Vùng Nam Trung bộ: Doanh nghiệp mong muốn gì để xuất khẩu nông, lâm thủy sản thành công?

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản vùng Nam Trung bộ đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Khó khăn và rào cản

Là doanh nghiệp xuất khẩu bột cá lớn của tỉnh Khánh Hòa, ông Vương Vĩnh Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho biết, một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc thực hiện các thủ tục kiểm hóa hàng hóa tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật với nông sản thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn... gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.

Cùng với đó, hàng bột cá xuất khẩu đi Đài Loan bị các hãng tàu phân loại là hàng nguy hiểm do đó một số hãng tàu không nhận mặt hàng này, điều này đã dẫn đến giá cước vận chuyển cao do ít sự lựa chọn hãng tàu xuất khẩu. Chi phí vận tải cũng là rào cản làm vướng chân các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản Việt Nam khai thác một số thị trường xuất khẩu tiềm năng như Ả Rập Xê Út.

Các doanh nghiệp vùng Nam Trung Bộ tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Các doanh nghiệp vùng Nam Trung Bộ tìm giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Còn theo ông Nguyễn Quang Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa, sản xuất và xuất khẩu nông sản mang tính thời vụ cao, phải đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe, giá cả hàng nông sản xuất khẩu không ổn định, không đa dạng sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu xuất khẩu nông sản thô… là những khó khăn chung của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu.

“Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam khá cao nhưng đa số vẫn là xuất khẩu nông sản thô chưa qua chế biến. Do đó, chúng ta chưa thể thu được doanh thu từ giá trị gia tăng của sản phẩm. Đối với rong nho, chúng tôi cũng chỉ đang xuất khẩu chủ yếu ở dạng rong tách nước dẫn đến chưa tận dụng hết được nguyên liệu rong nho có phẩm chất tốt nhưng không đạt quy cách yêu cầu làm ảnh hưởng tới giá cả của sản phẩm”, ông Duy chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Đạt – Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (Bình Phước), hiện giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp cũng là nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Cùng với đó, việc chỉ chế biến thô khiến sản phẩm của doanh nghiệp gặp thua thiệt, khó cạnh tranh với các sản phẩm chế biến sâu trên thị trường…

Doanh nghiệp xuất khẩu đề xuất nhiều giải pháp căn cơ

Để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh Vương Vĩnh Hiệp đề xuất tham tán thương mại tại các nước tạo kênh liên lạc hiệu quả hỗ trợ các doanh khẩu tìm kiếm thông tin, đối tác nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

Bên cạnh đó, tạo một đầu mỗi thống nhất đăng ký, kiểm định đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Giảm thời gian và chi phí thông quan, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đã được áp thông quan theo luồng xanh.

Đặc biệt, ông Vương Vĩnh Hiệp kiến nghị tỉnh Khánh Hòa cần sớm xây dựng hoàn thiện cảng trung chuyển nước sâu mang tầm quốc tế tại Vân Phong, giúp giảm được chi phí và thời gian logistic, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại miền Trung nói chung và Nam Trung bộ nói riêng.

Chi phí logistics tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực sản xuất bột cá, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho rằng nên có một tổ chức cầu nối cho các doanh nghiệp sản xuất bột cá tại Việt Nam. Việc ra đời một tổ chức cầu nối sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời cập nhật công nghệ sản xuất, kiến thức kỹ thuật mới, giúp cho các DN sản xuất bột cá trong nước thuận lợi hơn trong việc nắm bắt cung cầu thị trường từ đó góp phần đảm bảo ngành phát triển bền vững, lâu dài.

Tổ chức cầu nối cũng sẽ giúp các doanh nghiệp cập nhật kiến thức về các rào cản tiếp cận thị trường, hàng rào thủ tục, quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, liên tục cập nhật các hiệp định thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước nhập khẩu.

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Quang Duy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rong biển D&T Khánh Hòa cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước là vô cùng quan trọng, đối với một số sản phẩm thì vai trò của các cơ quan nhà nước là yếu tố mấu chốt để mở ra thị trường xuất khẩu.

Do đó, ông Nguyễn Quang Duy đề xuất Bộ Công Thương cần thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các quốc gia giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội xuất khẩu hàng hóa. Các đối tác kết nối cần được chọn lọc kỹ hơn để chương trình kết nối hiệu quả hơn. Phối hợp cùng các viện nghiên cứu thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về các đề tài cụ thể. Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo các doanh nghiệp thực hiện sản xuất để đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt – Giám đốc Công ty TNHH Vinahe kiến nghị, cần thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực bảo quản, chế biến, logistics,... Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chế biến, qua đó kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân được ổn định, bền vững, hiệu quả.

Ngoài ra, cần vận động, tuyên truyền cho người nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập các nông trại lớn, thực hiện chuyển đổi tư duy trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vung-nam-trung-bo-doanh-nghiep-mong-muon-gi-de-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-thanh-cong-256635.html