong phú, đặc sắc. Hệ thống di tích trên đất Hoằng Hóa là một quần thể kiến trúc nghệ thuật, gồm nghè, đình, chùa, văn chỉ... Đây là nơi nhân dân thực hành các nghi thức thờ phụng thần linh, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, tổ nghề, thành hoàng làng. Trong đó, nổi tiếng hơn cả phải kể đến Di tích đình Bảng Môn (xã Hoằng Lộc), là nơi tôn vinh truyền thống học hành, khoa bảng, cũng đồng thời là nơi thờ thành hoàng làng Nguyễn Tuyên (quê Hoằng Lộc) – vị đại tướng triều Lý có công bình Chiêm. Cùng với đó là nghè Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang) – nơi thờ thành hoàng làng. Đây là công trình kiến trúc lâu đời, có giá trị cao về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, Hoằng Hóa còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mà nổi bật hơn cả là các lễ hội dân gian truyền thống, hát ca công (còn gọi là hát nhà trò, ca trù), hát tuồng, hát chèo, hội trống quân, trò chèo chải, trò Tú Huần...

Có thể khẳng định, truyền thống học hành, khoa bảng nức tiếng và một kho tàng văn hóa - văn nghệ, nghệ thuật dân gian giàu tính nhân văn, sâu sắc trí tuệ, là một đặc trưng nổi bật và riêng có của không gian văn hóa Hoằng Hóa.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Địa chí văn hóa Hoằng Hóa).

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vung-dat-co-hoang-hoa-mot-khong-gian-van-hoa-dam-da-ban-sac/111067.htm