Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ: Phát huy thế mạnh thương mại, dịch vụ

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB) gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, đều là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thương mại, dịch vụ.

Nhiều thế mạnh

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2014 - 2018, vùng KTTĐBB là thị trường có hoạt động thương mại sôi động cùng với sự phát triển mạnh các hệ thống phân phối và sự phong phú, đa dạng chủng loại hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng năm 2018 đạt 846,73 nghìn tỷ đồng, tăng 8,38% so với năm 2017, chiếm 19,17% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Giai đoạn 5 năm (2014 - 2018), tổng mức của vùng tăng bình quân 10,74%.

Hệ thống kho và trung tâm dịch vụ logistics cơ bản hoàn thiện

Hệ thống kho và trung tâm dịch vụ logistics cơ bản hoàn thiện

Loại hình thương mại hiện đại, đặc biệt là siêu thị, tại vùng KTTĐBB đang có xu hướng gia tăng, từ 216 siêu thị năm 2016 lên 233 siêu thị năm 2018, tương ứng tăng 7,87%. Số lượng siêu thị của vùng hiện nay chiếm khoảng 23,14% tổng số siêu thị của cả nước và chiếm 84,42% số siêu thị của vùng Đồng bằng sông Hồng. Số lượng trung tâm thương mại (TTTM) tăng từ 43 năm 2016 lên 45 năm 2018, chiếm khoảng 25,47% tổng số TTTM của cả nước và 86,54% vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phát huy thế mạnh về dịch vụ logistics, trong vùng đã hình thành hệ thống kho và các trung tâm logistics phục vụ hoạt động thương mại nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng. Hết năm 2018, cả nước có tổng số 47 trung tâm logistics tại 8 tỉnh, thành phố; trong đó, vùng KTTĐBB có 27 trung tâm logistics, chiếm 57,45% tổng số trung tâm logistics của cả nước. Hệ thống hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics này đã góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như cả nước.

Tập trung các nhóm giải pháp

Xác định vùng KTTĐBB có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, tại Hội nghị Phát triển vùng KTTĐBB được tổ chức tại Hưng Yên vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp để tăng cường hiệu quả phát triển liên kết của vùng này. Trên cơ sở đó, thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về thị trường trong nước, sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính để phát triển thương mại, dịch vụ vùng KTTĐBB.

Cụ thể, thực hiện tốt Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo đó, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, sớm hoàn thiện các quy định có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong các cam kết quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đến các địa phương, doanh nghiệp trong vùng để thay đổi kịp thời phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm tiếp cận với thị trường thế giới…

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý trong phát triển hạ tầng thương mại, bổ sung các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu thương mại, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Nâng cấp, phát triển chợ truyền thống, kết hợp với từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân trên địa bàn nông thôn; tập trung cải tạo, nâng cấp các chợ đô thị tại trung tâm quận, thị xã, thành phố hiện có; tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức quản lý chợ…

Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với nhà sản xuất. Tăng cường liên kết vùng bằng những hoạt động như: Kết nối cung - cầu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng mạng lưới thông tin của vùng nhằm hỗ trợ hoạt động điều phối, lưu thông hàng hóa; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh và đặc thù của vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng logistics và tối ưu hóa khai thác hệ thống logistics của vùng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất, khai thác thế mạnh cửa khẩu, cầu cảng… để đưa lĩnh vực này phát triển…

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số chợ trong quy hoạch của 7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là 1.254, chiếm khoảng 66,24% tổng số chợ của vùng Đồng bằng sông Hồng và 14,79% tổng số chợ của cả nước.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-kinh-te-trong-diem-bac-bo-phat-huy-the-manh-thuong-mai-dich-vu-125607.html