Vùng nông thôn năng động

“Cá nước ngọt xã Hòa Khương (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) phong phú, đa dạng với nhiều loại cá trắng như: diêu hồng, trắm cỏ, mè, trôi, chép... Cùng với nguồn nước tự nhiên dồi dào cung cấp từ hồ Đồng Nghệ và được người nông dân nuôi theo phương pháp truyền thống, quảng canh nên cá nước ngọt nơi đây nổi tiếng với thịt chắc, vị ngọt đậm và mùi thơm hấp dẫn"... Đó là nội dung quảng bá của Phòng NN&PTNT H. Hòa Vang khi triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nông dân xã Hòa Khương thu hoạch sản phẩm.

Nông dân xã Hòa Khương thu hoạch sản phẩm.

Ở xã Hòa Khương, hiện có hơn 330 hộ nuôi cá dàn trải trên địa bàn 10 thôn với tổng diện tích mặt nước 62ha; trong đó khu nuôi cá tập trung ở 2 thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 có diện tích 12ha với hơn 70 hộ dân canh tác. Nơi đây có hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ đi qua nên rất thuận lợi cho công tác nuôi trồng. Năm 2013, nông dân nuôi cá tại địa phương cũng thành lập Tổ sản xuất, hợp tác tiêu thụ cá nước ngọt nhằm tập trung những hộ dân nuôi cá, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra. Ngoài những loại cá trên thì hiện có nhiều hộ dân đang nhân rộng mô hình nuôi cá trắm đen (giống được mua tại Hà Nội). Loài cá trắm đen được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, sức đề kháng mạnh, giá thành lại cao... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp, do có nhiều diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, người dân lại không mấy "mặn mà", bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng nguồn thu nhập không đáng là bao. Vì vậy việc "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi mới cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt ở địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ riêng năm 2017, toàn xã đã xuất bán hơn 1 ngàn tấn cá các loại, thu nhập 30,4 tỷ đồng. Nhìn lại chặng đường đã qua, một khoảng thời gian chưa phải là dài, nhưng đó lại là quãng thời gian để người dân nông thôn sáng tạo, cần cù và chắt chiu để rút dần khoảng cách với người dân thành thị. Và rõ ràng bằng ý Đảng, lòng dân cộng hưởng thành sức mạnh nội sinh để người dân Hòa Khương năng động, nâng cao cuộc sống bằng chính đôi tay và nghị lực của mình...

Đang cặm cụi cắt cỏ cho cá ăn, thấy chúng tôi, ông Trần Văn Toàn (thôn Phú Sơn 1) ngừng tay chia sẻ, do chưa có điều kiện chăn nuôi công nghiệp nên buổi sáng chúng tôi cho cá ăn cỏ, đến buổi chiều mới thả bột. Nói xong, ông ôm bó cỏ, rau muống quẳng mạnh xuống nước. Từng đàn cá trắm trắng, chép, trôi, diêu hồng nổi lên đớp mồi rào rào, quẫy đạp sôi động một góc ao. Đây là lứa cá được thả từ tháng 5 dương lịch để qua Tết thu hoạch. Năm trước, với hơn 5 sào mặt nước, ông thu hoạch hơn 1 tấn cá trắng, bán bình quân 40 ngàn đồng/kg, đạt doanh thu gần 70 triệu đồng. Ông tâm sự: "Làm ruộng may mắn vào năm mưa thuận, gió hòa thì cao nhất được mấy tạ thóc, lãi lời chẳng đáng là bao nên khi có khoản thu từ việc nuôi cá, cuộc sống của gia đình được thuận lợi hơn"... Chia tay ông Toàn, chúng tôi đến gia đình bà Cao Thị Hòe (thôn Phú Sơn 2). Bên các ao rộng hơn 2 sào là ngôi nhà ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi. Bà Hòe cũng không giấu niềm vui khi nói về việc làm ăn thuận lợi. Năm 2008, khi địa phương có chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi cá tập trung, gia đình bà mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi ruộng đất trồng khoai sang đầu tư ao nuôi cá giống, cá thương phẩm. Trung bình mỗi vụ, bà xuất bán hơn 4 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 50 triệu đồng. "Trước đây, khu vực này đa phần nuôi cá trê phi nhưng do thị trường tiêu thụ phụ thuộc rất nhiều vào thương lái ở các tỉnh Tây Nguyên và một số huyện miền núi tỉnh TT - Huế nên... lúc được, lúc mất. Sau đó, người dân dần chuyển qua nuôi các loại cá trắng vừa có đầu ra ổn định, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Hơn nữa, khu vực này có hệ thống kênh tưới, tiêu bao quanh các ao theo hình bàn cờ, rất tiện khi điều tiết nước, nhất là không còn tình trạng nước tù đọng, giúp cá lớn nhanh. Với quy hoạch trên, việc tiêu thoát nước cho khu vực này khá thuận lợi, ao không bị tràn bờ", bà Hòe cho biết thêm.

Cùng với đó, đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm (KNNL) TP còn xây dựng mô hình "Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học" cho một số hộ dân để từng bước giúp người nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Các hộ tham gia được Trung tâm KNNL TP hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, hỗ trợ kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. "Thời gian gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng đang là một vấn đề nóng được dư luận quan tâm và chính quyền TP đã có những chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn hạn chế các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định. Vì vậy, các hộ dân nhận thức việc quản lý ao nuôi tốt để tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng; góp phần phát triển bền vững việc nuôi trồng thủy sản tại địa phương", ông Phan Công Minh (thôn Phú Sơn 2) - 1 hộ dân được hỗ trợ thực hiện mô hình chia sẻ.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_199794_vung-nong-thon-nang-dong.aspx