Vùng ly khai của Moldova liên quan gì tới giao tranh Ukraine?

Transnistria là vùng ly khai ở miền Đông của Moldova, nước giáp ranh Ukraine về phía tây. Không quốc gia nào trên thế giới công nhận độc lập của Transnistria, kể cả Nga.

Tuần trước, một chỉ huy quân đội Nga đã gây bất ngờ khi gợi ý rằng Moscow dự định thiết lập hành lang nối liền từ miền Nam Ukraine tới một dải đất tí hon có tên gọi Transnistria.

“Việc kiểm soát miền Nam Ukraine sẽ là một con đường nữa dẫn đến Transnistria, nơi thực tế cũng đang có hiện tượng người nói tiếng Nga bị áp bức”, tướng Rustam Minnekaev, quyền chỉ huy Quân khu miền Trung của Nga, theo Interfax.

Phát biểu của ông Minnekaev khiến Moldova phản ứng gay gắt, khơi gợi lại sự chú ý và bàn luận về Transnistria, dải đất hẹp chạy dọc đường biên giới Ukraine - Moldova, với dân số gần 500.000 người.

Thành phố Tiraspol đóng vai trò tương đương "thủ đô" của Transnistria . Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Quốc Đạt.

Transnistria có nguồn gốc ra sao?

Lịch sử Transnistria gắn liền với lịch sử Moldova. Moldova trước kia là một phần của Romania, sau đó được sáp nhập vào Liên Xô trong năm 1940.

Giai đoạn Liên Xô tan rã, vào năm 1990, Moldova nổ ra xung đột vũ trang giữa chính phủ mới độc lập và lực lượng ly khai muốn duy trì quan hệ với Liên Xô. Năm 1992, hai bên đạt lệnh ngừng bắn.

Tới nay, Transnistria vẫn được Liên Hợp Quốc xem là một phần của Moldova nhưng trên thực tế, Moldova đã mất quyền kiểm soát đối với Transnistria - nơi có chính quyền, pháp luật, quân đội, đồng tiền… riêng.

Theo kết quả thống kê điều tra dân số năm 2015 do chính quyền Transnistria thực hiện, nơi đây có 29,1% là người dân tộc Nga, 28,6% là người Moldova, 22,9% người Ukraine và các sắc dân thiểu số khác.

Hiện, Transnistria chỉ được công nhận là một “nhà nước” bởi các vùng ly khai khác như Nam Ossetia, Abkhazia (được đa số quốc gia công nhận là lãnh thổ của Georgia) và Artsakh (được xem là thuộc về Azerbaijan).

Nhiều năm qua, binh sĩ Nga đồn trú ở Transnistria trong tư cách “lực lượng gìn giữ hòa bình” với quân số xấp xỉ 1.500 người. Quân đội Nga cũng tổ chức tập trận tại Transnistria, lần gần nhất là vào tháng 2. Moscow thường giúp đỡ chính quyền Transnistria thân Nga bằng cách cung cấp khí đốt tự nhiên miễn phí và hỗ trợ tài chính.

Transnistria có ý nghĩa gì trong giao tranh Ukraine?

Trong giao tranh với Ukraine, Nga có thể dùng Transnistria làm nơi hỗ trợ y tế và thực phẩm, hộ tống đoàn xe vận tải và bảo vệ mạng lưới đường sắt. Đây cũng có thể là nơi an toàn để quân đội Nga chấn chỉnh lực lượng và sửa chữa trang thiết bị.

Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cảnh báo việc Nga đưa quân vào Ukraine có thể chỉ là sự khởi đầu và Moscow có ý định kiểm soát thêm lãnh thổ của các nước khác. Ông Zelensky còn lo ngại binh sĩ Nga ở Transnistria có thể tấn công Ukraine từ phía tây.

Tuy nhiên, khu vực Transnistria không đem lại nhiều lợi thế chiến lược cho Nga, theo ông Anton Barbashin, nhà phân tích chính trị thuộc tạp chí Riddle của Nga.

Ông Barbashin cho rằng việc Nga đưa quân tới đây sẽ “tạo ra nhiều vấn đề hơn” cho Nga, có khả năng kích hoạt thêm các lệnh trừng phạt và hủy hoại quan hệ Nga - Moldova. Trong khi đó, Moldova đã ghi nhận nguyên tắc trung lập trong hiến pháp và tuyên bố không gia nhập NATO.

Một tấm biển tại thành phố Tiraspol, Transnistria. Ảnh: DPA.

Căng thẳng Moldova - Transnistria gần đây tới từ đâu?

Dù vậy, giao tranh tại nước láng giềng Ukraine và sự hiện diện của binh sĩ Nga ở Transnistria vẫn khiến Moldova e ngại hai bên sẽ bị cuốn vào xung đột, đặc biệt là sau một số sự kiện vừa qua.

Một tuần sau khi giao tranh Ukraine bùng nổ, mạng xã hội xuất hiện video Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đứng cạnh tấm bản đồ. Nội dung bản đồ dường như cho thấy Transnistria là mục tiêu tiềm năng.

Quan chức Belarus sau đó cho biết tấm bản đồ này là một sai lầm.

Sau phát biểu hôm 21/4 của tướng Minnekaev, Moldova triệu tập đại sứ Nga để phản đối. Văn phòng chính sách tái hòa nhập của Moldova cũng khẳng định những gì vị tướng Nga nói là làm “gia tăng căng thẳng và tâm lý ngờ vực”.

Tới hôm 25/4, một loạt vụ nổ bằng súng phóng lựu làm hư hại trụ sở an ninh của Transnistria, theo giới chức khu vực ly khai.

Sự việc khiến tổng thống Moldova phải nhóm họp Hội đồng An ninh nước này. Chính phủ Moldova khẳng định những vụ nổ đó là nhằm "tạo cớ làm căng thẳng tình hình an ninh", đồng thời kêu gọi bình tĩnh, theo Bloomberg.

Khả năng quân đội Nga tiến đến Transnistria?

Giới phân tích nhận định khả năng Nga tiến quân tới khu vực này không lớn. Nguyên nhân là Nga lúc này đang tập trung kiểm soát vùng Donbas ở miền Đông Ukraine và quân đội Nga cũng đã chịu tổn thất nặng nề.

“Quân đội Nga không có khả năng thực hiện cuộc tiến công như vậy”, Michael Kofman, chuyên gia Nga thuộc tổ chức phân tích và nghiên cứu CNA có trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Ông Kofman còn cho rằng tuyên bố của tướng Minnekaev về việc Nga định kiểm soát miền Nam Ukraine không phải điều mới mẻ. Nga đã cố thực hiện điều này trong giai đoạn một nhưng không thể vượt qua thành phố Mykolaiv của Ukraine.

Tuần này, Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu cho biết tình hình Transnistria “về cơ bản là bình lặng”. Moldova chưa thấy tín hiệu có hoạt động quân sự bất thường tại Transnistria.

Tuy người dân ở vùng ly khai phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nga, Transnistria tới nay chưa công khai ủng hộ hoặc phản đối cuộc giao tranh tại Ukraine.

Transnistria cũng có quan hệ sâu sắc với Ukraine và khoảng 100.000 người dân tại đây có quốc tịch Ukraine, theo lãnh đạo cơ quan ngoại giao của Transnistria.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vung-ly-khai-cua-moldova-lien-quan-gi-toi-giao-tranh-ukraine-post1312568.html