Vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng do Công ty cổ phần Khánh Hạ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, nhưng để có đủ nguyên liệu cho sản xuất rất cần sự vào cuộc của 'ba nhà' cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nông dân xã Lê Lai, huyện Thạch An (Cao Bằng) kiểm tra ruộng sắn cao sản của gia đình.

Nông dân xã Lê Lai, huyện Thạch An (Cao Bằng) kiểm tra ruộng sắn cao sản của gia đình.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng do Công ty cổ phần Khánh Hạ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 100 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, nhưng để có đủ nguyên liệu cho sản xuất rất cần sự vào cuộc của “ba nhà” cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thiết kế, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng, có công suất 480 tấn củ sắn/ngày, tương đương khoảng gần 60 nghìn tấn củ cho bốn tháng sản xuất (trong thời gian thu hoạch sắn). Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, mỗi vụ nhà máy chỉ thu mua được 5.000 đến 15.000 tấn sắn/vụ, đáp ứng từ 15 đến 25% nguyên liệu cho nhà máy. Tương ứng, số ngày hoạt động của nhà máy cũng chỉ kéo dài từ 20 đến 73 ngày/vụ.

Để giải quyết phần nào vấn đề thiếu nguyên liệu, nhà máy phối hợp với các huyện, xã trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trồng sắn; ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cam kết thu mua hết sản phẩm cho nông dân; ứng trước giống sắn, phân bón cho nông dân (thu hồi khi mua sắn); luôn thu mua sắn với giá thu mua tại ruộng 1.400 đồng/kg (cao hơn từ 200 đến 300 đồng/kg so với các nhà máy khác). Tuy nhiên, đến nay vùng nguyên liệu sắn của công ty vẫn dao động từ 900 đến 1.500 ha/năm, với sản lượng thấp, từ 9 đến 11 tấn/ha nên tổng sản lượng sắn thu mua năm cao nhất mới đạt hơn 15 nghìn tấn. Mặt khác nhà máy còn triển khai thu mua sắn ở một số tỉnh khu vực Đông Bắc, nhưng sản lượng thu mua không được nhiều, do chi phí vận chuyển làm “đội” giá nguyên liệu đầu vào.

Đánh giá nguyên nhân người nông dân chưa mặn mà với cây sắn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng Bế Xuân Tiến cho rằng: Điểm “nghẽn” để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sắn là do thu nhập của các hộ trồng sắn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng từ 15 đến 17 triệu đồng/ha, so với các cây trồng phổ biến như cây lạc 35 triệu đồng; lúa 34 triệu đồng; đỗ tương 20 triệu đồng; ngô từ 18 đến 20 triệu đồng/ha. Nên chưa khuyến khích được người nông dân tham gia trồng sắn. Hơn nữa do người dân vẫn dùng giống sắn cũ (65% diện tích), lại trồng trên đất nghèo kiệt về dinh dưỡng, chưa đầu tư bón phân, làm cỏ dẫn đến năng suất cây sắn thấp, thu nhập kém hấp dẫn so với cây trồng phổ biến. Hiện tổng diện tích sắn nguyên liệu cả tỉnh đạt gần 1.900 ha. Với năng suất thấp như hiện nay, “điệp khúc” thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ lại tái diễn trong niên vụ sản xuất 2018 - 2019 của nhà máy.

Để giải bài toán nguyên liệu, Giám đốc Công ty cổ phần Khánh Hạ Nông Thị Đang cho biết: Công ty hỗ trợ một số hộ dân ở xã Lê Lai (huyện Thạch An), xã Đức Hồng (huyện Trùng Khánh) trồng giống sắn cao sản do công ty cung cấp, đầu tư chăm bón năng suất đạt từ 40 đến 50 tấn, thu nhập từ 45 đến 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đây mới là trường hợp cá biệt, đa số nông dân vẫn chưa thay đổi phương thức trồng sắn, công ty cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương vận động nông dân trồng giống sắn mới, đúng kỹ thuật, khi năng suất tăng, mang lại thu nhập cao mới thu hút được nông dân trồng sắn.

Trước hết, cần vận động, hỗ trợ nông dân thay đổi cơ cấu giống, từ giống địa phương năng suất thấp, sang giống cao sản. Tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đúng quy trình. Xây dựng mô hình trồng sắn cao sản, đúng kỹ thuật, cho năng suất, sản lượng, thu nhập cao để nông dân học tập, làm theo. Ngân hàng phối hợp cho vay vốn để công ty cùng nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sắn và duy trì giá thu mua ở mức hợp lý để khuyến khích nông dân trồng sắn, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng sắn thu được trên một héc-ta canh tác.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37694502-vung-nguyen-lieu-cho-nha-may-che-bien-tinh-bot-san.html