Vùng 'ngọt hóa Gò Công' gồng mình chống mặn

Vùng 'ngọt hóa Gò Công' của tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương ứng phó khi nước mặn đe dọa hàng nghìn ha hoa màu và cây ăn trái.

Cũng như nhiều nông dân khác, mấy ngày nay, ông Trần Minh Hồng, ở ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tranh thủ dùng máy bơm, bơm nước từ kênh Xuân Hòa vào để cung cấp cho hơn 1 ha lúa mới gieo sạ vài ngày. Ông Hồng cho biết, do thiếu cơ giới nên phải gieo trễ lịch thời vụ nên lo ngại bị ảnh hưởng do nước mặn đến sớm.

Cống Xuân Hòa đang tích cực lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cho toàn vùng "ngọt hóa Gò Công".

Cống Xuân Hòa đang tích cực lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cho toàn vùng "ngọt hóa Gò Công".

Đến nay, nông dân vùng “ngọt hóa Gò Công”, tỉnh Tiền Giang xuống giống gieo sạ hơn 25.000ha lúa Đông Xuân, có khoảng 7.000ha lúa gieo sạ trễ lịch thời vụ, thậm chí chưa gieo sạ. Đối với số diện tích đất chưa xuống giống, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vận động nông dân” cắt vụ” hoặc trồng các loại hoa màu khác ít sử dụng nước.

Ruộng lúa vùng "Ngọt hóa Gò Công" (Tiền Giang) gieo sạ chậm so lịch thời vụ.

Tại xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, vụ này có 70 ha đất lúa nông dân không xuống giống. Toàn xã có 55 ha lúa gieo sạ muộn và gần 500 ha cây thanh long có nguy cơ thiếu nước.

Về kế hoạch ứng phó với hạn mặn, ông Trần Ngọc Vương, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn chia sẻ: "Hiện nay, xã đang tập trung xác định các điểm bơm, chống hạn đầu nguồn, rà soát các tuyến kênh trên địa bàn, khai thông các chướng ngại vật cho kênh thông thoáng. Khi có chủ trương bơm chống hạn thì chúng tôi tập trung bơm. Đã liên hệ hết các chủ máy máy bơm, khi có chỉ đạo thì triển khai thực hiện ngay. Với cây thanh long, đa số bà con hiện không xông đèn để cắt giảm lượng nước và mua rơm, cắt cây lục bình ủ lên gốc để giữ độ ẩm cho gốc cho qua đợt hạn này".

Vườn thanh long tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đang " khát" nước ngọt.

Để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất cho hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu và cây ăn trái của vùng “ngọt hóa Gò Công”, mấy ngày nay, trạm thủy nông Gò Công “canh” lấy nước tối đa công suất tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo). Mỗi ngày, đêm, cống Xuân Hòa lấy vào trên 1,5 triệu mét khối nước ngọt. Hiện nay, cống Xuân Hòa còn được Bộ Nông nghiệp- PTNT đầu tư khoảng 30 tỷ đồng xây lấp hệ thống máy bơm có công suất đến vài nghìn mét khối/giờ. Dự kiến công trình này tháng sau sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động.

Ông Huỳnh Minh Chương, trưởng trạm Thủy Nông Gò Công cho biết, ngoài cống Xuân Hòa đang lấy nước ngọt, các cống đập khác trong vùng dự án đều đóng kín để ngăn mặn.

Nông dân huyện Gò Công Tây chủ động bơm nước vào ruộng lúa (ảnh: PV).

"Riêng cống Xuân Hòa thì mình tận dụng mọi khả năng để lấy nước. Qua kiểm tra độ mặn của cống này hiện vẫn đảm bảo cho lấy nước ngọt vào phục vụ sản xuất. Đối với các hệ thống kênh mương, thủy lợi thì hiện nay vẫn đảm bảo năng lực chuyển tải nước cho các huyện cuối nguồn", ông Chương nói.

Tuy nhiên, số diện tích lúa, hoa màu tại vùng “Ngọt hóa Gò Công”, tỉnh Tiền Giang, nhất là ở khu vực ven sông Tra, sông Gò Công, ven đê biển Gò Công.., khi hệ thống kênh mương thủy lợi còn hạn chế, xa kênh trục nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt là không thể tránh khỏi. Ngay bây giờ, chính quyền và người dân địa phương cần chủ động trữ nước để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vung-ngot-hoa-go-cong-gong-minh-chong-man-993631.vov